Vừa qua, Bộ Công thương đã có quyết định về việc kiểm tra giá bán lẻ điện tại các nhà trọ cho sinh viên (SV), người có thu nhập thấp thuê với mức giá chuẩn, song do việc đăng ký quá phức tạp, nên phần lớn SV thuê trọ vẫn phải trả tiền điện sinh hoạt với giá cao chót vót...
Giá điện cao ngất ngưởng!
Đi thực tế tại các khu vực có nhiều phòng trọ cho SV, công nhân thuê, khi được hỏi về giá điện, ai cung lắc đầu ngao ngán vì chính sách “điện đúng giá” chưa đến tay họ. Lê Văn Dũng (SV Khoa GDCT-ĐHSP Đà Nẵng), trọ trong kiệt 457/24, đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu) ngán ngẩm: “Chủ nhà nói giá điện tăng nên tính 2.500 đồng/kWh. Xóm này trước đây chủ nhà thu 2.000 đồng/kW, mà từ đầu tháng 6 đã tăng lên tới 2.500 đồng. Phòng em chỉ dùng 1 chiếc quạt nhỏ và 1 nồi cơm điện, vậy mà tháng nào cũng phải trả tới gần trăm ngàn tiền điện”. Giá điện đã phải trả với mức đắt như vậy rồi mà chủ nhà lại lắp công-tơ điện mập mờ và không chính xác.
Cụ thể, ngày nào cũng vậy, Dũng chỉ ở nhà từ 22 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau, thời gian còn lại là đi học và làm thêm, chỉ thắp đèn và bật quạt một chút buổi tối. Tuy nhiên, không hiểu sao cuối tháng số điện Dũng phải trả lên tới 30-40kW. Cũng theo Dũng, từ khi đến đây trọ, chưa bao giờ nghe nói đến việc đăng ký định mức điện. “Tiền nhà đóng theo từng tháng chứ không hợp đồng gì. Còn điện đã có công-tơ, dùng bao nhiêu thì trả bấy nhiêu”- Dũng nói.
Cạnh phòng trọ của Dũng, Phan Thị Phê ở với một bạn cùng lớp, hai người cũng khá bức xúc khi từ tháng 6, chủ nhà thu tiền điện tăng thêm 500 đồng/kW. “Các dãy trọ khác bọn em hỏi, họ đều thu 2.000 đồng/kWh đã là quá cao so với quy định, vậy mà...”. Ngoài chiếc quạt, nồi cơm điện... dùng tiết kiệm lắm mà mỗi tháng hai người vẫn phải trả đến cả trăm ngàn tiền điện. Để tiết kiệm điện tối đa, Phê chỉ dùng bóng đèn nhỏ để học, và tắt các bóng lớn nếu thấy không cần thiết. Ngay cả khi chúng tôi vào phòng Phê vào buổi xế trưa, trời khá nóng, nhưng cô vẫn không muốn dùng quạt máy.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết đa số chủ nhà trọ cho SV thuê đều không làm hợp đồng thuê nhà với người ở trọ vì nhiều lý do như bất tiện, sợ phải đóng thêm thuế... Do đó, người trọ ở tháng nào đóng tiền tháng đó chứ ít ai nhìn thấy bản hợp đồng thuê nhà.
SV đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”
Khi dò hỏi các chủ nhà cho SV thuê trọ có biết về thông tư cũng như chỉ thị của Bộ Công thương về việc hỗ trợ cho SV thuê nhà được mua điện theo giá sinh hoạt trực tiếp từ hóa đơn bán lẻ của Nhà nước, tất cả đều lắc đầu: Chưa nghe nói! Bà Phạm Thị N., một chủ nhà trọ ở đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu, bán điện cho SV với giá 2.500 đồng/kWh, cho biết: “Tôi chẳng biết gì về thông tin này. Việc thu giá điện ở các khu trọ cao là vì tôi còn tốn bao nhiêu tiền mắc dây, công-tơ điện đến từng phòng, rồi các khoản tiền hao hụt khác nữa. Nếu SV thích thì vào thuê, không thì cứ tìm chỗ nào giá rẻ thì thuê. Mà chỗ nào cũng như nhau cả”.
Hoàng Văn Thoan, sinh viên ĐHSP Đà Nẵng - thuê nhà trợ ở đường Nguyễn Khuyến (Liên Chiểu) cho biết: Em có tìm hiểu thông tin về Thông tư 08/2010/TT-BCT và Chỉ thị số 11/CT-BCT trên mạng. Tuy nhiên, cũng chỉ nói với bạn bè biết, chứ không dám nói với chủ nhà vì mọi người trong dãy trọ, tuy bức xúc nhưng cũng không ai có ý kiến gì. Thoan cho biết, đã đi khảo sát giá điện của bạn bè trọ ở các khu khác cũng từng đó, nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” để ổn định chỗ ở và học tập.
Mặc dù Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các Công ty Điện lực thông báo rộng rãi về chính sách hỗ trợ giá điện đến người thuê nhà; yêu cầu người thuê nhà có những kiến nghị cần gửi đơn đến Sở Công thương để được giải quyết... song thực tế, cả người cho thuê lẫn người thuê trọ vẫn im lặng cho qua chuyện. Thiết nghĩ, phải có một chế tài thuận lợi cho cả hai bên để chỉ thị được thực hiện tốt nhất, bảo đảm quyền lợi cho SV, công nhân thuê nhà trọ.
Bài và ảnh: Yên Giang