Người phụ nữ gửi bài viết dưới đây cho Câu chuyện cuối tuần đã từng nhiều lần gào lên: “Sao tôi chịu nổi nỗi đau này?” trong đám tang chồng. Thủa ấy, họ đã bước qua rào cản luân lý để làm theo tiếng gọi con tim nhưng rốt cuộc, chồng bà đã lén làm trái lời ước hẹn...
Tôi và anh ấy là người cùng quê. Nơi hai chúng tôi sinh thành và lớn lên là một miền quê yên ả ven con sông Hồng quanh năm ngầu đỏ phù sa. Chơi với nhau từ tấm bé, chung chiếc lá sen đội đầu đi học trường làng, chẳng biết từ khi nào con tim của cả hai chúng tôi đã cùng đập nhịp yêu. Ngày cả hai cùng tốt nghiệp đại học là ngày vui nhất của chúng tôi vì từ đây hai đứa đã thực sự trưởng thành để có thể tự lực chung tay xây dựng tổ ấm sau bao năm tháng chờ đợi và giữ gìn cho nhau. Thế nhưng, tin dữ như tiếng sét giữa trời quang. Cụ trưởng họ kiên quyết: “Hai đứa không được phép lấy nhau vì có họ!”.
Chiều hôm nghe tin, nếu như anh không đến kịp thì giờ có lẽ thân xác tôi đã hòa trong dòng nước sông Hồng. Tôi đau buồn và quẫn trí đến phát điên, nằm ốm liệt giường mê man. Khi tỉnh dậy, tôi thấy anh ngồi bên tự lúc nào. Thân thể anh gầy tóp, trên mặt anh chỉ còn mỗi đôi mắt nổi lên giữa hai quầng đen. Anh ôm lấy tôi thủ thỉ: “Anh nghĩ kỹ rồi em ạ. Chúng mình sẽ lên thành phố làm việc và lấy nhau. Nhưng anh sẽ đi triệt sản để khỏi mang họa cho đời sau”. Nói xong anh ôm mặt khóc rưng rức, những giọt nước mắt đau khổ cùng cực của người đàn ông. Đứng ở ngưỡng cửa, trên tay bát cháo nóng cho con gái, mẹ tôi cũng nước mắt tuôn rơi.
Cuộc sống của chúng tôi rồi đã diễn ra đúng như mong muốn của anh. Không con cái nhưng tình yêu của chúng tôi chưa bao giờ sứt mẻ vì cái giá phải trả cho cuộc tình ấy đã là quá đắt. Cũng đôi lần anh nhìn thẳng vào mắt tôi và bảo: “Em à, em có quyền làm mẹ. Hãy bỏ anh đi để giữ lấy cái quyền thiêng liêng đó”. Nhưng tôi luôn khẳng định với anh rằng trên đời này tôi chỉ yêu có mình anh và chỉ cần được sống bên anh là đã quá đủ. Bù lại, ngoài giờ làm, chúng tôi chọn làm thêm những công việc gắn bó với trẻ con. Anh dạy vẽ, tôi dạy nhạc ở nhà văn hóa thiếu nhi. Tiếng đùa vui của con trẻ làm khuây khỏa nỗi buồn và cuộc sống cứ thế trôi đi.
Năm cả hai cùng bước vào tuổi 49 thì chúng tôi nhận được lời nhắn từ cụ trưởng họ: “Về quê gấp, có việc!”. Vừa bước vào sân nhà cụ trưởng họ, chúng tôi đã thấy cụ lập cập ra đón. Ngồi chưa ấm chỗ, cụ đã chắp tay xá hai vợ chồng một xá và nói luôn: “Cho ông xin lỗi. Ông có lỗi với hai đứa nhiều lắm. Mới đây xem kỹ lại gia phả, ông mới biết hai đứa không hề có họ với nhau vì thằng Q (tên chồng tôi) là con nuôi ông bà nhà ấy. Lỗi của ông lớn quá. Ông xin lỗi”. Cả tôi với anh sau phút giây không tin vào tai mình đã ôm nhau khóc ròng. Cuộc đời ơi, sao đớn đau thế này!
Trở về nhà từ hôm đó, anh dường như có điều gì vướng bận, nghĩ suy. Đôi lúc tôi lại thấy anh thở dài, ngồi thẫn thờ. Con tim tôi cũng đau khổ không kém vì ở tuổi này, tôi không thể sinh nở được nữa để có một đứa con với anh. Nhưng rồi tôi lại tự an ủi mình: “Thôi thì sự đã rồi, buồn đau cũng chẳng lấy lại được nữa, dù sao mình cũng đã hạnh phúc vì được lấy người yêu thương”. Thấm thoắt chúng tôi đã trở thành đôi vợ chồng già. Rồi, anh lìa bỏ tôi vào năm 65 tuổi vì căn bệnh tim, kết quả của những tháng ngày dằn vặt, khổ đau...
