Sau lũ lụt, tại một số tỉnh miền Trung bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có nguy cơ lan rộng. Điều đáng lo lắng là nhiều người dân chưa phân biệt được giữa sốt thông thường và SXH, nên đã có cách điều trị không đúng, dẫn đến tử vong.
Tử vong vì không biết cách phòng bệnh
Thời gian qua, do thời tiết thay đổi nên bệnh SXH bùng phát mạnh, nhất là các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đặc biệt, các tỉnh Miền Trung, nước lụt vừa rút chưa được bao lâu - đây là điều kiện lý tưởng cho bệnh SXH lan rộng.
Vệ sinh phòng dịch để tránh dịch sốt xuất huyết |
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Sau lũ lụt, vùng nước ngập thường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi phân, rác, xác động, thực vật chết; chuồng trại gia súc, gia cầm, cống rãnh ngập trong nước khuếch tán chất thải vào nước.
Từ nước, chất bẩn và mầm bệnh nhiễm vào đất, cây trồng, vật nuôi, nhà cửa, đồ dùng... Do vậy rất dễ bùng phát các loại bệnh dịch như: sốt xuất huyết, sốt rét, tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm da…”
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2010, cả nước đã có 59.851 trường hợp mắc bệnh SXH, trong đó có 47 trường hợp tử vong. Nguy hiểm hơn, đối tượng bị mắc SXH nhiều nhất là trẻ em, trẻ càng bụ bẩm khi mắc bệnh thường dễ có khuynh hướng diễn tiến nặng.
Ở các tỉnh phía Nam, 70% trường hợp SXH Dengue xảy ra ở trẻ em (< 15 tuổi), trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm khoảng 5- 8%. Ðiều đáng ngại là SXH ở trẻ em nguy hiểm hơn ở người lớn vì sốt cao có thể gây ra co giật và lượng nước ở trong cơ thể trẻ em nhiều nên dễ mất nước khi sốt cao, dẫn đến trụy tim mạch.
Mặt khác, do trẻ không thể tự biết được diễn biến của bệnh nên nếu người lớn không chăm sóc và theo dõi chặt chẽ sẽ dễ có nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp các bà mẹ khi thấy con SXH lại tưởng con sốt do viêm họng, viêm phế quản hay sốt do virút nên đã chủ quan không cho con đến bệnh viện mà tự mua thuốc hạ sốt cho con uống tại nhà. Đến khi không thấy con hạ sốt thì bệnh SXH của con đã diễn biến quá nặng.
“Bé trai nhà tôi mới 3 tuổi và thường hay bị sốt do viêm họng. Tháng trước, cháu sốt trên 38 độ, hay nôn trớ, cứ tưởng cháu lại sốt viêm họng như mọi lần nên tôi đã cho cháu vừa uống thuốc hạ sốt, vừa uống kháng sinh.
Nhưng sau 2 ngày dùng thuốc, cháu vẫn không đỡ mà lại có biểu hiện vật vã, li bì. Khi tôi đưa cháu đến bệnh viện thì mới biết cháu bị SXH. Bác sỹ còn nói là nếu đến chậm tý nữa là nguy hiểm đến tính mạng”- Chị Lại Thị Cẩm Nhung (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) vẫn chưa hết lo lắng khi tâm sự với phóng viên.
TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) khuyến cáo, nếu bệnh nhi bị sốt từ ngày thứ 3 trở lên mà chưa tìm thấy nguyên nhân thì cần đưa đến bệnh viện thử máu để tìm bệnh SXH.
Dễ nhầm lẫn với các loại sốt thông thường
Theo các chuyên gia y tế, SXH có biểu hiện ban đầu giống hệt các triệu chứng sốt virus khác nên nhiều người chủ quan tự ý mua thuốc về nhà điều trị. Tuy nhiên, nếu bị SXH mà uống một số loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ sẽ cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng.
Ngay cả những cán bộ, viên chức Nhà nước và các sinh viên- những đối tượng có điều kiện tiếp xúc nhiều với thông tin cũng rất hạn chế về cách nhận biết và phòng chống bệnh SXH. Khi bị mắc bệnh, họ chỉ nghĩ là mình bị cảm cúm hoặc sốt thông thường.
Có trường hợp, mặc dù biết mình bị SXH nhưng tại cho rằng chỉ cần tránh gió, kiêng nước và mặc quần áo ấm, uống nhiều nước là tự khỏi. Bởi vậy, không ít bệnh nhân khi nhập viện thì bệnh tình đã diễn biến phức tạp và phải điều trị dài ngày mới khỏi, trường hợp nặng thì tử vong.
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, bệnh SXH thông thường kéo dài từ 7-10 ngày. Biểu hiện xuất huyết thường xảy ra từ ngày thứ 2, thứ 3 của bệnh dưới nhiều hình thái như: nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cách tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc có mảng bầm tím; chảy máu mũi, lợi, đôi khi xuất huyết ở kết mạc, đi tiểu ra máu; kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.
Khi thấy bệnh nhân xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như: tụt huyết áp, đau bụng, chảy máu bất thường, nằm vật vã, sốt li bì, chướng bụng, khó thở, đi tiểu ít, chảy máu bất thường, đi đại tiện ra máu… cần đưa đi khám bác sỹ.
Nguồn gây bệnh SXH chủ yếu là muỗi.Với những gia đình có người đang bị SXH phải thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt (như phải nằm màn, bôi kem chống muỗi hoặc dùng hương diệt muỗi...).
Vân Anh