Ngày 10/7/ 2018, UBND huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đã ra Quyết định số 08/QĐ-BQL quyết định hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở đối với thân nhân liệt sĩ là cụ Hoàng Thị Nhung (94 tuổi) ở thôn Hồng Thái xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
Cụ thể, UBND huyện Văn Lâm đã trích kinh phí từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện cấp cho UBND xã Lạc Hồng với tổng số tiền 23 triệu đồng để hỗ trợ cho gia đình cụ Hoàng Thị Nhung sữa chữa nhà ở.
Ngày sau khi có thông báo hỗ trợ đột xuất sửa chữa nhà cửa cho mẹ liệt sĩ Hoàng Thị Nhung, ngày 12/7 Phòng Lao động –TBXH phối hợp với UBND xã Lạc Hồng đến nhà trao số tiền cho 23 triệu cho mẹ Nhung. Đồng thời phối hợp với gia đình tiến hành khảo sát, sửa chữa nhà ở cho mẹ Nhung.
Trước đó, ông Trần Quốc Văn, Bí thư Huyện ủy Văn Lâm đã trực tiếp đến nhà thăm hỏi, động viên cụ Hoàng Thị Nhung. Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Văn đã chỉ đạo UBND huyện, các phòng, ngành của huyện, Đảng ủy, Uỷ ban nhân xã Lạc Hồng phải sửa chữa xong trước ngày 27/7.
Chia sẻ với phóng viên, cụ Hoàng Thị Nhung cho biết: “Tôi rất vui mừng và cảm kích các cơ quan truyền thông, đặc biệt là báo Pháp luật Việt Nam đã nói lên tiếng nói, đòi lại quyền lợi chính đáng mà nhiều năm qua bị lãng quên”.
Ngôi nhà cụ Nhung đang được sửa chữa |
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Khiển, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Văn Lâm (Hưng Yên) cho biết: “ Sau tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, UBND huyện Văn Lâm cũng như UBND xã Lạc Hồng cũng đã tiếp thu, cố gắng thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công. Thay mặt Huyện ủy, UBND huyện, tôi xin cảm ơn các đồng chí phóng viên đã phản ánh giúp cho huyện nắm bắt được thông tin, từ đó làm tốt hơn công tác quan tâm đối với thân nhiệt liệt sĩ, người có công với cách mạng”.
Phó bí thư huyện ủy Văn Lâm cũng cho biết thêm rằng: “Về việc các cán bộ xã, huyện có các phát ngôn chưa chuẩn mực sẽ phải trực tiếp đến nhà xin lỗi mẹ Nhung. Nếu là Đảng viên thì Ủy Ban kiểm tra (UBKT) Huyện ủy sẽ tiến hành kiểm tra xem xét dấu hiệu vi phạm của Đảng viên. Còn đối với cán bộ không phải là Đảng viên thì giao cho UBND huyện, cơ quan thanh tra huyện xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn đối với vấn đề các cán bộ UBND xã Lạc Hồng đi thăm quan thực tế, học tập kinh nghiệm trong ngày làm việc từ ngày 18-22/6, tức là từ thứ 2 cho đến thứ 6. Theo quy định của luật Lao động cũng như theo quy chế làm việc thì rõ ràng việc đi như vậy là chưa đúng.
Riêng nội dung này, chúng tôi cũng đã giao UBKT Huyện uỷ kiểm tra các dấu hiệu vi phạm của các cán bộ. Hiện nay, đang tiến hành xem xét, khi nào có kết luận sẽ công bố cụ thể”, ông Khiển nhấn mạnh./.
Mẹ liệt sỹ 10 năm đi xin trợ cấp sửa nhà
Thứ Tư, 4/7/2018 10:24 GMT+7(PLO) - Mặc dù đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng suốt 10 năm qua, cụ Hoàng Thị Nhung (94 tuổi) ở thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên vẫn phải lần mò, gõ cửa các cấp chính quyền xin trợ giúp sửa chữa gian nhà cấp 4 - nơi thờ tự liệt sỹ Phạm Văn Đàn (con trai cụ Nhung)...
Cụ Hoàng Thị Nhung – mẹ của liệt sỹ Phạm Văn Đàn đang đứng trước bàn thờ con trai.
10 năm xin sửa nhà
Trong gian nhà cấp 4 bé nhỏ được xây dựng từ những năm 1970, cụ Hoàng Thị Nhung - mẹ của liệt sỹ Phạm Văn Đàn - với dáng người hao gầy, mái tóc bạc phơ đang ngồi thẫn thờ trước di ảnh của con trai. Dù chiến tranh đã đi xa, “vết thương” cũng đã lành theo tháng năm nhưng nỗi đau mất con thì vẫn lúc vơi, lúc đầy. Năm nào cũng vậy, cận ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7) nghe báo đài nói rôm rả chuyện đền ơn, đáp nghĩa, cụ Nhung lại buồn.
Cụ kể cho chúng tôi rằng: “Ngôi nhà của mẹ được xây dựng từ những năm 70, tường cũng đã mục, mái cũng hỏng, mùa mưa thì dột khắp nơi, ở khổ lắm con à. Năm 2008 mẹ làm đơn xin được hỗ trợ, sửa chữa nhà ở. Các ông Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Hồng Thái (xã Lạc Hồng) sang kiểm tra thấy mái nhà dột nát, tường bao quanh nhà bong tróc, họ đều cảm thương ký vào đơn xác nhận cho mẹ. Nhưng con ơi, hơn 10 năm nay mỗi lần thay đổi trưởng thôn, thay chủ tịch xã, huyện là bấy nhiêu lần mẹ đi lại gõ cửa, họ bắt mẹ viết, bắt mẹ trình bày, bắt mẹ đợi… Mẹ thì biết mình chẳng sống được bao lâu, mẹ đâu cần nhà cao, cửa rộng. Mẹ chỉ cần nơi thờ tự liệt sỹ của đất nước không dột nát là được. Vì vậy, mẹ vẫn phải làm, mẹ không thể để con mẹ đã hy sinh vì đất nước mà bây giờ lại không được địa phương trân trọng” - cụ Nhung nói.
Nghe cụ Nhung kể đến đây, chúng tôi ai nấy đều xúc động, nhìn dáng người gầy gò, nhỏ bé của cụ đứng trước bàn thờ liệt sỹ Phạm Văn Đàn, tim chúng tôi cũng đau thắt lại. Tự hỏi lòng mình làm gì để cụ vơi bớt nỗi đau, đau vì mất con, đau vì không được chính quyền nơi đây quan tâm đến cụ…