Theo chia sẻ của bệnh nhân, khi đánh răng chuẩn bị đi ngủ thì chiếc răng giả rơi ra làm bệnh nhân sặc. Sau khi bình tĩnh lại, không tìm thấy chiếc răng đâu nên bệnh nhân này đến một phòng khám gần nhà nội soi tiêu hoá nhưng vẫn không phát hiện dị vật.
Hôm sau, bệnh nhân đau tức ngực nên được đưa vào Bệnh viện Tai Mũi Họng khám lại. Qua khai thác bệnh sử và chỉ định chẩn đoán hình ảnh về tiêu hoá, bệnh nhân tiếp tục được chụp Scan ngực. Hình ảnh cho thấy dị vật kích thước khoảng 12mm ở phổi phải của bệnh nhân.
Theo đó, TS.BS Lê Trần Quang Minh – Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết, dị vật đường thở thường gặp nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi, còn với người lớn chỉ chiếm 5-6%.
Trường hợp răng giả sặc vào phổi rất hiếm bởi thông thường răng giả hay rớt vào đường tiêu hóa vì vậy, nếu không xét nghiệm kỹ, bác sĩ rất dễ bỏ qua đường hô hấp, ẩn chứa nhiều nguy cơ. Chưa kể đến chiếc răng giả có nhiều cạnh sắc nhọn dễ gây tổn thương phổi nếu để lâu sẽ nhiễm trùng, chảy máu, gây nhiều biến chứng như viêm phổi… rất phức tạp. Thậm chí, nếu là loại răng lớn, mắc kẹt ở khí quản, tắc đường thở sẽ dẫn đến tử vong.
ThS.BS Nguyễn Thanh Tùng (Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM) cho biết thêm, bệnh nhân nhanh chóng được phẫu thuật nội soi và lấy ra được chiếc răng bọc sứ, có 3 móc sắt nằm ở vị trí thùy dưới phổi.
May mắn, các móc sắt không gây tổn thương niêm mạc, ít phù nề, chảy máu. Sau khi lấy dị vật ra ngoài, người bệnh hết khó thở, không còn nghe tiếng rít khi thở.
Trải qua cuộc phẫu thuật, bệnh nhân chia sẻ, hơn 2 năm trước chị có làm răng cửa bọc sứ. Theo thời gian, chiếc răng này hay bị lung lay và chị nhiều lần phải đi dán lại răng. Không ngờ trong lúc súc miệng, chiếc răng văng ra và bị sặc vào phổi.
Vì vậy, theo lời khuyên của của bác sĩ, nếu răng giả bị hư, gãy móc, người bệnh nên đi làm lại để bác sĩ có phương án hỗ trợ tốt hơn. Trường hợp làm một răng giả, nên khoan, cố định răng vào xương hàm sẽ an toàn hơn.