Thông tin nhiều nhưng không dễ kiếm
Ông Lương Ngọc Nhàn, Trưởng ban Kinh tế XTTM (Hiệp hội DNNVV), một cán bộ làm công tác XTTM lâu năm cho biết, thông tin là yếu tố quan trọng nhất giúp cho DN phát triển kinh doanh bởi đây chính là nguồn để họ tham khảo trong công việc xây dựng chiến lược, tham gia thị trường mới.
Theo bà Doãn Thị Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương, các thông tin quan trọng này hiện đang nằm rải rác trên toàn bộ hệ thống XTTM. Trong các mạng lưới XTTM, cụ thể là Cục XTTM, các Trung tâm XTTM, các hiệp hội ngành hàng đều có website… Tuy nhiên, thông tin rất tản mát nên người dùng, đối tác nước ngoài cần thông tin sẽ rất khó lấy, nếu lấy được cũng không thể biết đâu là thông tin chính xác nhất. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường lấy lại từ các tổ chức nước ngoài hoặc sử dụng lại của nhau khiến tính chính xác của thông tin thấp, đôi khi thông tin đã cũ mà không được cập nhật thường xuyên. “Nguồn thông tin XTTM không xác thực như vậy sẽ khiến DN đưa ra những định hướng sản xuất, kinh doanh không chính xác trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm”, bà Thuỷ nói.
Mặt khác, thông tin để kết nối giữa nhà phân phối và người tiêu dùng hiện chưa có. Một số mô hình truyền thống trong cung cấp thông tin XTTM cho DN như dùng đĩa CD, USB… hiện đã không còn phù hợp vì nhu cầu về thông tin rất lớn nhưng khi cung cấp cho DN thì chỉ áp dụng được rất ít.
Trước thực trạng đó, Chính phủ yêu cầu thông tin XTTM cần thống nhất và tập trung nhằm tạo tiền đề và cơ sở để thông tin XTTM thống nhất trên toàn quốc. Để thống nhất và có thể nhanh chóng cung cấp thông tin XTTM thì cần có một đầu mối. Đó chính là “đề bài” để Cục XTTM đưa ra đề án kết nối mạng lưới thông tin XTTM.
Đề án này hướng tới mục tiêu xây dựng và vận hành thông suốt hệ thống cơ sở dữ liệu và liên kết, trao đổi thông tin XTTM quốc gia; chuẩn hóa các chương trình đào tạo, sổ tay nghiệp vụ XTTM, kỹ năng xử lý, tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin XTTM; trao đổi thông tin XTTM với các tổ chức XTTM trong và ngoài nước; xây dựng đồng bộ hạ tầng DN từ Trung ương đến địa phương, hiệp hội và DN có nhu cầu.
Cùng với đó, mục tiêu đổi mới toàn diện công tác thông tin XTTM, sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin hiện có cũng được đưa ra với những đề mục như ưu tiên thuê dịch vụ DN phục vụ công tác thông tin XTTM; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động cung ứng thông tin XTTM.
Sau khi hoàn thiện, hệ thống thông tin XTTM sẽ giảm thiểu các nấc trung gian, tạo thuận lợi với chi phí thấp nhất cho việc tiếp cận thông tin cho cộng đồng DN, nhất là DN vừa và nhỏ; loại bỏ sự trùng lắp và thiếu cập nhật, sát với nhu cầu của tổ chức, DN...
Sẽ “xã hội hóa” trên 50% kinh phí cung cấp thông tin
Dự kiến, nguồn tài chính để thực hiện việc kết nối mạng lưới thông tin XTTM được đảm bảo bằng ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, mục tiêu chung của đề án này là “xã hội hóa” nguồn kinh phí vì NSNN có hạn, để đảm bảo tính liên tục cần thiết phải huy động từ nhiều nguồn, trong đó có cộng đồng DN.
Ông Phạm Viết Đức, Giám đốc Trung tâm INTEC, Cục XTTM cho biết, để giảm tỷ trọng kinh phí từ NSNN, cần huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia vào Đề án. Các tổ chức, cá nhân, DN có năng lực và điều kiện phù hợp cùng tham gia, hợp tác với đơn vị chủ trì (đóng góp về kinh phí/vốn, kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ) được quyền khai thác, hưởng lợi ích thông qua việc thu phí trên cơ sở phù hợp quy định của pháp luật, phù hợp với phần đóng góp và bảo đảm lợi ích chung.
