Theo lời kể của gia đình, trưa 10/6, nữ sinh N.T.M.T. (13 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) bị người nhà la mắng, sau đó em đã uống thuốc Amitriptilyn 25 mg (có tác dụng điều trị bệnh trầm cảm) không rõ loại.
Sau hơn 2 giờ, bé bắt đầu than mệt, đau tức ngực rồi ngất. Gia đình lập tức đưa em cấp cứu tại bệnh viện ở Gò Công, sau đó tiếp tục chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.
Tại đây, các bác sĩ xử trí cấp cứu ban đầu, rửa dạ dày, than hoạt, truyền dịch, sau đó tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Theo BS Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố HCM, bé T. nhập viện trong tình trạng hôn mê, nồng độ oxy máu (SpO2) còn 87%.
"Ngay sau đó trẻ được các bác sĩ đặt nội khí quản thở máy, chống phù não, than hoạt, kiềm hóa nước tiểu. Chẩn đoán ban đầu cho thấy bé bị ngộ độc thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Hiện tại, sinh hiệu bé tạm ổn, thở máy thông số thấp", BS Vũ nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, thuốc chống trầm cảm 3 vòng bao gồm Amine thế hệ 1: Amitriptyline (Redomex), Amine thế hệ 2: Notriptyline (Nortrilen), Amine thế hệ 3: Doxepin (Sinequan).
Khi uống thuốc này quá liều, người bệnh có biểu hiện ngộ độc thông qua rối loạn tri giác, lừ đừ, buồn ngủ, ảo giác, hôn mê, co giật, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thất, khô miệng, đỏ da, co giật, sốt, giãn đồng tử, tụt huyết áp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Trước đó, Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đã tiếp nhận em T. N.Q.N 15 tuổi, nữ ngụ tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh nhập viện trong tình trạng li bì, lơ mơ. Khai thác bệnh sử ghi nhận em bị mẹ rầy la vì ham chơi không lo học nên em uống 28 viên thuốc chống trầm cảm amitryptyline hàm lượng 25mg. Sau đó em có biểu hiện lơ mơ, nói sảng, đỏ mặt, người nhà phát hiện, lập tức đưa em đến một bệnh viện tư, sơ cứu sau đó chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.