Việc trữ hàng sẽ giúp giãn tăng giá trong khoảng thời gian hợp lý. Khi giá đầu vào tăng thì DN không nên nghĩ ngay việc tăng giá mà phải lựa chọn các giải pháp khác như tiết kiệm điện, tái cấu trúc DN, giảm chi phí giá thành tối đa… Lần đầu tiên cả hai mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế là điện và xăng dầu tăng giá cùng lúc với mức tăng rất mạnh. Điều đáng nói, thời điểm tăng giá lại diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tỉ giá với mức cao nhất từ trước đến nay (9,3%). Điều này tác động mạnh đến chi phí sản xuất và tạo mặt bằng giá mới. Các nhà sản xuất và phân phối sẽ làm gì để kìm giữ giá tối đa có thể và tránh sốc giá đối với người tiêu dùng?Nhiều áp lực nhưng chưa tăng ngay Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống Siêu thị Big C, cho biết hiện nay hầu hết các mặt hàng tại Big C đều chưa điều chỉnh tăng giá. Việc tỉ giá điều chỉnh mạnh cùng với giá điện và xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp (DN) sản xuất. Tuy nhiên, dù đã nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp nhưng tại Big C, các mặt hàng đều chưa tăng giá và sẽ còn giữ ổn định ít nhất đến hết quý I. Trong quý II, Big C sẽ xem xét điều chỉnh tùy từng sản phẩm nhưng với mức tăng giá thấp nhất có thể. Theo bà Trang, các nhà sản xuất chịu áp lực trực tiếp từ việc tăng giá thành sản xuất, nhà bán lẻ chịu ảnh hưởng cuối cùng vì chỉ là một khâu trong quá trình lưu thông hàng hóa chứ không quyết định được giá trên thị trường. Vì vậy, siêu thị cố gắng đàm phán với nhà cung cấp để có giá tốt nhất có thể cho người tiêu dùng. Mục tiêu của Big C là trong mọi điều kiện đều có thể kìm giá tốt nhất so với thị trường bằng việc tìm kiếm các nguồn hàng khác nhau để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn về giá đối với cùng một nhóm mặt hàng, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu. “Chúng tôi luôn làm việc với các nhà cung cấp về việc trữ hàng trước khi nhận được đề nghị tăng giá. Điều này cũng giúp cho việc tăng giá sẽ giãn ra trong khoảng thời gian hợp lý để người tiêu dùng tránh bị sốc” - bà Trang nói.
Hiện nay tại các siêu thị Co.op Mart, Big C, Citimart, MaxiMark, giá các mặt hàng hầu hết vẫn khá ổn định. Ảnh: HTD |
Theo ghi nhận của PV, hiện nay tại các siêu thị Co.op Mart, Big C, Citimart, Maxi Mark, giá các mặt hàng hầu hết vẫn khá ổn định. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết Co.op Mart sẽ giữ giá ổn định đến hết tháng 3. Tuy nhiên, sẽ xem xét điều chỉnh hợp lý đối với một số nhóm hàng chịu tác động trực tiếp từ việc tăng giá và có đề xuất từ trước. “Việc điều chỉnh giá là bất khả kháng nhưng sẽ có lộ trình hợp lý và không để tình trạng tăng đột biến và gây sốc cho người tiêu dùng” - ông Nhân nhấn mạnh. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Giám đốc hệ thống Siêu thị Vinatex Mart, cho biết ngay từ cuối năm 2010, dự đoán giá sẽ tăng nên Vinatex Mart đã chủ động ứng vốn trước cho các nhà cung cấp để dự trữ nguyên liệu nhằm giữ giá ổn định. Vì vậy, hiện dù cả điện, xăng dầu, tỉ giá đã điều chỉnh khá cao nhưng tại 56 siêu thị Vinatext Mart vẫn chưa điều chỉnh giá bán các mặt hàng.“Tuy nhiên, đối với một số nhà cung cấp các mặt hàng nhạy cảm khác như sữa, hoặc dầu ăn… có nguyên liệu đầu vào trực tiếp nhập khẩu từ nước ngoài, chúng tôi cũng đã nhận được đề nghị tăng giá nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đàm phán để giữ giá và giãn thời gian tăng giá” - bà Hương cho biết.Tăng giá hay tái cấu trúc DN Bà Nguyễn Thị Hồng Hương tỏ ra e ngại về việc sức mua sẽ giảm khi giá tăng quá cao trong khi mức điều chỉnh lương cho người lao động chưa thay đổi và nếu có điều chỉnh cũng không tương xứng với mức tăng giá hiện nay. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động nghèo và vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, đây cũng là dịp các DN nên cải tiến quy trình lao động, nâng cao năng suất lao động và tái cấu trúc DN để giảm thiểu chi phí giá thành. Đây cũng là một cách giảm bớt áp lực về tăng giá thành sản phẩm. Tái cấu trúc DN để giảm giá thành luôn là lựa chọn rất tốt của bất cứ DN nào.“Hiện nay tại hệ thống Vinatext Mart, tỉ trọng ngành dệt may chiếm trên 50%, trên 40% là các ngành hàng tiêu dùng khác. Trong năm 2011 sẽ tăng tỉ trọng hàng dệt lên khoảng 60%. Vì vẫn xác định đây là mặt hàng chủ lực, chúng tôi sẽ có chính sách giá riêng để tiến tới bình ổn cả các mặt hàng quần áo thời trang khác trong hệ thống siêu thị” - bà Hương cho biết. Dù chưa có những biến động lớn về giá nhưng theo các chuyên gia kinh tế, giá hàng hóa hiện đang đứng ở mức cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Do vậy, với các DN buộc phải điều chỉnh giá lần này do ảnh hưởng từ chi phí đầu vào tăng phải thực hiện rất thận trọng nhằm đảm bảo doanh thu và giữ thị phần. Trong đó, tái cấu trúc, sắp xếp lại DN để tăng năng suất lao động là một trong những lựa chọn rất tốt trước khi nghĩ đến phương án tăng giá sản phẩm.“Đối với các DN, khi giá đầu vào tăng thì không nên nghĩ ngay đến phương án tăng giá mà phải lựa chọn các giải pháp khác như tiết kiệm điện (khi điện tăng giá), tái cấu trúc DN, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí giá thành tối đa có thể… trước khi nghĩ đến phương án tăng giá” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Bình ổn giá linh hoạt theo thị trường Các DN tham gia chủ lực trong chương trình bình ổn giá của TP.HCM đã có đề nghị Sở Công Thương và UBND TP.HCM năm 2011 xem xét cho DN điều chỉnh giá các mặt hàng bình ổn theo hướng linh hoạt chứ không chốt giá cố định trong cả năm như năm 2010. Sở Công Thương và UBND TP đang xem xét phương án này. Nếu vẫn giữ ở cách chốt giá cố định như năm 2010 thì các DN bình ổn sẽ chịu áp lực rất lớn khi thị trường có nhiều biến động và việc giữ khoảng cách chênh lệch giá khá xa với thị trường sẽ rất khó khăn với các DN. |
Theo Thanh Hải
PL TP.HCM
PL TP.HCM