“Vô can” với hậu quảng cáo?
Có rất nhiều loại sự cố quảng cáo, liên quan đến chất lượng sản phẩm, chất lượng đoạn quảng cáo, phản ứng cả người tiêu dùng… Nói đến “sự cố” trong quảng cáo, thì thời điểm gần đây được coi là khá “được mùa”. Các sự cố liên quan đến Mì Tiến Vua và quảng cáo bị coi là “dìm” các đối thủ, đến Omachi thành phần nguyên liệu khác xa với quảng cáo thường nhấn mạnh, Rejoice và mẫu quảng cáo “không hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”…
Hầu hết, các quảng cáo trên đều có sự tham gia của những người nổi tiếng vơi tư cách là diễn viên của clip quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, nhận cat- xê khổng lồ từ các phim quảng cáo, nhưng hầu hết các sao chỉ tham gia với tư cách “diễn”, còn tất cả những gì diễn ra đằng sau sản phẩm hầu như họ “vô can”, điều này làm dấy lên trong người tiêu dùng sự thắc mắc: Có hay không trách nhiệm của “sao” đối với sản phẩm mình nhận lời quảng cáo?
Scandal quảng cáo gần đây nhất phải kể đến clip quảng cáo Rejoice do cựu Hoa hậu Mai Phương Thúy đảm nhận vai diễn chính. Quảng cáo trên đã phải ngừng phát sóng trong tháng 7 vừa qua vì vướng phải sự công kích dữ dội từ phía dư luận. Hầu hết ai từng xem qua đoạn clip cũng nhận thấy rằng, với câu hỏi hết sức tử tế của mẹ chồng, câu trả lời cộc lốc của cô con dâu (do Mai Phương Thúy đóng): “À không, chỉ là Rejoice thôi mà” là khá phản cảm và hoàn toàn không hợp với văn hóa ứng xử của người Việt. Rất nhiều quy kết nặng nề từ phía người xem truyền hình, cho rằng quảng cáo trên “ảnh hưởng không tốt đến người xem”, “không tốt cho giáo dục ứng xử trẻ con”, thậm chí là “thiếu văn hóa”… Để trả lời cho phản ứng này của công chúng, động thái của cựu hoa hậu và Rejoice là… đổ lỗi.
Mai Phương Thúy bị cộng đồng mạng chế trách vì clip quảng cáo cho một nhãn hiệu dầu gội |
Trong khi Mai Phương Thúy cho rằng cô đã cố gắng đưa ra ý kiến sửa kịch bản vì nhận thấy không hợp, nhưng không được đồng ý và đành phải chấp nhận vì sợ bồi thường hợp đồng thì đại diện nhãn hàng lại cho rằng “không hề nhận phản hồi từ phía Thúy và thường hợp tác với các đại diện thương hiệu hết sức chứ không có tính chất áp đặt như Thúy nói”…
Tương tự, mì Omachi đã từng làm những clip quảng cáo mời các “sao” như cặp đôi Tăng Thanh Hà- Lương Mạnh Hải, hay ca sĩ Mỹ Linh diễn và phát ngôn sản phẩm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh ý “sợi mì làm từ khoai tây không lo bị nóng”, đây cũng là “slogan về chất lượng” mà Omachi mong muốn xây dựng trong lòng người tiêu dùng.
Tuy nhiên, gần đây người ta phát hiện ra, thực chất trên bao bì thành phần khoai tây chỉ chiếm… 1%, và cho dù toàn bộ thành phần sợi mì là khoai tây đi nữa thì… vẫn nóng như thường, vì đó là đặc tính của khoai tây. Tiến Vua thì quảng cáo mì sợi vàng “không vàng sậm có chất gây ung thư như các loại mì khác” có sự tham gia của diễn viên Thanh Mai… Tuy nhiên, dù sự cố quảng cáo có xảy ra, thì hầu hết các “sao” đều đứng ngoài, vì phần trách nhiệm “không đến lượt họ”.
Người tiêu dùng cần sự… sòng phẳng
Về trường hợp quảng cáo phản cảm của Mai Phương Thúy, trên một diễn đàn về tiêu dùng, các thành viên đã có rất nhiều phản hồi về vấn đề này. Theo người tiêu dùng, chuyện giữa Mai Phương Thúy và nhãn hàng là chuyện riêng giữa hai bên, chưa nói đến chuyện ai là người có lỗi, nhưng một khi sự cố đã xảy ra ảnh hưởng không hay đến tâm lý công chúng, thì Mai Phương Thúy, với tư cách là một cựu hoa hậu, “người của công chúng”, lại là vai chính trong clip, nên nhận phần lỗi của mình.
Tương tự như vậy, với trường hợp mì gói có thành phần khác xa so với quảng cáo, rồi hàng loạt sự cố trước đó như nước uống giải khát được quảng cáo là thanh nhiệt nhưng nguyên liệu lại… quá hạn sử dụng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng, rồi mỹ phẩm quảng cáo trắng da nhưng tác dụng ngược, gây dị ứng… rất nhiều người tiêu dùng đã yêu cầu trên các diễn đàn, rằng các “sao” phải có một phần trách nhiệm với tư cách người đại diện sản phẩm, dùng hình ảnh và uy tín của mình để góp phần khiến người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm.
Công bằng mà nói, đòi hỏi này của người tiêu dùng Việt Nam không hề vô lý, dựa trên thực tế là tâm lý tiêu dùng của người Việt theo khảo sát là khá tin theo quảng cáo, nhất là quảng cáo có người nổi tiếng đứng ra “bảo đảm về mặt chất lượng”. Một điều quan trọng khác mà ai cũng biết, nguồn thu từ quảng cáo của sao là rất lớn, thậm chí, đối với nhiều sao, đó còn là thu nhập chính của họ (theo tiết lộ của nhiều nhãn hàng, kinh phí để mời một “sao” tham gia một clip quảng cáo ngắn dao động từ 500-1000 USD), thì song song với việc nhận tiền, trách nhiệm của sao không thể không có.
Luật Việt Nam chưa quy định rõ về trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo sản phẩm mà sau đó phát hiện sản phẩm gian dối, kém chất lượng như nhiều nước khác. Người tiêu dùng đòi hỏi ở họ trách nhiệm với hình ảnh, uy tín của mình, trách nhiệm đối với công chúng khi tham gia quảng cáo sản phẩm sự cẩn trọng, kĩ lưỡng khi xem xét chất lượng sản phẩm trước khi nhận lời đại diện cho sản phẩm.
Đồng thời, họ nên biết nhận trách nhiệm, nhận lỗi khi có sự cố xảy ra liên quan đến sản phẩm do mình quảng cáo. Một khi các sao làm được điều này, chính là góp phần giữ gìn hình ảnh của mình trong mát công chúng, đem lại lòng tin cho những nhãn hàng có họ làm đại diện, và trên hết là “sòng phẳng” với người tiêu dùng trong một cuộc chơi “dám làm dám chịu”.
Ngọc Mai