Sau 2 năm tích cực xây dựng và triển khai, đến nay Dự án đã được triển khai thành công, đảm bảo đúng tiến độ, vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra và đạt được nhiều kết quả nổi bật được xã hội ghi nhận. Cụ thể: đã triển khai Hệ thống tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vượt kế hoạch 20 địa phương so với mục tiêu đề ra ban đầu, đáp ứng yêu cầu mở rộng cấp số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 13/3/2017. Cung cấp đầy đủ các nghiệp vụ về đăng ký hộ tịch, hỗ trợ giải quyết hàng triệu lượt thủ tục hành chính, góp phần tăng cường cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
Hệ thống được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, giúp cơ quan quản lý hộ tịch có thể thống kê, theo dõi, kiểm tra trực tiếp dữ liệu của các cơ quan đăng ký hộ tịch cấp dưới thuộc phạm vi đơn vị mình quản lý. Thông tin nhân thân về công dân được tích hợp, chia sẻ giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia sử dụng Hệ thống, đảm bảo thông tin đăng ký hộ tịch của công dân được quản lý tập trung, tránh thực hiện trùng lặp các sự kiện đăng ký hộ tịch, từng bước đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Giai đoạn tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai Hệ thống cho các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện triển khai. Đồng thời nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi các văn bản pháp lý có liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại về cơ chế, pháp lý để triển khai Hệ thống này cũng như xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc được hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn các địa phương việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hộ tịch; thí điểm triển khai chia sẻ dữ liệu về thông tin nhân thân.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Huỳnh Văn Hạnh, thời gian tới, TP HCM đề xuất tích hợp và mẫu hóa tất cả các yêu cầu trong phần mềm cũng như trong mẫu giấy để người dân không phải khai nhiều lần, tránh trùng lặp. Kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu rất lớn nên cần tính toán phù hợp, theo đó nên tập trung triển khai các nội dung đăng ký mới, phần nhập liệu lịch sử có thể tiến hành từng bước.
Là địa phương mới thí điểm phần mềm này từ tháng 2/2018, Thừa Thiên – Huế nêu lên khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai là hệ thống máy tính, trang thiết bị còn hạn chế, đường truyền không ổn định... Do đó, đề xuất Bộ Tư pháp và Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ các địa phương về phương tiện, đường truyền, xây dựng công cụ chuyển đổi từ phần mềm đăng ký hộ tịch khác mà địa phương đã dùng trước đó sang phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung hiện nay.
Lý giải về nguyên nhân khi chưa thể triển khai đầy đủ việc thí điểm sử dụng phần mềm hộ tịch, Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, hiện nay TP đang triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến, trong đó có các nội dung bao trùm lên cả nghiệp vụ liên quan tới Bộ, ngành Tư pháp. Do vậy, cần xác định rõ phạm vi giữa dịch vụ công của TP và phạm vi của phần mềm hộ tịch của Bộ để đảm bảo đồng bộ, phù hợp, tránh tình trạng công chức tư pháp phải thực hiện 2 lần về cùng một nội dung.
Qua các ý kiến trao đổi, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định việc thí điểm Dự án này là rất đúng đắn khi nhận được hài lòng từ phía người dân và góp phần tạo thuận lợi trong quản lý nhà nước. Kết quả thí điểm ở 24 tỉnh, thành phố là nền tảng quan trọng cho việc triển khai sắp tới tại 10 tỉnh, thành phố đã được tập huấn sử dụng phần mềm.
Đặc biệt, để có thể triển khai phần mềm này trên toàn quốc trước tháng 1/2020, Thứ trưởng hy vọng các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần sự song hành, hỗ trợ lẫn nhau để cả hệ thống hoàn thiện và vận hành đồng bộ. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ cần tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho địa phương đã tham gia thí điểm. Đối với các địa phương còn lại, Bộ Tư pháp sẽ có kế hoạch cụ thể, đảm bảo cho tất cả các địa phương có thể tham gia trước tháng 1/2020.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Lãnh đạo các Sở Tư pháp và cán bộ làm nhiệm vụ trực tiếp sẽ tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vấn đề kinh phí và thực hiện cập nhật khối lượng thông tin hộ tịch lịch sử rất lớn từ trước ngày 1/1/2016. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định của pháp luật để không có sự chồng chéo, đảm bảo Hệ thống phần mềm được triển khai đồng bộ.
Nhân dịp này, Hội nghị đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 10 tập thể, 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Dự án.