Bảo trì công trình xây dựng là hoạt động rất cần thiết để duy trì tuổi thọ và bảo đảm an toàn, sự vận hành bình thường của công trình xây dựng. Luật Xây dựng (Điều 83) và một số văn bản quy phạm pháp luật khác đã nêu ra những quy định liên quan đến việc bảo trì công trình xây dựng, tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật đó chưa nêu những quy định cụ thể (trừ các ngành cầu đường bộ, đường sắt, đê điều). Trong khi đó các tư liệu, tài liệu về bảo trì công trình xây dựng của các nước trên thế giới cũng còn ít, chủ yếu là các tiêu chuẩn kỹ thuật, điều đó cũng gây khó khăn cho các chuyên gia Việt Nam khi muốn tham khảo các tài liệu của nước ngoài về các vấn đề liên quan đến công tác bảo trì công trình xây dựng. Do các văn bản quy phạm pháp luật về bảo trì công trình xây dựng hiện chưa quy định cụ thể về nội dung, quy trình, trách nhiệm và nguồn vốn để thực hiện bảo trì công trình xây dựng nên gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện. Nhất là đối với các công trình thuộc sở hữu Nhà nước, công trình nhà ở, chung cư…Chính vì thế có nhiều công trình xây dựng bị xuống cấp nhanh, làm giảm tuổi thọ và hiệu quả đầu tư, một số công trình không đảm bảo yêu cầu về an toàn sử dụng. Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã tổ chức soạn thảo Nghị định Bảo trì công trình xây dựng nhằm cụ thể hoá những nội dung đã nêu trong Luật Xây dựng cũng như bổ sung những quy định cụ thể hơn so với các văn bản quy phạm pháp luật khác đã ban hành. Dự thảo Nghị định do Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo gồm có 5 chương với 29 điều nêu ra những quy định chung; quy trình bảo trì công trình xây dựng; tổ chức thực hiện bảo trì công trình xây dựng; kinh phí bảo trì công trình xây dựng; hướng dẫn đối với công trình chưa thực hiện bảo trì công trình xây dựng; tổ chức thực hiện Nghị định. Trong qúa trình soạn thảo, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và đông đảo người dân. 12 bộ ngành, 10 tỉnh thành, 3 viện nghiên cứu, 4 trường đại học có đóng góp với dự thảo Nghị định. Hầu hết các ý kiến đóng góp cùng Nghị định đều thống nhất sự cần thiết ban hành và các nội dung cơ bản của Nghị định. Theo ban soạn thảo, sau khi tiếp thu hoàn chỉnh một số nội dung dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng sẽ có tờ trình lên Chính phủ nhằm sớm ban hành Nghị định này. Chắc chắn với khung pháp lý cơ bản, hoạt động bảo trì các công trình xây dựng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cũng như tuổi thọ của các công trình xây dựng.
Theo Báo Xây Dựng