Muộn còn hơn không!
Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực trong việc thiết lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho DN. Với đối tượng DNNVV, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ riêng thông qua Nghị định 56/2009/NĐ-CP, kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, Quỹ Bảo lãnh, Quỹ Phát triển DNNVV. Thế nhưng thực tế, số lượng DN gặp khó khăn, phải giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn không giảm.
Để khắc phục những tồn tại và hạn chế của các chính sách hỗ trợ DNNVV trước đây, đồng thời tạo hành lang pháp lý để DNNVV phát triển, Chính phủ và Bộ KH&ĐT đã xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, thời điểm ban hành luật đã là trễ, nhưng "muộn còn hơn không". Theo Thứ trưởng, từ trước đến nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DNNVV nhưng nằm rải rác ở nhiều văn bản của các bộ, ngành và chỉ là chính sách chung cho tất cả DN chứ không riêng cho DNNVV.
Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ bảo đảm tính liên tục, nhất quán và toàn diện của chính sách. Thêm nữa, việc luật hóa sẽ tránh tình trạng xin - cho vốn đang tồn tại trong quan hệ giữa cơ quan quản lý và DN.
Theo Dự thảo mới nhất (ngày 7/7/2016) Luật Hỗ trợ DNNVV có 7 chương với 33 điều. Các nội dung hỗ trợ, gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính; tiếp cận tín dụng; hỗ trợ tài chính; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ năng lực công nghệ; hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin và tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ ươm tạo, cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN…
Có 3 chương trình hỗ trợ DNNVV gồm: Chương trình hỗ trợ chẩn đoán và tư vấn cải thiện hiệu quả SXKD; Chương trình hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và hội nhập. Ngoài ra, Dự luật cũng để mở khi quy định “Chương trình hỗ trợ DNNVV khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng giai đoạn cụ thể…”.
Sẽ không còn “xin- cho”?
Theo cơ quan soạn thảo, Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ lấy DN làm trung tâm phục vụ, và đây là một dịch vụ công chính yếu mà chính quyền phải cung cấp cho DN. Dự thảo Luật còn dành hẳn 1 chương (5 điều) quy định về nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DNNVV ở mọi quốc gia đều cần sự trợ giúp để vượt những cản trở do quy mô nhỏ gây ra. Vì vậy, việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là để thay đổi hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân DN trong việc thúc đẩy DNNVV phát triển, tạo hiệu quả cho nền kinh tế.
Thế nhưng, dù trước đây đã có các nghị định về hỗ trợ DNNVV nhưng câu hỏi đặt ra là các giải pháp chính sách hỗ trợ DNNVV của Nhà nước từ trước đến nay đã đủ giải quyết các vấn đề phát triển DNNVV chưa? Nếu chưa thì vì sao? Các giải pháp mới đưa ra trong dự luật liệu có tạo sự đột phá trong phát triển DN hay không? Cách tiếp cận có gì mới?...
Đi sâu vào phân tích, bà Hằng cho rằng, dự luật vẫn còn bộc lộ một số điểm hạn chế. Ví dụ, theo dự thảo: “DNNVV phải đáp ứng các điều kiện của từng nội dung chương trình hỗ trợ DNNVV. Tại cùng một thời điểm, trường hợp DNNVV đồng thời đáp ứng các điều kiện khác nhau về cùng một nội dung hỗ trợ thì DN được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ theo quy định có lợi nhất”.
Từ quy định này, bà Hằng cho rằng, dự luật bộc lộ dư âm của cơ chế “xin - cho” vì các DNNVV sẽ phải điều chỉnh, thậm chí quy mô nhỏ đi để phù hợp với các điều kiện; nhiều chương trình có nội dung, hình thức trùng lặp, DN sẽ không biết đâu là mức hỗ trợ theo quy định là “có lợi nhất”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông lưu ý, quan điểm của ban soạn thảo coi việc cung cấp hỗ trợ DNNVV là dịch vụ công, không có “xin - cho”.
“Đây là điều dự luật đang muốn đột phá, theo đúng tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là Nhà nước kiến tạo và cơ quan công quyền cung cấp dịch vụ công. Tất nhiên, việc khắc phục tập quán “xin – cho” không “ngày một, ngày hai”, nhưng phải có quy trình, thủ tục để công bằng…”- Thứ trưởng phát biểu.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI |