Mùa xuân, khi đất trời giao hòa, cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, lòng người hân hoan cũng là lúc nhiều lễ hội văn hóa trên địa bàn thành phố tưng bừng vào hội. Không hoành tráng và kéo dài thời gian như các lễ hội lớn trên cả nước, nhưng mỗi lễ hội trên địa bàn thành phố có một cách làm khác nhau, tạo nên một bản hợp ca rộn ràng ngay từ những ngày đầu xuân.
Lễ hội Cầu ngư làng Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). |
Hằng năm, cứ đến mồng 9 tháng giêng Âm lịch, Lễ hội truyền thống đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) bắt đầu khai mạc, mở đầu cho mùa lễ hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Làng cổ Túy Loan có hơn 500 tuổi, do 5 vị tiền hiền các họ Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê tuân chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương Nam dừng chân chọn nơi đây để lập nghiệp. Đình được xây dựng năm Thành Thái thứ nhất (1889), thờ thành hoàng bổn xứ và các vị tiền hiền, hậu hiền của làng. Hiện đình vẫn còn lưu giữ 5 sắc phong của triều Nguyễn ban.
Đình được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Nằm ở vị trí thuận lợi, có cây đa, bến nước, sân đình và ít bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, nên lễ hội đình làng Túy Loan được tổ chức hằng năm luôn tạo nên một sắc thái riêng mà không nơi nào có được. Ông Đặng Khôi, Trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan cho biết, về phần lễ thì cơ bản các lễ hội gần giống nhau, nhưng phần hội mới tạo nên một sắc thái riêng, phụ thuộc vào từng điều kiện ở mỗi địa phương mà tổ chức. Điểm riêng biệt đó ở làng Túy Loan là hội đua thuyền truyền thống và nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như nướng bánh tráng, gói bánh tét, vật tay, leo chuối, bắt vịt, cày ruộng, thả hoa đăng trên sông.
Khi lễ hội đình làng Túy Loan khép lại, cũng là lúc dân làng Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) hân hoan vào hội. Có thể nói, ở các lễ hội đình làng trên địa bàn thành phố, lễ hội đình làng Hòa Mỹ luôn dẫn đầu về quy mô tổ chức nhờ tinh thần đoàn kết của nhân dân trong làng. Đến đình làng Hòa Mỹ vào những ngày đầu xuân, đi trên con đường Nguyễn Huy Tưởng dài và rộng với hàng nghìn cờ, phướn, pa-nô, khẩu hiệu chào đón xuân mới và lễ hội.
Ông Nguyễn Nghĩa, Trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng Hòa Mỹ cho biết, lễ hội truyền thống của đình làng diễn ra trong các ngày 11, 12 và 13 tháng giêng Âm lịch, tuy nhiên, trước Tết Nguyên đán hằng năm, nhân dân trong làng đã tự nguyện tô điểm từ những con đường đến từng góc phố, tạo nên một diện mạo mới để đón một mùa xuân trọn vẹn và một lễ hội hoành tráng nhưng không xa hoa, lãng phí.
Thi nướng bánh tráng tại lễ hội đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang). |
Điểm nổi bật nhất ở hội làng Hòa Mỹ là nội dung truyền thống và hiện đại đan quyện vào nhau, tạo nên nét rất riêng cho lễ hội. Mở đầu phần hội bao giờ cũng là giải chạy việt dã truyền thống, thu hút đông đảo nông dân, thanh-thiếu niên, nam nữ học sinh tham gia. Trong khi người trẻ tuổi thi cắm hoa, thi làm bánh thì người cao tuổi biểu diễn thể dục dưỡng sinh, vui chơi bài chòi, hội diễn văn nghệ… Những năm gần đây, lễ hội đình làng Hòa Mỹ đã phát huy tốt vai trò các tộc họ tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Lễ hội hằng năm cũng là dịp các tổ dân phố, các gia tộc, các đoàn thể ngồi lại bên nhau trong buổi sinh hoạt giao lưu văn hóa, trao đổi những kinh nghiệm về nếp sống đẹp trong đời thường để cùng giúp nhau tiến bộ.
Tiếp nối lễ hội đình làng Hòa Mỹ là lễ hội đình làng Hòa Phú, đình làng Trung Nghĩa, đình làng Hòa An, lễ hội Cầu ngư… kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Trong đó, tiêu biểu và đặc sắc nhất là lễ hội Cầu ngư. Đã từ bao đời nay, lễ hội Cá Ông (còn được gọi là lễ tế Cá Voi) là lễ hội lớn nhất của ngư dân thành phố Đà Nẵng. Thờ phượng Cá Ông ở đây không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng cá. “Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả.
Hằng năm, sau khi ăn Tết xong, ngư dân tổ chức lễ tế Cá Ông lồng ghép dưới hình thức lễ hội Cầu ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam. Năm nay, lễ hội Cầu ngư lần lượt được tổ chức ở những vùng ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp...
Theo thông lệ, mở đầu cho ngày hội văn hóa miền biển ở Đà Nẵng là phần nghi lễ cầu rước ngư ông. Giữa nhịp chiêng trống khoan nhặt, khói hương nghi ngút, ngư dân miền biển và nhiều khách du lịch thập phương cùng chứng kiến nghi lễ rước ngư ông. Thông qua nghi lễ, người xem có những giây phút lắng lòng trong những lời cầu tế của điệu hát bã trạo. Không chỉ vậy, cảm giác giao hòa với thiên nhiên, sự giao thoa giữa trời, người và biển cũng dậy lên trong lòng mỗi người, góp phần tạo nên những ngày lễ hội rộn ràng cho một mùa xuân mới.
Bài và ảnh: VĂN NỞ