Ngày Hoà, cậu con trai út cưới được vợ làm ông bà Bình mừng như bắt được vàng. Năm nay Hoà đã 35 tuổi, hình thức và tài năng cũng chỉ xếp vào loại trung bình nên phải nhờ mai mối mới lấy được Quyên sau chưa đầy một tháng gặp gỡ. Ngày mới về làm dâu nhà bà Bình, Quyên được mọi người đánh giá là khá xinh xắn, khỏe mạnh, mồm mép nhanh nhẹn, nói chung là hơn điểm Hoà. Thế nhưng, càng tiếp xúc thì mọi người mới vỡ lẽ vì sao người như Quyên lại chịu lấy Hoà.
Sau đám cưới một năm Quyên sinh con thì cũng từ đó nhà bà Bình “loạn” lên vì chuyện nuôi con của nàng dâu vừa đoảng vừa lười, lại thuộc dạng vô tâm vô tính.
Quyên ỷ là mình ít sữa nên chỉ trừ lúc muốn dỗ cho con đi ngủ thì Quyên mới nằm cho con bú nhưng thường thì mẹ ngủ trước cả con. Rồi đến cả việc pha sữa ngoài cho con Quyên cũng... ngại. Hầu như chẳng bao giờ Quyên chịu dậy đêm để pha sữa cho con. Cứ chập tối là Quyên lên giường và làm một giấc no say đến sáng hôm sau. Con đói khóc thì bà nội phải lật đật dậy mà pha sữa cho bú. Quyên còn kêu ca từ khi sinh con người yếu đi, đau tay, mỏi xương và chẳng động tay động chân đến việc nhà nữa.
Hạnh phúc của những người mẹ là được chăm sóc và nuôi con khôn lớn từng ngày |
Sau khi sinh 5 tháng Quyên mới phải giặt giũ quần áo cho con nhưng cô vẫn kêu ca “mới được”... 5 tháng đã phải giặt giũ thế này, về già cô sẽ khổ vì mang bệnh. Nghỉ việc sau 6 tháng mới đi làm, cơ quan cách nhà chưa đầy 3 cây số nhưng Quyên cũng phàn nàn là vất vả, đi làm sáng thì sương lạnh, trưa lại nắng nóng, còn tối thì đường bụi. Cũng cớ đó mà buổi trưa Quyên ở lại cơ quan, bỏ mặc con cho mẹ chồng muốn chăm sóc thế nào thì chăm.
Có lần bà Bình phải về quê ba ngày. Lúc lên, bà tá hỏa khi thấy cháu mình... bốc mùi chua chua, thum thủm. Hỏi ra thì mẹ nó bảo từ hôm bà đi con bé chưa hề được tắm rửa, dù đang giữa mùa hè. Thế là bà vội vàng mang cháu đi tắm.
Bà Bình ngán ngẩm: “Tính nó thế rồi thì biết làm sao. Nhà tôi đã dạy bảo hết cách, còn gọi nhờ cả bên thông gia xuống để nhắc nhở nó. Lúc đó thì nó khóc lóc xin lỗi, hứa sẽ chăm con nhưng rồi đâu vẫn lại vào đấy, chẳng thay đổi được gì. Con nó nhưng cũng là cháu mình, nó không muốn chăm thì mình phải chăm thôi, bỏ sao được”.
Bà Định (Kim Giang, Hà Nội) cũng buộc phải trở thành “mẹ bất đắc dĩ” của đứa cháu nội trong khi Kim, mẹ nó đẻ con ra mà theo lời bà thì “lúc nào cũng như chó trốn con”.
Nhà bà và nhà vợ chồng con trai chỉ cách có một dãy phố nên ban ngày bà Định sang trông cháu cho đến khi vợ chồng con trai đi làm về.
Nhiều hôm, vừa về nhà chưa kịp ngồi nóng chỗ đã thấy con trai điện thoại đòi bà sang gấp. Lúc thì là thằng bé nóng đầu, quấy khóc, nhưng anh chồng lóng ngóng không biết dỗ con, cô vợ không kiên nhẫn, cứ con khóc là cáu nhặng lên, doạ đánh khiến nó càng khóc to hơn. Lần thì mẹ nó cho ăn sữa xong lại để con nằm úp, trớ hết ra và sặc sữa... Rồi con đùn ra quần anh con trai cũng gọi bà sang vì “mẹ nó đi gội đầu chưa về”.
