“Tôi yêu mẹ nhất trên đời. Khi trưởng thành, tôi luôn mong ước mẹ sớm tìm được một người đàn ông tốt để bầu bạn tuổi già. Nhưng không ngờ, người đàn ông ấy lại là bố chồng tôi...” - những lời tâm sự của chị Nguyễn Tâm Đan dưới đây chứng minh một điều rằng ở đời mấy khi mọi chuyện được như mình nghĩ, nhất là chuyện tình cảm...
Băng tan. Ảnh MH |
1.Ngay từ khi chào đời, tôi đã mất bố trong một tai nạn giao thông khi bố từ nơi công tác cách nhà 100 km phóng xe về nhà đón mừng con ra đời. Nghe tin dữ, mẹ tôi chỉ muốn ra đi cùng bố nhưng ngoảnh lại thấy cô con gái còn đỏ hỏn đang cựa quậy đòi ăn, mẹ gắng gượng tiếp tục cuộc sống. Đối với mẹ, đời bà chẳng còn gì quý giá ngoài tôi.
Tôi lên 3 tuổi thì bác sĩ bảo phải tiến hành ngay ca mổ bởi tình trạng bệnh tim bẩm sinh của tôi rất tồi tệ. Bác sĩ cũng lưu ý là số tiền phẫu thuật là rất lớn và tai biến trong quá trình phẫu thuật rất có thể xảy ra. Mẹ tôi nước mắt lưng tròng vì lo mệnh hệ của con và lo số tiền khổng lồ ấy kiếm đâu ra. Không để mất con, mẹ tôi quyết tâm bán ngôi nhà đong đầy kỷ niệm của bố mẹ để chữa chạy cho tôi. Sau 6 tiếng phẫu thuật, trái tim tôi đã lành lặn. Mẹ ôm tôi vào lòng, hạnh phúc mà nước mắt tuôn rơi...
Ngày tôi xuất viện đồng nghĩa với việc hai mẹ con xách va li ra khỏi ngôi nhà yêu dấu, dắt díu đi tìm nhà để thuê. Tiền thuê nhà, tiền chi phí cuộc sống là tảng đá lớn đè nặng đôi vai gầy của mẹ. Tôi thương mẹ thật nhiều nên quyết tâm học giỏi để mẹ vui lòng. Trong khi các bạn đi chơi với quần áo đẹp, đồ chơi mới thì tôi - đứa con gái 7 tuổi - lại cặm cụi giúp mẹ bán hàng và chăm chỉ học bài. Với tôi, đó là sự hạnh phúc mà quần áo đẹp, đồ chơi mới nào không thay thế được.
2. Thời gian thấm thoắt, tôi đỗ trường Đại học Ngoại thương rồi khi ra trường lại xin vào làm việc một cơ quan nhà nước. Sau đó, 25 tuổi, tôi tính chuyện lập gia đình. Ngày tôi vu quy, mẹ tôi rất đỗi hạnh phúc khi con tìm được bến bờ để neo đậu. Mẹ khóc vì hạnh phúc của tôi nhưng tôi lại khóc vì rất đỗi thương mẹ. Tôi sẽ được làm dâu tại gia đình khá giả, ở biệt thự, còn mẹ tôi vẫn phải lọ mọ với căn phòng trọ tồi tàn rộng chưa đầy 15m2. Nghĩ tới vậy, lồng ngực của tôi muốn nghẹn lại.
Bố mẹ chồng và chồng tôi đều làm việc tại cơ quan ngoại giao. Gia đình chồng có học, kinh tế lại vững vàng. Tuy gia đình tôi nghèo khó nhưng gia đình chồng không hề coi thường mà trái lại càng yêu quý và cảm thông. Ngày tôi chuẩn bị sinh con, mẹ chồng tôi đến bên nhẹ nhàng nói: “Mẹ hay phải đi công tác, nhà mình neo người, nếu con đồng ý, mai bố mẹ sẽ sang nhà đón mẹ con sang đây ở với nhà mình chăm con, chăm cháu giúp mẹ”. Khỏi phải nói, tôi đã mừng đến cỡ nào.
Ban đầu, mẹ tôi không muốn ở nhà thông gia vì ngại nhưng rồi vì muốn chăm sóc con, cháu nên mẹ tôi gật đầu đồng ý. Mẹ chồng sắp xếp cho mẹ tôi một phòng riêng rất tươm tất ở ngay cạnh phòng vợ chồng tôi. Được gần mẹ, tôi cảm thấy hạnh phúc. Có lẽ vậy, nên cuộc sinh nở của tôi diễn trơn tru. Thằng bé sinh ra trong tiếng reo hò, hoan hỉ của ông bà nội, ngoại.
Từ ngày dọn sang đây ở với sự nhanh nhẹn, khéo léo của mẹ tôi, việc nhà và chăm cháu thật tươm tất. Mẹ chồng tôi, đi công tác về, thấy nhà cửa tinh tươm, cháu lại thơm tho, chóng lớn nên rất hài lòng và càng quý mến bà thông gia hơn. Cứ mỗi lần đi công tác, mẹ chồng tôi lại mua quà: Khi thì chiếc áo, lúc lại cái khăn... tặng mẹ tôi. Hai bà thông gia tình cảm ngày càng thắm thiết và nhận nhau làm chị em. Vì kém 2 tuổi nên mẹ tôi làm em. Có mẹ tôi trong nhà, mẹ chồng tôi rất yên tâm để tham gia vào những chuyến công tác dài ngày.
