Tục ngữ phương Đông có câu “Sinh nghề tử nghiệp”. Xem ra, tinh thần của câu này đã được các vị thẩm phán của một toà án ở Đức sử dụng để phán xử một vụ kiện tụng rất hy hữu khiến cho bên nguyên không đến nỗi bị tử vì nghiệp, nhưng cũng mắc nạn và mang vạ vì nghiệp.
Chuyện như thế này: vị bác sỹ thú y nọ được thuê đến để tiêm phòng bệnh cho một đàn bò ở một trang trại. Theo quy trình, từng con bò phải được nhốt trong những khung chuồng nhỏ để bị tiêm mà không thể làm mình làm mẩy.
Trong trang trại nói trên, số chuồng như vậy không đủ để nhốt hết số bò. Vị bác sỹ thú y không gặp khó khăn gì khi tiêm cho lũ bò đã bị kiềm chế như thế. Nhưng khi tiêm cho những con bò không có chuồng để nhốt thì ông ta đã bị một con bò đạp cho thâm tím mặt mày và gẫy xương sườn, phải điều trị ở bệnh biện mất gần 4 tháng. Ông ta kiện người chủ trang trại đòi bồi thường thiệt hại.
Toà án đã bác bỏ yêu cầu này của vị bác sỹ thú y, cho rằng ông ta có quyền không tiêm cho những con bò không được nhốt chặt nhưng đã không sử dụng quyền ấy. Cái lý lẽ này xác thực đến mức bên nguyên không thể phản bác được. Lý lẽ ấy của toà chẳng khác gì nói rằng vị bác sỹ kia tự gây chuyện nên phải tự chịu trách nhiệm.
Nhưng dư luận lại quan tâm hơn đến hai lập luận khác của toà là không thể xác định được thủ phạm gây thương tích cho vị bác sỹ thú y và ông ta phải ý thức được mọi rủi ro khi hành nghề. Những lập luận này dù nghe có khôi hài đến mấy thì cũng không phải không có lý. Con bò chứ không phải người chủ trang trại đã trực tiếp gây thương tích cho vị bác sỹ thú y và không thể xác định được danh tính và diện mạo thủ phạm. Toà không thể xét xử một kẻ vô danh và vô hình như thế.
Còn về cái lý lẽ sau, toà này viện dẫn nghề nghiệp của một người thợ lợp nhà rằng “người thợ lợp nhà khi hành nghề phải biết làm thế nào để không bị rơi xuống từ mái nhà”. Soi vào trường hợp vị bác sỹ thú y bị bò đá, lập luận đó chẳng khác gì dạy cho vị bác sỹ thú y rằng khi đi tiêm cho bò, ông ta phải biết cách không để bị bò đá.
Lập luận kiểu trên và phán quyết như thế của toà khiến bên nguyên trong vụ kiện tụng này chỉ biết ngậm ngùi. Những ai thương cảm ông ta đều thầm oán toà tại sao lại xử với lập luận theo kiểu sinh nghề nào thì phải chịu hoạ nghề ấy như thế.
Thiên Lang