Nông sản “đổ bộ” siêu thị
Hai năm gần đây, các chương trình trưng bày và giới thiệu các loại nông sản Sơn La diễn ra liên tục ở hệ thống siêu thị Big C miền Bắc, từ xoài, nhãn, bơ đến dâu tây, chanh leo, mận, chuối tây… Mỗi lần diễn ra tuần lễ trưng bày, lượng hàng hóa nông sản Sơn La được tiêu thụ tại Big C đều tăng đột biến với mức tăng gấp 20 lần, thậm chí có những mặt hàng như bắp cải tăng trưởng 80 lần. Thanh long Bình Thuận cũng là một mặt hàng được UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức ra mắt chính thức ở các hệ thống siêu thị trên toàn quốc của Central Group.
Gần đây, lễ xuất quân vải thiều Lục Ngạn cũng được UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với các hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc tổ chức vào đầu vụ vải. Mùa vải vừa qua, sản lượng vải thiều mà Co.op mart tiêu thụ đã tăng 25% so với năm trước.
Đặc biệt, ngay trong ngày đầu tiên khai cuộc vụ vải, hàng đoàn xe container chở vải thiều đến 700 điểm bán của Saigon Co.op mart chính là hiện thực hóa cho lời hứa là “bà đỡ” cho thương hiệu nông sản Việt của hệ thống siêu thị này. Hệ thống siêu thị Big C cũng đã tiêu thụ 350 tấn vải thiều trên toàn quốc trong vụ vừa qua.
Không chỉ thế, vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang còn được xuất khẩu sang Thái Lan nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu của vải thiều Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đại diện Central Group cho biết sản phẩm vải thiều Lục Ngạn có vị trí trưng bày khá bắt mắt trên quầy kệ của hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall.
Saigon Co.op mart cũng đã xuất khẩu vải thiều thông qua mạng lưới liên kết hợp tác xã trên toàn thế giới của Saigon Co.op, góp phần cho nông sản “thương hiệu Việt” xuất hiện nhiều hơn trên thị trường quốc tế, đặc biệt tại thị trường Singapore và Nhật Bản.
Lượng tiêu thụ thấp nhưng… cần thiết
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, sản lượng hàng hóa nông sản thương hiệu Việt được xuất khẩu thông qua các kênh siêu thị đạt khoảng gần 5.000 tấn. Con số này tuy không lớn so với lượng hàng hóa nông sản Việt Nam xuất đi thông qua các kênh khác, nhưng hệ thống siêu thị lại là kênh quan trọng để khẳng định thương hiệu nông sản Việt.
Một giám đốc siêu thị ở phía Bắc đã từng chia sẻ, nếu không có chiến dịch giải cứu củ cải (hồi đầu năm 2019) thì bà không hề biết sản phẩm củ cải của Việt Nam lại có chất lượng tốt đến thế. Bà cho biết, bình thường nông sản của mình chủ yếu xuất đi Trung Quốc, lượng tiêu thụ trong nước thấp, các địa phương lại không có ý định “làm thương hiệu” cho sản phẩm nông sản nên người tiêu dùng vẫn nghĩ các loại nông sản “to, đẹp, ngon” là hàng nhập khẩu. Do đó, dù lượng tiêu thụ nông sản tại các siêu thị không đáng kể so với xuất khẩu nhưng lại thực sự cần thiết trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.
Đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam cũng cho rằng, trước đây, vải thiều Lục Ngạn rất bấp bênh với điệp khúc “được mùa mất giá” nhưng kể từ khi các hệ thống siêu thị vào cuộc, tổ chức các lễ xuất quân rầm rộ cho sản phẩm nông sản chủ lực này của Bắc Giang thì điệp khúc “được mùa mất giá” đã không còn xuất hiện. Minh chứng cho thấy, 2 năm gần đây, giá vải thiều đều tăng ổn định dù… được mùa.
Thống kê từ Central Group cho thấy, sau hơn 1 năm triển khai tập trung vào thu mua trực tiếp hàng nông sản các địa phương, Big C đã thu mua gần 1.000 loại sản phẩm bao gồm các loại củ, quả, rau ăn lá…; Tiêu thụ gần 10.000 tấn nông sản trên toàn quốc với tổng doanh thu khoảng 70 tỷ đồng. Dù doanh thu này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng doanh thu của Big C, nhưng đây chính là cách để siêu thị này phối hợp cùng với chính quyền các địa phương để xây dựng và nâng tầm cho thương hiệu nông sản Việt.
Ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La cũng chia sẻ, dù sản lượng tiêu thụ tại các siêu thị chỉ chiếm chưa đến 5% sản lượng thu hoạch của địa phương nhưng thông qua hệ thống siêu thị, thương hiệu nông sản Việt đến được với đông đảo người tiêu dùng trong nước, qua đó xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt. Ông Thuận cũng cho biết, tới đây tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp với các siêu thị khác như Hapro, Saigon Co-op để đưa thương hiệu nông sản Sơn La đến được với nhiều vùng miền hơn.