Tiếp tục ngày làm việc thứ hai (29-9) của Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, các đại biểu đã có nhiều ý kiến quan trọng đóng góp vào Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIX và dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng. Báo Đà Nẵng trích đăng những ý kiến phát biểu tại hội trường.
Bờ tây sông Hàn. Ảnh: LÊ HẢI |
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Hải Châu: “Thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực lớn tham gia vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ”
Để đạt mục tiêu này, quận Hải Châu sẽ chủ động phối hợp với các ngành chức năng đề xuất thành phố và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận đến năm 2015, tầm nhìn 2020 đã được phê duyệt, trước hết là quy hoạch tổng thể về phát triển thương mại - dịch vụ và quản lý đô thị. Trong đó, đặc biệt quan tâm định hình các phân khu chức năng phù hợp, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và đô thị, không để các yêu cầu phát triển thương mại - dịch vụ ảnh hưởng tiêu cực đến kiến trúc, cảnh quan đô thị và môi trường.
Đi đôi với việc thúc đẩy tiến độ thi công, quận chú trọng đưa vào sử dụng, khai thác có hiệu quả các dự án công trình thương mại - dịch vụ đã phê duyệt (khu số 8 Phan Châu Trinh, 88 Hùng Vương, khu thương mại phức hợp Hoàng Anh Gia Lai, khu thương mại phức hợp sân vận động Chi Lăng…). Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực lớn tham gia vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn quận, ưu tiên các ngành dịch vụ chất lượng cao, vừa phục vụ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm gắn liền với tăng cường điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan đô thị, tăng sức hấp dẫn đầu tư và du lịch…
Đồng chí Trần Văn Huy, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Thanh Khê: “Nói ít làm nhiều, nói phải đi đôi với làm, cán bộ phải nêu gương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu”
Hai là, nói ít làm nhiều, nói phải đi đôi với làm, cán bộ phải nêu gương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Ba là, gắn nhiệm vụ của Cuộc vận động với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin với các hình thức phong phú; giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt Cuộc vận động. Qua 4 năm triển khai thực hiện, chúng tôi thấy tinh thần của Cuộc vận động đã thẩm thấu trong ý thức của mỗi người dân. Người dân đã biết quan tâm đến nhau trong cuộc sống, biết chia ngọt, sẻ bùi, biết giúp đỡ, san sẻ cho nhau và biết sống có trách nhiệm với xã hội hơn.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng: “Tiếp tục đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng”
Tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, nhất là các trục giao thông vành đai quan trọng tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng. Tiếp tục thực hiện theo tiến độ chương trình “Có nhà ở”, trong đó, chú trọng đến nhà ở xã hội. Công khai các đồ án quy hoạch bằng nhiều hình thức để huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng và phát triển thành phố.
Trong công tác quản lý xây dựng và kiến trúc đô thị, cần đẩy mạnh nghiên cứu thiết kế đô thị khu vực trung tâm và các trục đường phố chính, các trục ven sông, ven biển trên địa bàn thành phố, làm cơ sở quản lý kiến trúc, nâng cao chất lượng mỹ quan đô thị, tiếp tục tạo diện mạo mới về kiến trúc cho Đà Nẵng. Chú trọng đến công tác quản lý kiến trúc đô thị theo hướng kiến trúc hiện đại, trật tự, đơn giản, không rườm rà, lai tạp, không để có các trường hợp nhà siêu mỏng, hướng đến đô thị văn minh, hiện đại, có bản sắc. Nâng cao năng lực đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư để tham mưu trong công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và nhân dân.
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Thành ủy viên, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng: “Chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong lập thân lập nghiệp”
Trên cơ sở chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị của thành phố, Đoàn, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những diễn đàn, những hoạt động giáo dục cho thanh-thiếu niên; phát triển các loại hình câu lạc bộ thanh niên ở cơ sở, chú trọng thực hiện cuộc vận động “5 xây, 5 chống” để hình thành lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh của thanh niên Đà Nẵng.
Để phát huy cao độ tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố, Đoàn sẽ tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành” trong thanh niên, gắn các hoạt động của thanh niên với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị, chú trọng phát huy tính tình nguyện tại chỗ. Triển khai các việc làm cụ thể để góp phần thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, chủ trương xây dựng “Thành phố môi trường”. Đồng thời, tất cả các cơ sở Đoàn đăng ký và thực hiện các công trình thanh niên, phần việc thanh niên, để lại dấu ấn của thanh niên trong sự phát triển chung của thành phố.
Đồng chí Lê Văn Tam, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng: “Huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm”
Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trên mọi lĩnh vực như quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú của người nước ngoài; quản lý vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ bí mật Nhà nước; quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông, văn học nghệ thuật; phối hợp quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn địch lợi dụng các lĩnh vực này hoạt động xâm phạm an ninh trật tự của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP và Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm… Tiếp tục huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm một cách mạnh mẽ và rộng khắp.
Đồng chí Đỗ Thị Kim Lĩnh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng: “Sâu sát cơ sở, kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ”
Thứ năm, mở rộng mối quan hệ đối ngoại vì sự phát triển và quyền năng của phụ nữ. Một bài học xuyên suốt trong quá trình vận động của Hội là: Sâu sát cơ sở, kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ tôn giáo, dân tộc để tham mưu và có những giải pháp kịp thời trong công tác tuyên truyền, vận động và đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp pháp của chị em phụ nữ. Điều quan trọng là giúp cho chị em tự lực tự cường vươn lên ổn định cuộc sống và đóng góp tích cực cho sự phát triển chứ không trở thành gánh nặng, thậm chí là lực cản đối với sự phát triển.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hưng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng: “Hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo, lồng ghép chương trình giảm nghèo của thành phố với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội”
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo thuộc thẩm quyền của thành phố, phải gắn chặt mục tiêu giảm nghèo với các mục tiêu phát triển khác; lồng ghép chương trình giảm nghèo của thành phố với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị cần xác định người nghèo đô thị phải tính đến những người nhập cư nghèo khó.