Cũng theo ông Đức, mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng kinh phí xã hội hóa chiếm trên 50% tổng kinh phí cho công tác thông tin XTTM. Trước mắt, đại diện cho đề án kết nối thông tin mạng lưới XTTM đề xuất như sau: NSNN sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho mọi đối tượng tham gia đối với hạ tầng CNTT; hỗ trợ 100% cho những đối tượng là tổ chức XTTM Chính phủ đối với một số hoạt động như thuê tư vấn giám sát, xây dựng phần mềm, tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn (trực tuyến), mua, nhập liệu thông tin.
Còn các đối tượng là hiệp hội ngành hàng, liên minh hợp tác xã cấp tỉnh sẽ được hỗ trợ 50% cho một số hoạt động như thuê tư vấn giám sát, xây dựng phần mềm, tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn (trực tuyến), mua, nhập liệu thông tin.
Hiện Việt Nam chưa thu bất kỳ loại phí nào liên quan đến cung cấp thông tin về XTTM ở trong nước và nước ngoài, mọi thông tin cung cấp đều được miễn phí. Tuy nhiên, theo ông Đức, một số quốc gia mà năng lực công tác thông tin XTTM phát huy được hiệu quả đều có thu phí cho hoạt động này, có thể ở từng khâu nhất định, vì vậy, ông Đức đề xuất cần thu phí dịch vụ cung cấp thông tin XTTM.
Dựa vào đâu để đề xuất thu phí?
Theo đại diện đề án, việc thay đổi mô hình cung cấp thông tin là nhằm xây dựng một Google thu nhỏ chính là điểm sáng của đề án. Cụ thể, đây là tập hợp website liên kết theo một tiêu chí chung, dữ liệu sẽ được lấy từ cơ sở dữ liệu, Trung tâm XTTM của các địa phương, hiệp hội, các cơ quan ngang bộ, DN. Sau đó, thông tin sẽ được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu thông tin XTTM quốc gia và phục vụ cá nhân, tổ chức có nhu cầu.
Tuy nhiên, đại diện đề án tiết lộ, Google chỉ trả về kết quả trong quá khứ, còn hệ thống thông tin này sẽ có thêm tính năng mới là kết quả trong tương lai. Ví dụ, năm 2018 có 10 sự kiện mang tính nội bộ thì có thể đưa lên.
Liệu đây có phải lý do để đưa ra đề xuất thu phí cung cấp dịch vụ thông tin XTTM, bên cạnh việc tăng chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính liên tục, thông suốt và đáp ứng đúng nhu cầu hệ thống thông tin XTTM?
Trên thực tế, tính năng tìm kiếm của Google trả kết quả với tỷ lệ chính xác cao theo từ khóa nhưng hoàn toàn miễn phí. Google chỉ tính phí trên thông tin cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin có nhu cầu lọt Top 10 tìm kiếm của Google. Từ mô hình hoạt động của Google có thể thấy, đề xuất thu phí cung cấp thông tin XTTM dường như chưa khả quan.
Ông Lương Ngọc Nhàn, một trong những cán bộ đầu tiên của Cục XTTM bày tỏ: Đề xuất này không hợp lý vì các tổ chức XTTM quốc gia, các địa phương đều đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ, cán bộ của họ được hưởng lương trong khi các tổ chức hiệp hội, ngành hàng chỉ nhận được một khoản kinh phí không đáng kể để tổ chức XTTM.
Theo ông Nhàn, nếu các tổ chức ngành hàng chỉ được hỗ trợ 50% là không hợp lý vì họ không có nguồn thu. Hơn nữa, họ không được phép thu bất kỳ một đồng nào từ các DN nhưng vẫn tiến hành tổ chức XTTM, giúp các DN tăng doanh thu xuất khẩu. Do vậy, họ cũng cần được đối xử công bằng trong việc trích kinh phí từ NSNN.
“Còn một điều khiến tôi băn khoăn là không hiểu họ sẽ “bán” thông tin dạng như thế nào? Liệu những thông tin mà họ “bán” có… rò rỉ ra ở đâu đó hoặc “bán” cho nhiều đối tượng khác nhau. Điều này liệu có mang lại công bằng cho các DN, các tổ chức phi chính phủ?…”- ông Nhàn băn khoăn.
Xây dựng Ứng dụng CNTT kết nối mạng lưới XTTM quốc gia là một phần của Đề án xây dựng ứng dụng CNTT kết nối thông tin mạng lưới XTTM quốc gia. Đề án này được xây dựng dựa trên Quyết định 228/QĐ-TTG ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án nâng cao năng lực công tác thông tin XTTM giai đoạn 2016-2020. Tổng mức đầu tư Đề án là hơn 893 triệu đồng, thực hiện từ 2017-2020. Đề án do Cục XTTM làm chủ đầu tư.