*
Vào cái đêm trước ngày đưa tang anh, khi bạn bè và họ hàng đã ra về hết, chỉ còn mình tôi trong căn nhà vắng lặng thì có tiếng chuông cửa. Đứng ngoài cửa trong cơn gió mùa đông bắc tái tê là hai mẹ con. Người đàn bà cỡ tầm mới ngoài 40 tuổi có vẻ ngoài khắc khổ, còn bé trai khoảng 13 hay 14 gì đó. Tưởng là bạn cùng làm với anh, tôi mời họ vào nhà. Ngồi đối diện với tôi, đôi tay người đàn bà ấy cứ mải mân mê chiếc khăn tay. Mấy lần chị ngẩng lên nhìn tôi định nói rồi nghĩ sao lại thôi. “Chị làm cùng với chồng tôi à? Sao chị không đợi mai đến nhà tang lễ, chứ đêm hôm rét mướt đi làm gì cho khổ?” - tôi mở lời. “Không, em chỉ là người quen của anh ấy. Em đến đây, đưa cháu đến đây để cháu được thắp hương cho cha và nhận mẹ cả” - chị nói một mạch như sợ ngừng lại thì sẽ không dám nói nữa.
Rồi trong tiếng gió màu đông bắt rít gầm gào ngoài cửa sổ, câu chuyện của người đàn bà từng chút, từng chút một đã rút cạn sức lực, sự chịu đựng cuối cùng trong tôi. Hóa ra sau cái ngày biết được chúng tôi không có họ hàng với nhau, trong anh đã nảy sinh khao khát muốn hai vợ chồng có đứa con để có niềm vui và chỗ dựa tuổi già. Nhưng anh biết tôi đã mãn kinh không còn khả năng sinh nở nên không dám nói chuyện đó, sợ tôi buồn.
Biết mình rồi sẽ ra đi sớm vì căn bệnh tim, anh tìm đến với người phụ nữ lỡ thời vốn là chủ một cửa hàng bán dụng cụ mỹ thuật, màu vẽ mà anh vẫn thường hay mua. Anh kể hết câu chuyện với cô ấy, và xin cô cho mình một đứa con. Thương hoàn cảnh anh, cộng với khao khát có con, cô ta đã đồng ý và còn hứa với anh khi nào anh ra đi, sẽ đưa con đến thắp hương cho cha và nhận mẹ cả để có chỗ đi lại, chăm sóc về sau.
“Nhưng chồng tôi đã không còn khả năng làm bố cơ mà” - trong nỗi đau vô bờ bến, tôi nghe thấy giọng mình hỏi người phụ nữ. “Không chị ạ, anh ấy vẫn hy vọng sẽ có một ngày anh chị có thể có con với nhau nên đã đề nghị bác sĩ đừng dùng thủ thuật vĩnh viễn. Thế nhưng tiếc rằng ngày ấy đến quá muộn...”. Trời ơi, thế hóa ra bao nhiêu năm nay tôi mới chính là người bị lừa dối! Chẳng lẽ anh không biết rằng trên cuộc đời này tôi chỉ cần có anh, mình anh là đủ. Trái tim nhỏ bé của tôi đã hai lần đứng vững khi nhận tin sét đánh từ ông trưởng họ cũng vì tình yêu dành cho anh. Nhưng sao tôi có thể vượt qua được nỗi đau này, sự lừa dối này, dù biết rằng anh đã lừa dối vì... quá yêu tôi?
Hãy coi tâm nguyện của chồng như một niềm an ủi
Trao đổi với Câu chuyện cuối tuần, một chuyên gia tâm lý khuyên rằng bà Vân nên cố gắng vượt qua, dù đồng ý rằng để vượt qua nỗi đau bị lừa dối trong tình cảm, dù rằng lừa dối vì mục tiêu tốt đẹp đi nữa cũng là rất khó khăn. Theo chuyên gia tâm lý, bà Vân hãy lấy tâm nguyện cuối cùng của chồng như một niềm an ủi để có động lực sống tiếp. Tuy nhiên, đấy chỉ là mặt tình và cũng cần lưu ý về mặt lý, vì một khi đứa bé là con riêng của chồng bà Vân, có giấy khai sinh đầy đủ tên bố (tức là chồng bà Vân) đàng hoàng thì vấn đề tài sản thừa kế sẽ theo như luật định. Dù rằng có thể người phụ nữ kia và đứa bé không đòi hỏi gì về tài sản, nhưng có được một sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý vẫn sẽ tốt hơn cho bà Vân, trong trường hợp phải đối mặt với những diễn biến về sau. |
Trần Thị Vân