Theo thống kê, hằng năm có từ 6-7% dân nhập cư vào thành phố (khoảng trên 50 ngàn người mỗi năm). Về vấn đề này, thành phố một mặt cần tập trung, tăng cường quản lý người nhập cư, nâng dần mặt bằng chất lượng thu hút lao động vào các ngành nghề, dịch vụ ở thành phố; mặt khác, kiến nghị Trung ương cần sớm có cơ chế, chính sách giảm nghèo riêng đối với khu vực nông thôn các tỉnh để giảm bớt lực đẩy người nghèo ra thành phố và có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở các đô thị để giúp người dân nhập cư có cuộc sống tốt hơn.
Ngoài ra, cần đổi mới một số nội dung, phương pháp quản lý chương trình giảm nghèo. Trên thực tế, do áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao và vẫn còn bệnh thành tích trong công tác giảm nghèo nên cấp trên giao bao nhiêu, cuối kỳ báo cáo, cấp dưới cũng “ép” số liệu, báo cáo hoàn thành mục tiêu bấy nhiêu. Chúng ta chưa kiểm soát một cách đầy đủ số người thoát nghèo dạng này, do vậy nguy cơ tái nghèo rất cao.
Đồng chí Đặng Thị Kim Liên, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng: “Phải thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của công nhân và Công đoàn”
Nhà nước cần đầu tư và có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp; bổ sung, sửa đổi, xây dựng và thực hiện nghiêm hệ thống chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong xây dựng giai cấp công nhân. Để xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt 3 giải pháp.
Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện để người sử dụng lao động và người lao động hiểu và tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp của nhau, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Hai là, đẩy mạnh việc tiến hành thương lượng tập thể và ký thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp. Ba là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tạo lập môi trường để đại diện người sử dụng lao động, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề hoạt động có hiệu quả.
Đồng chí Trần Văn Nam, Thành ủy viên, Giám đốc Đại học Đà Nẵng: “Cần có những chương trình đặc biệt để bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ tinh hoa làm động lực cho phát triển”
Cần có một đơn vị chuyên trách về dự báo cung - cầu nguồn nhân lực chất lượng cao sát với thực tế và đón đầu những xu hướng phát triển mới; tăng cường hội nhập quốc tế, đặc biệt trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; đẩy mạnh liên kết và hợp tác với các trường đại học danh tiếng nước ngoài nhằm nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên, cập nhật giáo trình, tài liệu và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận kiến thức mới nhất trên thế giới; hướng đến cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức.
Chúng ta cần phân luồng đào tạo, tập trung nguồn lực phát triển nhóm tinh hoa để làm động lực phát triển; tập trung phát triển và đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, tái cấu trúc của các doanh nghiệp sau khủng hoảng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và phương pháp quản lý mới; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt là Việt kiều để giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học và làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao.
Đồng chí Nguyễn Vỹ, Bí thư Đảng ủy phường Hòa An, quận Cẩm Lệ: “Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư”
Duy trì lịch sinh hoạt chi bộ thường kỳ vào tối ngày 3 hằng tháng. Bí thư chi bộ chuẩn bị kỹ nội dung và hội ý với chi ủy để thống nhất trước khi sinh hoạt chi bộ; chi bộ làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho đảng viên; thường xuyên củng cố, kiện toàn nhân sự của chi ủy chi bộ, nhất là bí thư chi bộ; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy đối với chi bộ…
Về nội dung Báo cáo chính trị trình tại Đại hội, phường Hòa An đề nghị tăng tỷ lệ đảng viên kết nạp hằng năm từ 4-5% so với tổng số đảng viên phát triển năm trước. Đồng thời, để chi ủy chi bộ khu dân cư đảm đương được nhiệm vụ, đề nghị thành phố nên có chương trình, nội dung bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ chi ủy chi bộ theo nhiệm kỳ của chi bộ để có kiến thức và phương pháp công tác hiệu quả hơn; cấp trên cần có chế độ cho chi ủy chi bộ khoản phụ cấp 0,1-0,2% so với mức lương tối thiểu để động viên đội ngũ dưới cơ sở.
Đại tá Tô Năm, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố: “Quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền Quốc phòng toàn dân”
Quân đội nhân dân (QĐND), Công an nhân dân (CAND) tiếp tục được củng cố, xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thật sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; làm tốt vai trò tham mưu, góp phần chủ động phòng ngừa, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch… Đó là kết quả bao trùm nhất, nổi bật nhất trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh (QPAN) trong nhiệm kỳ qua. Tôi cơ bản thống nhất Phần thứ hai về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2011-2015).
Đối với nội dung về công tác QPAN đã được Đảng ta xác định trong dự thảo Báo cáo chính trị là khá đầy đủ, khá toàn diện, sát với thực tiễn và yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Để nền QPAN đất nước không ngừng được tăng cường nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, tôi đề nghị, Đảng phải tạo sự thống nhất nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục thể chế hóa nội dung, phương thức, lực lượng tiến hành; kết hợp kinh tế với QPAN trong các chiến lược, trong quy hoạch, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD phù hợp với sự phát triển chung của đất nước và yêu cầu khách quan bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; trong đó, tập trung đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh. Đồng thời, cần ưu tiên đầu tư đặc biệt cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển, cả về phương tiện và vũ khí trang bị; chú trọng xây dựng QĐND, CAND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
M.Hạnh (tổng hợp)