WHO công bố tình trạng khẩn cấp về virus Zika

Phun thuốc xịt muỗi ở vùng ngoại ô Bangkok ngày 13.1.2016 - Ảnh: Reuters
Phun thuốc xịt muỗi ở vùng ngoại ô Bangkok ngày 13.1.2016 - Ảnh: Reuters
(PLO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 1/2 công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với Zika – virus được cho là nguyên nhân gây dị tật teo não ở trẻ sơ sinh. 

Theo AFP, tuyên bố trên được WHO đưa ra trong bối cảnh đang có sự gia tăng đột biến các trường hợp đầu nhỏ - một dị tật bẩm sinh nghiêm trọng mà trẻ được sinh ra với phần đầu và não bộ nhỏ một cách bất thường - tại châu Mỹ. 

Theo người đứng đầu WHO - Margaret Chan, tuyên bố về tình trạng y tế khẩn cấp được đưa ra trên cơ sở các chuyên gia y tế toàn cầu thuộc Ủy ban Khẩn cấp của tổ chức này tại cuộc họp diễn ra ngày 1/2 nhất trí cho rằng có cơ sở khả dĩ để nghi ngờ về mối liên hệ nhân quả giữa việc lây nhiễm virus lây truyền từ muỗi Zika trong thai kỳ và dị tật đầu nhỏ, dù việc này chưa được chứng minh một cách khoa học. 

“Dị tật đầu nhỏ và các biến chứng thần kinh khác là hiện tượng bất thường và đưa đến mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng ở các nơi khác trên thế giới” – bà Chan lý giải về việc công bố tình trạng khẩn cấp. 

Bà cũng thúc giục các nước trên thế giới tăng cường các biện pháp phối hợp để ngăn chặn đà lây lan của virus ở khu vực bị ảnh hưởng và cả các khu vực khác. 

WHO cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện việc chẩn đoán và phát triển vaccine phòng ngừa Zika do hiện nay chưa có phác đồ điều trị với bệnh này. Về phía người dân, bà Chan thúc giục mọi người có ý thức tự phòng bệnh bằng cách loại bỏ những vũng nước tù đọng vốn là nơi muỗi sinh trưởng và sử dụng các công cụ bảo vệ cá nhân để tránh muỗi đốt. Song, WHO chưa ban hành cảnh báo đi lại mà chỉ khuyến cáo phụ nữ hạn chế tối đa việc đi tới những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch.

Tuyên bố trên được đưa ra trong lúc WHO đang phải chịu áp lực nặng nề trong việc phải hành động nhanh chóng để xử lý cuộc khủng hoảng virus Zika nhằm tránh kịch bản tương tự như đợt bùng phát dịch Ebola ở khu vực Tây Phi mới đây. 

Hồi tuần trước, WHO cảnh báo rằng virus Zika đang lây lan nhanh chóng ở khu vực châu Mỹ, đồng thời dự báo khu vực này có thể ghi nhận đến 4 triệu trường hợp nhiễm virus chỉ trong năm nay.

Virus Zika được phát hiện lần đầu ở Uganda năm 1947 nhưng đến gần đây không mấy được chú ý tới do chỉ gây ra những triệu chứng ốm nhẹ ở con người. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chỉ dẫn cho thấy có mối  liên hệ giữa dị tật đầu nhỏ và một rối loạn thần kinh hiếm gặp tên Guillain-Barre với virus trước đây vẫn được cho là “lành tính” này. 
Brazil là nước đầu tiên báo động về cuộc khủng hoảng virus Zika hiện nay, sau khi ghi nhận hàng loạt trường hợp đầu nhỏ ở khu vực phía Đông Bắc nước này hồi cuối năm ngoái. Brazil đến nay cũng là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh này, với khoảng 4.000 trường hợp bị nghi mắc dị tật đầu nhỏ được ghi nhận, trong đó có 270 ca đã được xác nhận, tăng đáng kể so với tổng số trường hợp của năm 2014. 
Trước sự gia tăng của các ca dị tật, giới chức các nước Colombia, Ecuador, El Salvador, Jamaica và Puerto Rico đã cảnh báo phụ nữ hoãn mang thai cho đến khi đợt bùng phát Zika đã được kiểm soát. Panama cũng đã ghi nhận 50 trường hợp nhiễm Zika. Đặc biệt, tại châu Âu và Bắc Mỹ cũng đã có hàng chục ca nhiễm virus được phát hiện trong số những người vừa từ khu vực có dịch về nước. 
Giới chức Honduras ngày 1/2 cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở nước này sau khi số trường hợp nhiễm Zika đã tăng ở mức độ báo động. Theo Bộ trưởng Y tế Honduras Yolani Batres, kể từ khi ghi nhận ca nhiễm virus đầu tiên hôm 16/12 cho đến nay, tại nước này đã có đến 3.649 ca nhiễm bệnh. Đáng chú ý, số người nhiễm virus ở nước này đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 3 ngày trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố.
Còn tại Colombia – nước đã ghi nhận hơn 20.000  ca lây nhiễm Zika, trong đó có hơn 2.100 phụ nữ mang bầu – ngày 1/2 đã cảnh báo về khả năng “bùng nổ” các trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barre – một tổn thương nghiêm trọng ở hệ thần kinh. “Chúng tôi đang ghi nhận tỉ lệ khoảng 2,3 trường hợp bị Guillain-Barre trong mỗi 1.000 bệnh nhân nhiễm Zika. Tỉ lệ này thực sự là nhiều” – Bộ trưởng Y tế Alejandro Gaviria cho biết trên sóng phát thanh của nước này. Vẫn theo ông Gaviria, với việc Colombia dự kiến sẽ có khoảng 657.000 ca nhiễm Zika trong đợt dịch này, nước này có thể sẽ ghi nhận đến 1.500 ca bị mắc Guillain-Barre./.

Đọc thêm

Dùng thêm thuốc ngoài đơn bác sĩ, người đàn ông rơi vào nguy hiểm

Người bệnh nhập viện trong tình trạng tổn thương da nghiêm trọng (Ảnh: Ngọc Phúc)
(PLVN) - Trong thời gian sử dụng thuốc theo đơn điều trị xương khớp, bệnh nhân N.Đ.T (nam, 65 tuổi, trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) liên tiếp sử dụng nhiều loại thuốc khác ngoài đơn của bác sĩ. Người bệnh sau đó bị tổn thương da 70% kèm theo loét niêm mạc miệng, mắt và bộ phận sinh dục...

Đau đầu kéo dài, bé gái 9 tuổi được phát hiện có khối u não lớn

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.
(PLVN) - Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi nữ 9 tuổi, có khối u màng não lớn. Đây là ca bệnh khó vì người bệnh nhỏ tuổi, kích thước khối u lớn, nằm ở vị trí nguy hiểm, buộc phải phẫu thuật nếu không sẽ đe dọa đến chức năng thần kinh và tính mạng người bệnh.

Bộ Y tế thông tin về vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây máu đông

Bộ Y tế thông tin về vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây máu đông
(PLVN) - Trước thông tin AstraZeneca lần đầu tiên thừa nhận vaccine COVID-19 có thể gây cục máu đông, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây là tác dụng phụ hiếm gặp mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng cảnh báo khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca.

"Không gian cho em” dành cho các bệnh nhi đang xạ trị

Khánh thành khu vui chơi và học tập cho bệnh nhi tại Trung tâm Ung bướu.
(PLVN) - Chiều 3/5, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ khánh thành khu vui chơi và học tập với tên gọi “Không gian cho em” dành cho các bệnh nhi đang điều trị tại khoa Xạ trị 2, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế.