GTVT là một bộ kinh tế ngành, với hơn 10 PMU trực thuộc, chuyên làm nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư, quản lý các dự án xây dựng hạ tầng thuộc các lĩnh vực sắt, thuỷ, bộ, hàng hải, đường thuỷ nội địa… trên phạm vị cả nước. Cơ cấu tổ chức của các PMU này thường gồm 1 Tổng Giám đốc, 3 - 4 cấp phó và một số phòng chuyên môn.
“Về chung một nhà”
Lần nay, 4 đơn vị được đưa vào “tầm ngắm” đó là PMU 1, 2, An toàn giao thông và Thăng Long. Cả 4 ban này đều có trụ sở tại Hà Nội, và từng là đại diện chủ đầu tư nhiều dự án lớn sử dụng vốn vay ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, đồng thời là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại một số Dự án BOT trong thời gian gần đây.
Nguồn tin riêng của PLVN cho hay, PMU Thăng Long và PMU 1 sắp tới sẽ “về chung một nhà”, 2 PMU còn lại sẽ sáp nhập thành một đơn vị.
“Theo kế hoạch mà tôi nắm được, thì từ ngày 1/5 tới, ban hình thành sau sáp nhập, hợp nhất sẽ chính thức đi vào hoạt động. Cụ thể, PMU An toàn giao thông sẽ sáp nhập vào PMU2 và vẫn giữ nguyên tên gói là PMU2 trong thời gian tới”, Tổng Giám đốc PMU2 Phạm Hồng Sơn xác nhận với PLVN.
Thực tế, nếu cộng các vị trí này lại, thì ngoài 2 Tổng Giám đốc, PMU này sẽ có 7 Phó Tổng Giám đốc và hơn con số đó về số lãnh đạo cấp phòng. Vì thế, ngoài 1 “chiếc ghế” Tổng Giám đốc, các Phó Tổng và cấp Trưởng, Phó phòng… cũng cần phải tính toán lại sau sáp nhập, tránh trường hợp nhìn đâu cũng thấy lãnh đạo.
“Tôi hiểu mục tiêu của bộ là nhằm thu gọn các đầu mối tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động. Vì thế, cũng có thể sau khi ghép lại, có đồng chí Trưởng xuống Phó, nhưng cũng có đồng chí lên thì sao? Cá nhân tôi thì nghĩ rằng, cái quan trọng nhất sau hợp nhất bộ máy phải tốt hơn, công ăn việc làm có đủ cho anh, em là được”, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Tổng Giám đốc PMU1 nói.
Cũng theo vị này, về mặt giấy tờ, thì PMU Thăng Long sẽ hợp nhất về PMU1, nhưng thực tế PMU1 sẽ phải “dọn nhà” về “ở chung” với PMU Thăng Long; cái tên PMU1 bao năm gắn liền với tuyến đường QL1 xuyên Bắc - Nam sắp tới sẽ chỉ còn lại trong trong ký ức của những người làm xây lắp và quản lý dự án. Theo đó, cơ ngơi cũ của Ban này tới đây dự kiến sẽ bàn giao lại cho PMU Đường thuỷ tiếp quản, sử dụng.
“Phấn đấu bao năm, giờ thì…!”
Trao đổi với PLVN, hầu hết lãnh đạo các PMU đều nói ủng hộ chủ trương trên của Bộ GTVT nhưng cho biết, quá trình thăm dò trong phạm vi nội bộ của các Ban, một số cán bộ ở đây ít nhiều đã bày tỏ tâm tư trước sự xáo trộn lớn về mặt tổ chức.
“Nhiều người đã phải phấn đấu biết bao nhiêu năm, giờ ghép lại thì nói thật là rất tâm trạng chứ không phải là không!”, một cán bộ cấp Trưởng phòng của một PMU muốn ẩn danh đã nói với PLVN.
Tìm hiểu thêm việc này, chúng tôi có hỏi lãnh đạo và người phụ trách các PMU trong diện phải sắp xếp lần này về vấn đề dân chủ trong công tác thăm dò lấy ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên các đơn vị trước khi tiến hành sáp nhập, hợp nhất thì được thông tin là đã thực hiện đủ quy trình ở cấp cơ sở, báo cáo Bộ và hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo cuối cùng Ban cán sự Đảng, Bộ GTVT.
“Đấy là chủ trương lớn của Bộ nên dưới góc độ Ban, chúng tôi sẽ chấp hành việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy. Cơ cấu tổ chức Ban chúng tôi đang có 3 Phó “Tổng”, đồng chí Tổng Giám đốc thì mới nghỉ hưu”, ông Vũ Ngọc Dương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách PMU Thăng Long tỏ ra thận trọng khi nói về vấn đề này.
Theo quan sát của PLVN, điều mà dư luận trong, ngoài ngành GTVT quan tâm nhất vào thời điểm này là hiện đang có tới 3 Tổng Giám đốc và 1 Phó Tổng Giám đốc phụ trách 4 PMU, trong khi sắp tới chỉ còn lại 2 PMU - điều đó có nghĩa, nếu tiếp tục công tác tại các PMU sau sáp nhập, hợp nhất chắc chắn có ít nhất 1 Tổng Giám đốc phải xuống ngồi… “ghế” Phó? Trong bối cảnh đó, dư luận đồ rằng, không chỉ lãnh đạo cấp phòng mà có khi có Tổng Giám đốc, người phụ trách các PMU cũng đang rất tâm tư, lo lắng?
Để biết thêm vấn đề này, PLVN đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, nhưng ông Nhật thông tin khá dè dặt: “Ban cán sự Đảng Bộ GTVT đã bàn và sẽ cân nhắc tính toán kỹ!”.
Một số PMU Hàng hải, đường thuỷ từng về chung “một nhà”
Cách đây hơn 2 năm, Bộ GTVT từng tiến hành 2 cuộc cơ cấu lại tổ chức của một số PMU. Cụ thể tháng 10/2014, Bộ này công bố Quyết định sáp nhập Ban Quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vào PMU Đường sắt trực thuộc Bộ GTVT.
Ba năm trước, Bộ GTVT từng sáp nhập RPMU vào PMU Đường sắt trực thuộc Bộ GTVT |
Hai tháng sau, Bộ này lại công bố quyết đinh chuyển nguyên trạng PMU Đường thủy nội địa phía Bắc, PMU Đường thủy nội địa phía Nam thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để thành lập PMU Đường thuỷ thuộc Bộ GTVT; đồng thời chuyển nguyên trạng PMU Hàng hải 2 và một phần nhân sự PMU Hàng hải 3 thuộc Cục Hàng hải Việt Nam về thành lập PMU Hàng hải trực thuộc Bộ GTVT. Khi đó, cũng có người giữ được “ghế”, nhưng có người đang Trưởng phải xuống làm Phó.