Sau trận động đất gây sóng thần vừa qua ở Indonesia khiến hơn 700 người chết và mất tích, các nhà khoa học lưu ý Việt Nam không thể chủ quan với hiểm họa này. Bởi nước ta nằm ở vị trí có xác suất xảy ra sóng thần không nhỏ.
Nghi vấn sóng thần tấn công Việt Nam
Hình ảnh sóng thần. |
Cho đến thời điểm này, giới khoa học nước ta chưa ngã ngũ bản chất của một thiên tai kinh hoàng từng xảy ra ở ven biển Thừa Thiên - Huế vào ngày 11- 9 -1904, do nước dâng gây ra. Tiến sĩ Vũ Thanh Ca - Viện Khí tượng, Thủy văn & Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường, trích dẫn từ một báo cáo cho hay, trận thiên tai “đã tàn phá 22.027 ngôi nhà, làm đắm 519 thuyền và chết 724 người”.
Có ý kiến cho rằng, trận thiên tai này là do mưa to gây lụt lớn ven biển (như trận mưa lũ ở ba tỉnh Bắc Trung bộ hồi nửa đầu tháng 10 vừa qua). Có ý kiến nhận định đấy có thể là nước biển dâng do bão. Khi bão lớn đổ bộ vào bờ, gió bão cường độ cao có thể khiến nước biển dâng đột ngột tới hàng mét, thậm chí, hàng chục mét. Các ý kiến khác lại quy thiên tai đó cho sóng thần, dẫn bằng chứng của sóng thần ở bờ biển Nam Định (năm 1930) và Đà Nẵng (năm 1964).
Tuy nhiên, tất cả ý kiến trên đều dựa trên suy đoán chứ không có bằng chứng xác thực. Trong bối cảnh tranh tối tranh sáng ấy , ý kiến phủ nhận có sóng thần có vẻ được chấp nhận hơn cả. Tiến sĩ Vũ Thanh Ca cho biết, tới nay, các kết quả điều tra về khả năng xảy ra của sóng thần tại vùng bờ biển Việt Nam là rất ít.
Ông Ca cũng thừa nhận: “Chưa có bằng chứng rõ ràng khẳng định hay phủ nhận thông tin trên”. Để làm rõ khả năng sóng thần xảy ra ở bờ biển Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thủy, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, đề nghị thực hiện các chuyến khảo sát dọc bờ biển Việt Nam.
Tiến sĩ Vũ Thanh Ca biện luận: Quan niệm của dân ven biển về sóng thần đôi khi thiếu chính xác. Người ta thường nhầm lẫn giữa nước dâng do bão với sóng thần. Nhiều khi thiệt hại do nước dâng do bão hay lũ lụt gây ra do mưa lớn tại vùng cửa sông cũng được quy kết cho nguyên nhân là sóng thần. Do đó, thông tin về sóng thần tấn công vào bờ biển Thừa Thiên-Huế (ngày 11- 9 - 1904) hay ở bờ biển Nam Định (năm 1930), Đà Nẵng (năm 1964) là chưa có cơ sở rõ ràng.
“Rất nhiều khả năng đây là thiệt hại có nguyên nhân không phải sóng thần”, Tiến sĩ Ca nói. “Thiên tai ở vùng bờ biển Việt Nam khá nhiều, nhưng nguồn gốc của thiên tai nhiều khi không rõ ràng”. Nguyên do được cho là phương pháp điều tra chủ yếu ở ta dựa trên ghi chép lịch sử về thiệt hại do thiên tai ở dải ven bờ và điều tra trong dân.
Theo Tiến sĩ Ca, có một số tài liệu về thiệt hại nhưng vì không ghi chép rõ ràng nên không khẳng định được đó có thực sự do sóng thần hay không.
Không thể chủ quan
Dẫu chưa có bằng chứng xác đáng về sóng thần xảy ra trong quá khứ, các nhà khoa học cho biết cũng không thể chủ quan với hiểm họa này, bởi Việt Nam nằm ở vị trí có xác suất xảy ra sóng thần không nhỏ.
