Phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “ nóng” ngay từ đầu, sau khi Thủ tướng đọc báo cáo giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Mặc dù Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Hồ Nghĩa Dũng và cả trong báo cáo giải trình của Thủ tướng đã trình bày khá rõ và đề cập nhiều về nguyên nhân đổ vỡ, hướng khắc phục Tập đoàn Vinashin, nhưng dường như các đại biểu Quốc hội vẫn chưa thỏa mãn. Bởi vậy, nhiều đại biểu vẫn nhắc đi nhắc lại vấn đề này.
Cần xem xét rõ trách nhiệm cá nhân
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) mở đầu với nội dung chất vấn khá gai góc: “Những ngày gần đây, nhân dân chăm chú theo dõi nỗ lực của Chính phủ đang tái cơ cấu Vinashin. Tập đoàn cũng tuyên bố nỗ lực làm ăn tự vay, tự trả, tái cơ cấu. Làm được như vậy dân mừng. Nhưng sẽ ra sao, khi mà số tiền hằng năm trả lãi cho ngân hàng lên tới 15.000 tỷ đồng cho khoản nợ 86.000 tỷ đồng. Nếu không trả được, lãi mẹ đẻ lãi con, 5 năm sau, số tiền này sẽ tăng gấp đôi, tới 160.000 – 170.000 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu năm 2010 của Vinashin là 13.500 tỷ đồng, số lỗ hoạt động kinh doanh là 1.100 tỷ đồng?”
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao đề án tái cơ cấu Vinashin hướng vào mục tiêu chất lượng và hiệu quả |
Theo tính toán của đại biểu này, kể cả sau tái cơ cấu, Vinashin không thể tự trả được nợ, nếu không được bơm vốn từ bên ngoài và bán bất động sản. Nếu Vinashin không trả được món nợ trên, Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm thế nào?
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm liên quan, bởi qua các báo cáo của Chính phủ, qua phần giải trình của các Bộ trưởng, đại biểu vẫn chưa hài lòng vì chưa chỉ rõ, ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng khẳng định, việc cố ý làm trái của lãnh đạo Tập đoàn, các cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật. Còn Thủ tướng, Phó thủ tướng có trách nhiệm trong quản lý của đại diện chủ sở hữu. Trách nhiệm đó là gì đã báo cáo đại biểu Quốc hội. Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng nhận trách nhiệm đó. Phó thủ tướng, các Bộ trưởng có liên quan về trách nhiệm trong quản lý Nhà nước, quản lý chủ sở hữu cũng đang tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cụ thể. Thủ tướng khẳng định, sẽ không làm qua loa, mà làm nghiêm túc, theo đúng quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, sẽ báo cáo trước Hội nghị Trung ương Đảng 14 và kết quả thế nào sẽ công khai.
Thủ tướng nói thêm, đề án tái cơ cấu Vianshin là khả thi. Nhưng từ đề án tới hiện thực là cả một quá trình. Trong đó, một nguyên tắc đặt ra là thực hiện đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật. Chính phủ sẽ kiên trì đi theo hướng đó. Tuy nhiên, cũng cần xác định thực hiện đề án này còn rất khó khăn, mong đại biểu Quốc hội, nhân dân ủng hộ, giám sát.
Đa ngành, đa lĩnh vực là thí điểm, quyết tâm không để xảy ra tình trạng tương tự như Vinashin
Vẫn là đại biểu Phạm Thị Loan nêu câu hỏi về việc Chính phủ có tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty khác nữa không. Bà Loan e ngại, với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện đầu tư ra ngoài ngành nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, bất động sản, tài chính, gas và cả taxi…, bây giờ còn được giao thêm đóng tàu. Chỉ khác là Vinashin phải đi vay tiền để đầu tư, còn Dầu khí thì được Nhà nước cấp tiền để làm và đang rộng tay sử dụng ở nhiều lĩnh vực...
Thủ tướng cho rằng, Chính phủ không nói tái cơ cấu tất cả các tập đoàn, mà chỉ nói thực hiện thành công tái cơ cấu Vinashin và quyết tâm không để xảy ra sai phạm như Vinashin. Về Tập đoàn Dầu khí, Thủ tướng khẳng định, hiện vẫn đang làm ăn tốt. Nhưng Chính phủ đang yêu cầu các tập đoàn, trong đó có Dầu khí, phải rà soát. Còn về kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực là thực hiện Nghị quyết TƯ 3 về thực hiện thí điểm tập đoàn kinh tế, có kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Thí điểm có thể thành công hoặc không thành công. Tất nhiên, Chính phủ cũng đang phát huy điểm tốt và hạn chế điểm yếu, đã có sơ kết và đang bước đầu hoàn thiện theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng phải là những ngành gắn kết với ngành chính.
Không phải Thủ tướng không dám kỷ luật ai
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) về kỷ luật hành chính, Thủ tướng nêu rõ: Mỗi người đứng đầu, điều đầu tiên, quan trọng và thường xuyên, trước hết là tăng cường lãnh đạo quản lý để cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, không vi phạm pháp luật để không ai bị xử lý hoặc hạn chế thấp nhất người bị xử lý, chứ không phải Thủ tướng không dám xử lý kỷ luật ai. Không kỷ luật cũng không được, vì Thủ tướng phải hành động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi phát hiện vi phạm, là lãnh đạo phải có kiểm tra, phát hiện xử lý theo đúng quy định của pháp luật, có lý, có tình và đúng bản chất sự việc, chứ không theo ý riêng của mình được. Đối với Vinashin cũng vậy, những việc không chấp hành đã được xử lý theo đúng quy định của pháp luật Nhà nước và đường lối của Đảng.
Sẽ chú trọng tới quy hoạch
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) chất vấn Thủ tướng về kế hoạch phê chuẩn quy hoạch của các địa phương, bao giờ quy hoạch chung của Hà Nội được phê duyệt? Thủ tướng trả lời: một trong những chức năng của Chính phủ là xây dựng quy hoạch. Việc này Chính phủ rất quan tâm, đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo để sát với yêu cầu cuộc sống và sự phát triển, bởi có quy hoạch tốt mới có đầu tư phát triển tốt. Hiện nay, tất cả ngành, các địa phương đều có quy hoạch, nhưng để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011- 2020, Thủ tướng có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, ngành đánh giá lại, hoàn thiện quy hoạch. Việc này đang làm khẩn trương.
Quy hoạch Hà Nội được xây dựng phù hợp với Hà Nội mở rộng bao gồm Hà Nội cũ, Hà Tây và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc). Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, đang cố gắng làm, lấy ý kiến để có quy hoạch Thủ đô xứng tầm của nước Việt Nam đi lên CNH- HĐH, với quy mô sau này lên tới 120 triệu dân, tương xứng với mục tiêu phát triển, với mong muốn của chúng ta. Thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng, BCĐ đã tiếp thu ý kiến, hoàn thiện, đang trình đưa ra Chính phủ thảo luận và báo cáo Bộ Chính trị. Quy hoạch Thủ đô không phải của Thủ đô, mà của cả nước, nên cần có thời gian nghiên cứu, hoàn chỉnh.
Hồng Thanh