Chưa bao giờ giới showbiz lại trở nên hỗn loạn như bây giờ. Dường như, những cảnh hở hang, khoe thân đã trở thành bình thường. Chuyện hát nhép, dùng hàng nhái, đạo nhạc xảy ra như cơm bữa. Gần đây, làng giải trí rộ lên chuyện lừa lọc, đầu tiên là từ chàng trai Ả Rập đến Việt Nam và tiếp đó là lùm xùm chuyện ca sĩ trẻ Yanbi đánh mẫu Tây Andrea.
Nhân vật của "một trò lố" trong showbiz Việt |
1. Đầu tiên phải nói đến chuyện giới nghiền facebook bị lừa. Một số kẻ câu khách đã “chỉnh sửa” cho chàng trai Ả Rập có tên Omar Borkan Al Gala trở lên “lung linh”. Họ nắm bắt được tâm lý dễ tin của giới trẻ, mà giới chơi facebook đã có con số hàng triệu người, nên đây được coi là “vùng đất” để… tung hỏa mù. Người ta nói rằng Omar bị trục xuất khỏi Ả Rập Saudi (Saudi Arabia) vì… quá đẹp trai. Sự thực thì Omar Borkan thành thực thừa nhận mình và hai anh bạn khác bị “đuổi” khỏi lễ hội vì đi lạc vào một nơi cấm.
Những cái tít được đưa lên quá hấp dẫn, nhiều người đọc, người nọ truyền cho người kia. Nhưng tấm hình cũng được chỉnh sửa sao cho “càng ngon giai càng tốt”. Và người ta đã nghĩ đến chuyện kinh doanh chàng Omar này.
Hải Anh, một tín đồ của facebook, cũng thích săn tìm những hình trai đẹp tâm sự: “Nhìn ảnh thì đúng là tuyệt vời, chúng em thấy chẳng anh nào có ấn tượng, ít nhất là từ lúc em có trí khôn đến nay. Sự thật thì mọi người thấy rồi, khi anh ta xuất hiện bằng người thật, khuôn mặt thật thì đúng là… thường thôi”.
Cùng quan điểm với Hải Anh, bạn Nguyễn Tín Chung (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) bày tỏ: “Các cô bạn học cùng em thì cứ “phát rồ” lên vì chàng trai này. Có đứa coi chàng trai đó như là thần tượng, còn in ảnh chàng ra khổ lớn, rồi còn tự nhủ sẽ tìm người có khuôn mặt tương tự thế lấy làm chồng. Đến khi hiểu ra mới té ngửa, thật không thể tin được là có rất nhiều người bị lừa vì cái anh chàng đẹp trai kia là kết quả của photoshop!”.
Cũng phải khẳng định rằng, cư dân mạng “ngấm” vẻ đẹp trai ảo của Omar trong suốt mấy tháng trời nay. Thế rồi, người ta đã tìm cách mời anh này đến Việt Nam cho bằng được để kinh doanh vì nghĩ rằng, hình ảnh cùng với sự rùm beng của người này đủ sức để kiếm một đống tiền.
2. Qua tìm hiểu, thật ra có một đội ngũ những cây bút chuyên “bơm chuyện” cho các người mẫu, ca sĩ, nhạc sĩ. Những cây bút này được trả tiền, và sẵn sàng tung tất cả những gì “dớ dẩn” nhất về người thuê mình lên mạng hòng kiếm những bình phẩm. Người mẫu, ca sĩ nào bị mắng nhiếc, chửi bới nhiều coi như thành công.
Và, sự kiện tối ngày 11/9 vừa qua, được tung lên, rằng Yanbi túm tóc và đánh đập Andrea trên phố cổ Hà Nội cũng nằm trong ý đồ tạo sự nổi tiếng bằng cách đê hèn. Nhanh như chớp, những người thực hiện ý đồ đã đưa được sự kiện lên mạng, gây xôn xao tại đó. Quả thực, nếu là thật, thì việc Andrea đầu tóc bù xù, cùng với thông tin kèm theo, chứng tỏ đây là cuộc bạo hành trong giới giải trí, việc trước đây chưa từng xảy ra.
Andrea cũng tạo nhiều thương cảm bởi việc bạo hành luôn là vấn đề được mọi người trong xã hội quan tâm. Tưởng thật, không ít phóng viên đã đi tìm cơ quan chức năng để hỏi han, tìm nhân chứng tại đó, rồi nhiều người lên tiếng. Có người chửi Yanbi, người bênh vực Andrea. Những tưởng cả hai sau trận tơi bời đó sẽ chia tay, ai ngờ lại về với nhau khiến câu chuyện trở nên kịch tính. Một số người tiết lộ đã mời công an vào cuộc khiến chuyện càng trở nên “hot”.
Sau này, câu chuyện được kể theo một hướng khác, rằng Yanbi không đánh Andrea, mà là Yanbi... đỡ Andrea đứng dậy?! Đây cũng chính là kênh thông tin khởi nguồn của tất cả các scandal của Andrea từ trước đến nay. Rõ ràng đây là một chiêu trò PR rẻ tiền. Người ta đã dựng lên màn kịch khá ly kỳ, khiến khán giả bị vố lừa.
3. Thời gian qua, cư dân mạng cũng bàn tán “Bà Tưng” lừa khi tung ra bộ ảnh chụp cô trong tà áo dài trắng. Rồi chuyện Angela Phương Trinh bị cấm biểu diễn. Thật ra đó đều là những chiêu cố tình “bới bèo ra bọ” hòng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nói gì thì nói, chuyện bị đánh lừa xuất phát từ việc câu khách của các “sao”, đồng thời vì sự cả tin của khán giả. Theo đó, cũng phải khẳng định có sự tiếp tay của không ít người thiếu tâm. Họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận, và cả ngày chỉ ngồi nghĩ ra các chiêu trò, để sau đó kẻ tung người hứng.
Đã đến lúc, công chúng cần tỉnh táo hơn, tin mình hơn là tin vào thế giới ảo, đồng thời tránh a dua, chạy theo đám đông, cổ vũ cho những hành động thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến lối sống của người Á Đông. Các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý những vi phạm, đặc biệt là những đối tượng tạo scandal để đổi lấy sự nổi tiếng.
Hà Sơn