Nghiên cứu mới nhất và độc lập của nhóm các nhà khoa học ở Viện Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên & Môi trường) và của Viện Vật lý Địa cầu (Viện Khoa học & Công nghệ) đều chung nhận định: Việt Nam nằm ở vị trí ít có nguy cơ xảy ra sóng thần song không vì thế mà chủ quan.
Theo đó, một đứt gãy dưới Biển Đông phía tây Philippines có thể gây ra động đất cấp 9 và sóng thần. Chỉ trong vòng 2 - 3 tiếng, sóng thần có thể ập đến Việt Nam và vùng biển miền Trung có nguy cơ bị tàn phá nặng nề nhất.
“Các nhà địa chấn phải nghĩ về động đất ở khu vực đới hút chìm phía tây bắc Philippines cũng có thể đạt độ lớn 8,9 tới 9,0 độ richter. Như vậy, vùng bờ biển và hải đảo Việt Nam cũng có thể có nguy cơ sóng thần”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thủy lưu ý.
Theo một số nhà khoa học Nhật Bản và New Zealand, động đất tại dải đứt gẫy chìm trong khu vực Biển Đông phía tây Philippines đúng là có thể đạt 8,7+ 0,3 độ richter, tức là từ 8,4 đến 9,0 độ richter.
Dựa trên nhận định đó, nhà khoa học đã sử dụng mô hình trị số hiện đại để tính toán sự lan truyền của sóng thần trên Biển Đông với mục đích phục vụ công tác xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần cho các vùng biển Việt Nam.
Giả thiết dải đứt gãy phía tây Philippines hoạt động với trận động đất cấp 9, khả năng xảy ra sóng thần gần như là hiện thực. Tại nơi xảy ra động đất ngoài biển sâu, sóng thần có bước sóng hàng trăm (từ 300 km tới 600 km). Vì thế, ở ngoài biển rất khó nhận biết có sóng thần hay không. Khi vào đến gần bờ sóng thần có bước sóng khoảng chừng 30 km tới 40 km, thậm chí chỉ 30m.
Theo tính toán, sau khi động đất khoảng hơn một giờ, sóng thần sẽ lan truyền tới vùng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Tùy địa hình đáy biển tại một số đảo, độ cao sóng thần ở các đảo này có thể rất lớn, thậm chí cao hơn 5m.
Sau khoảng hai giờ từ khi hình thành, sóng thần lan truyền tới vùng bờ biển nước ta và ảnh hưởng mạnh tới vùng biển từ Quảng Ngãi tới Phan Rang. Đà Nẵng cũng chịu ảnh hưởng của sóng thần nhưng yếu hơn. Trên bản đồ phân bố độ cao của sóng thần tại các vị trí gần bờ biển, người ta thấy độ cao sóng thần thay đổi rất mạnh dọc theo bờ biển. Hầu như trên toàn dải bờ biển kể trên, độ cao sóng thần vượt quá 3m.
Tại một số vị trí, các nhà khoa học cảnh báo, độ cao sóng thần có thể vượt quá 5m. Đặc biệt, với độ cao sóng tại bờ là 5m, độ cao sóng leo có thể vượt quá 10m. Với độ cao này, sóng thần có thể gây ra những thiệt hại rất lớn cho vùng ven biển, ngang với thiệt hại do sóng thần gây ra cuối năm 2004 ở Indonesia, hơn nhiều lần so với cơn sóng thần hôm 25-10 vừa rồi cũng ở quốc đảo này.
Tại Hội nghị Diễn đàn khí hậu mùa do Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức ở Vĩnh Phúc ngày 21 và 22-10, TS Nguyễn Hồng Phương, Việt Vật lý Địa cầu, cho biết, tốc độ phân tích số liệu động đất và sóng thần của ta hiện quá chậm so với các nước trong khu vực và trên thế giới, gây ảnh hưởng tới việc xây dựng và phát kịp thời các bản tin thông báo động đất tới các cơ quan hữu quan. Ta mất tới 20 phút để xác định các thông số động đất và tới 30 phút để thông tin được chuyển đi.