UBND thành phố Đà Nẵng và Vietnam Airlines đã có nhiều buổi làm việc để đi tới thống nhất sẽ mở đường bay thẳng Đà Nẵng-Đà Lạt và ngược lại vào mùa hè này. Việc ra đời đường bay không chỉ giúp các hãng lữ hành khai thác tốt lượng khách du lịch giữa hai địa phương, mà còn tạo sự thuận tiện cho người dân khi đi lại và lưu chuyển hàng hóa.
Chưa có đường bay, khai thác khách chưa “đã”
Du khách Đà Nẵng đến Đà Lạt ngày càng nhiều. |
Đối với khách du lịch miền Trung, Đà Lạt (ĐL) là điểm đến lý tưởng để nghỉ dưỡng, đi “trăng mật”. Thống kê lượng xe đi ĐL từ các bến xe Đà Nẵng (ĐN), Huế cho thấy: Mỗi ngày có 4 chuyến đi trên tuyến ĐN-ĐL với 90 khách, và 3 chuyến Huế-ĐL với 100 khách. Ngoài số này, còn có lượng khách khá lớn đi theo tour do các công ty lữ hành ở miền Trung khai thác, trong đó nguồn khách du lịch nội vùng của ĐN đi ĐL vào các kỳ nghỉ lễ, Tết và mùa hè là nguồn khách cơ bản nhất. Còn đối với khách các tỉnh Tây Nguyên, ĐN với bãi biển đẹp, nối kết với các Di sản thế giới là một điểm đến đáng mơ ước. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư, thương gia, khách du lịch cao cấp từ các vùng miền của Việt Nam và khách nước ngoài có nhu cầu đi nghỉ dưỡng, chơi golf tại ĐN và ĐL.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các hãng lữ hành, lượng khách được khai thác từ trước tới nay là chưa đáng kể so với tiềm năng thực sự của hai thành phố. Bởi hiện nay, đa số các nhóm khách có thu nhập khá thường tranh thủ đi du lịch ngắn ngày vào dịp cuối tuần, nhưng quãng thời gian ngồi xe từ ĐN đến ĐL và ngược lại quá dài (từ 14-18 tiếng). Do đó, muốn đi tour ĐN-ĐL, du khách thường phải mất 5-6 ngày, hoặc phải bay chuyển tiếp vào Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh làm chi phí tour bị đội lên cao.
Rút ngắn thời gian đi tour và giảm chi phí
Việc mở đường bay Đà Nẵng - Đà Lạt sẽ góp phần tăng lượng khách đến Đà Nẵng hằng năm. |
Để khai thác và trao đổi nguồn khách hiệu quả giữa hai thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng đã làm việc nhiều lần với Vietnam Airlines (VNA) về việc kiến nghị mở đường bay trực tiếp ĐN-ĐL. Hiện nay, sân bay Liên Khương của Lâm Đồng, cách trung tâm ĐL 30km, đã được đầu tư nâng cấp và có thể đón được loại máy bay A320. Vì vậy, theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ĐN, đường bay trực tiếp này sẽ tạo ra những chương trình tour linh hoạt và hấp dẫn hơn, giảm áp lực thời gian di chuyển bằng đường bộ, hạn chế kéo dài tour và giảm chi phí. Không chỉ vậy, đường bay này còn giúp sự đi lại của người dân, thương gia và sự lưu chuyển hàng hóa giữa miền Trung và Lâm Đồng trở nên dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, VNA đang tính toán các phương án để khai trương đường bay vào đầu tháng 6 tới, trước hết là nhằm mục tiêu khai thác tối đa lượng khách nội địa đi du lịch vào mùa hè năm nay. Trên đường bay này, ĐN và Lâm Đồng có thể phối hợp với các hãng lữ hành xây dựng các chương trình tour 5 ngày 4 đêm, 3 ngày 2 đêm. Theo đó, khách từ Đà Lạt có thể bay đến Đà Nẵng và tham gia các tour: Hành trình di sản (Đà Nẵng-Hội An-Mỹ Sơn-Huế-Phong Nha), Thiên đường miền Trung (Đà Nẵng-Sơn Trà-Bà Nà-Cù lao Chàm), Duyên hải miền Trung – Bắc Tây Nguyên (ĐN-Quảng Ngãi-Gia Lai-KonTum). Khách đáp chuyến bay từ Đà Nẵng đến Đà Lạt sẽ tham gia các tour: Lên non xuống biển (Nha Trang-ĐL), Con đường xanh Tây Nguyên (Lâm Đồng-ĐakLak-Gia Lai-Kon Tum) hoặc chỉ nghỉ mát ở ĐL.
Như vậy, để chuẩn bị và duy trì đường bay trong tương lai, ngoài việc các hãng lữ hành cam kết mua chỗ cố định trên các chuyến bay (30-50% số chỗ) để giảm áp lực khai thác cho VNA, hai địa phương sẽ phối hợp tổ chức các triển lãm, tuần lễ văn hóa du lịch, hội chợ Xuân, trong đó hỗ trợ miễn phí thuê gian hàng cho các doanh nghiệp hai bên giới thiệu và quảng bá sản phẩm; đồng thời hỗ trợ cho các đoàn famtrip đi khảo sát tiềm năng du lịch giữa các vùng.
Bài và ảnh: HẰNG VANG