Kim đi làm từ sáng đến tận 19 - 20hh mới về dù công việc của Kim chỉ là kế toán cho một trường mầm non của phường, không quá bận rộn. Thực ra, khi hết giờ làm, không như những bà mẹ con mọn khác vội về nhà với con, Kim đủng đỉnh dạo phố, tung tẩy mua sắm đồ, hay tạt vào quán ăn quà vặt. Thậm chí, nhiều tối Kim không nấu cơm cho chồng, khiến anh chồng phải lếch thếch sang nhà mẹ “ăn trực”.
Ngày nghỉ Kim cũng tìm mọi lý do ra khỏi nhà để khỏi phải trông con. Có lần sáng thứ 7, Kim bảo mẹ chồng sang trông con giúp để đi làm. Cô bảo dạo này nhiều việc, phải làm thêm. Thế nhưng mấy ngày sau thì anh chồng phát hiện Kim đi làm ở... chợ vải Ninh Hiệp. Thì ra Kim rủ mấy chị bạn đi chợ vải để mua sắm mà lại nói dối là đi làm.
Kim còn hồn nhiên tâm sự với mấy cô em chồng là muốn thuê thêm người giúp việc để ban ngày bà nội trông, tối có người giúp việc bế con, Quyên ngủ cho...ngon giấc!
Quá chán cái cảnh suốt ngày chạy đi chạy về giữa hai nhà, cuối cùng bà Định đề nghị mang cháu về hẳn bên nhà bà. Lúc đầu bà Định hy vọng cô con dâu tỏ ra có trách nhiệm một chút sẽ phản đối, không ngờ Kim gật đầu cái rụp. Thế là từ đó cứ tối đến con trai và con dâu về nhà bà Định ăn cơm rồi hai vợ chồng kéo nhau về nhà ngủ, để con ngủ luôn với bà.
Bà Định rầu rĩ: “Tôi thật không thể hiểu nổi nó là loại đàn bà kiểu gì nữa, không đẻ con thì thôi, chứ đẻ con ra thì phải biết chăm lo cho con chứ. Cứ thế này, vài năm nữa chúng tôi già yếu rồi chết đi thì chẳng hiểu vợ chồng nó để con cho ai nuôi đây”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, chuyện những người phụ nữ không để ý chăm sóc đứa con mà mình sinh ra là trái với quy luật tự nhiên. Cách hành xử của những người phụ nữ như Quyên và Kim ở trên chỉ là rất cá biệt, và có thể xuất phát bởi nhiều lý do.
Thường thì chuyện này chỉ xảy ra ở những người mà tính cách có phần đoảng, lười và cực kỳ ích kỷ. Quen với nếp sống son rỗi, tự do thời con gái, nhưng khi sinh con, những người phụ nữ bình thường khác họ sẽ nhanh chóng thích nghi và hoàn thành tốt vai trò của mình. Nhưng những người như Quyên và Kim đã đoảng, lười lại thêm tính ích kỷ họ quá lớn, họ lo vất vả của bản thân hơn tình cảm dành cho con của mình. Thế nên, khi được mẹ chồng hay những người thân xung quanh hăng hái giúp chăm sóc đứa bé, họ càng có tâm lý phó mặc, ỷ lại.
Cũng theo ông Chất, muốn làm cho họ trở về đúng với vai trò làm mẹ của mình, người thân trong gia đình cần khuyên bảo nhẹ nhàng dần dần. Quan trọng nhất là người chồng phải có thái độ kiên quyết với vợ, giúp đỡ vợ chăm sóc con nhưng không làm thay cô ta tất cả.
Với những nàng dâu kiểu này, mẹ chồng cũng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục cô ta nhận thức về trách nhiệm với con mình. Tuyệt đối không nên nhận làm mọi việc của con dâu. Cho dù có thương cháu nhưng cũng cố gắng “làm ngơ” một thời gian để con dâu tự xoay xở. Có thể lúc đầu sẽ rất khó khăn với cô ta và cả đứa bé nhưng dần dần chắc chắn cô ta sẽ tự lo liệu được.
Các chuyên gia tâm lý nhận định: Một người mẹ không có trách nhiệm với con thì sẽ không thể có trách nhiệm với gia đình của cô ta, không có ý thức xây dựng vun đắp cho tổ ấm của mình. Nếu tình trạng đó không được cải thiện thì nguy cơ tan vỡ gia đình là điều có thể nhìn thấy trước.
Theo Đất Việt