Sự việc nếu dừng ở đó thì tôi quả là đứa con hạnh phúc nhất trên đời. Thế nhưng...
3. Mẹ tôi một thời gian không phải đi bán hàng vất vả, lại được gần con cháu nên đỏ da thắm thịt hơn. Hồi xưa, vì hoàn cảnh nên mẹ không được học nhiều, tuy vậy trong người mẹ luôn chứa chan những cảm xúc với bài thơ, câu tục ngữ hay. Mẹ thường đọc thơ, hát ru cháu ngủ. Đẹp người, có tâm hồn văn chương lại khéo léo, không biết từ bao giờ, mẹ tôi đã thu hút ánh mắt của bố chồng. Vì vô tư nên tôi không để ý điều đó. Cho đến một ngày, tôi đi làm nhưng để quên điện thoại đã trở về nhà lấy, vô tình bắt gặp mẹ tôi đang dựa vào vai bố chồng tôi cùng bình thơ.
Trời đất như sụp xuống chân tôi. Bố chồng và mẹ nhìn tôi bối rối. Tôi sững người giây lát rồi chạy vào phòng như để trốn tránh hiện tại. Tôi chẳng còn tâm trí đâu để tiếp tục đi làm, nằm bẹp trong phòng với suy nghĩ rối bời. Mẹ gõ cửa phòng và đến bên tôi. Nước mắt mẹ lăn dài trên gò má. Mẹ bắt đầu tâm sự...
Thì ra tình cảm giữa mẹ tôi và bố chồng tôi bắt đầu nảy nở cách đây 2 tháng. Ban đầu, mẹ chỉ nghĩ đó chỉ là tình thông gia khi bố chồng luôn đứng từ xa nhìn mẹ và hỏi han mẹ mỗi ngày. Nhưng rồi, con tim băng giá của mẹ bấy lâu đã bị nóng chảy khi bên cạnh mình là một người đàn ông rất đỗi tình cảm, chu đáo, tốt bụng.
Không phải bố chồng không còn yêu vợ hay là người đàn ông bội bạc. Ông vẫn yêu mẹ chồng tôi nhưng cũng rất đồng cảm, yêu thương mẹ của tôi. Nhất là khi biết chuyện vì tôi, mẹ phải bán nhà, từ bỏ tuổi trẻ của mình, bố chồng tôi lại càng thương mẹ. Bây giờ tôi mới hiểu, vì sao, cách đây gần 2 tháng, mẹ đề nghị tôi tìm người giúp việc, không muốn ở lại nhà thông gia. Nghe vậy, tôi lại ngỡ mình chăm sóc mẹ không khéo để mẹ phật lòng nên đã cố níu mẹ ở lại.
Gạt nước mắt, mẹ lại cho tôi biết một sự thật mà tôi thấy khó xử. Vì quá thương hoàn cảnh của mẹ, bố chồng tôi đã bỏ tiền riêng (bố mẹ chồng tôi đều có quỹ riêng) 1,5 tỷ đồng mua cho mẹ tôi căn nhà đứng tên của mẹ. Tất nhiên, với lòng tự trọng, mẹ tôi không đồng ý. Nhưng bố chồng tôi nói nếu không nhận, ông ấy sẽ bỏ nhà đi và sẽ không gặp lại gia đình. Biết tính bố chồng tôi nói là làm, mẹ tôi quá hoảng hốt và cầu cứu con gái giải quyết...
Nên hãy để “luật đời” lên tiếng Bất cứ người nào rơi vào tình cảnh như của chị Tâm Đan cũng sẽ rất hoảng hốt và hoang mang vì nhiều lẽ bởi “người trong cuộc” đều là những người bậc trên và rất mực được tôn trọng, kính yêu; và với hiểu biết của một người được học hành chị Tâm Đan hiểu rằng tình yêu của mẹ đẻ chị với bố chồng là vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình… Thế nhưng, ở đời có những lúc nên hãy để “luật đời” lên tiếng. Bố chồng chị Tâm Đan và mẹ đẻ chị đều là những người hiểu đời, có lòng tự trọng và yêu thương con cái nên chắc chắn khi biết con dâu, con gái mình đang đau khổ vì mình như vậy, tự họ sẽ có cách giải quyết và ứng xử phù hợp. Chị Tâm Đan nên xử sự khéo léo và đừng làm lớn chuyện này kẻo sứt mẻ tình cảm của rất nhiều bên như gia đình nhà chồng, quan hệ thông gia và đôi khi cả hạnh phúc của chính vợ chồng chị. Còn chuyện ngôi nhà, chị Tâm Đan và mẹ đẻ chị nên có cuộc nói chuyện nghiêm túc với bố chồng chị Tâm Đan và từ chối. Vì đây không phải là đơn giản chuyện vật chất, tiền bạc nữa mà nó đã chứa đựng trong đó tình cảm của người tặng và lòng tự trọng của người nhận. Hơn nữa, người đời đã nói, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, nếu “món quà” được chấp nhận thì một ngày nào đó, khi mẹ chồng chị Tâm Đan biết được, sự thể lúc đó hẳn sẽ rất khó lường Thanh Tâm |
Thùy Dương (ghi)