Đa số các vụ tai nạn lao động xảy ra, gây thương vong hoặc thiệt hại tài sản thì lúc đó thanh tra mới “nhập cuộc”. Việc thanh tra phát hiện sai phạm trước đó dường như bị bỏ ngỏ. Khi thành phố cấp giấy phép cho các doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá nói riêng và doanh nghiệp sản xuất nói chung, Phòng an toàn lao động, thanh tra lao động hầu như không được thẩm định về công tác bảo đảm an toàn khi đơn vị đi vào hoạt động.
Mặt khác do lực lượng thanh tra viên “mỏng” nên việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hạn chế. Hiện nay, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội chỉ có 7 thanh tra viên trong khi trên địa bàn thành phố có khoảng gần 20 nghìn đơn vị, doanh nghiệp. Số thanh tra viên này lại đảm trách nhiều công việc như tài chính, tổ chức, lao động, trẻ em, bình đẳng giới…Chỉ cần làm một phép tính đơn giản có thể thấy, doanh nghiệp được thanh tra lần 2 phải sau hàng chục năm. Như vậy, công tác bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động bị hai lần buông lỏng: thẩm định phương án khi doanh nghiệp xin cấp phép và thực hiện công tác quản lý, thanh tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 6 tháng năm 2010, cả nước xảy ra 2611 vụ tai nạn lao động (tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2009). Hải Phòng xảy ra 17 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 17 người thiệt mạng. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng số tổ chức, cá nhân hiện đang hoạt động khai thác khoáng sản theo 37 giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp, đang còn hiệu lực là 27 đơn vị tương ứng với 37 điểm mỏ…Năm 2010, trên địa bàn thành phố có thêm 8 giấy phép được cấp mới. |
Công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn huyện Thủy Nguyên rất cần được tăng cường, giảm sát. |
Xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm
Mặc dù số vụ tai nạn lao động có chiều hướng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, nhưng điều đáng buồn là tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động chưa được đánh giá đúng mức hoặc có biết nhưng bỏ qua vì lợi ích kinh tế. Có không ít vụ tai nạn lao động xảy ra, doanh nghiệp và nạn nhân tự thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại. Sự việc được bưng bít, bỏ qua, cơ quan chức năng không hay biết…Theo đó, quy trình sản xuất không an toàn tiếp diễn đe dọa sức khỏe, tính mạng người lao động.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động trên các công trường khai thác đá, trước mắt thanh tra lao động Trung ương, thanh tra lao động địa phương phối hợp tổ chức đợt thanh tra đột xuất, phân loại các đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động. Qua thanh tra phát hiện đơn vị, doanh nghiệp khai thác đá chưa thực hiện nghiêm các quy trình, quy chuẩn về vệ sinh, an toàn lao động phải dừng khai thác ngay để củng cố, hoàn thiện quy trình, kỹ thuật khai thác, bảo đảm an toàn mới cho sản xuất trở lại.
Về lâu dài, cơ quan an toàn lao động đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, giúp doanh nghiệp và người lao động nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm các quy định này, tránh để xảy ra tai nạn lao động, gây thiệt hại về người, tài sản cho doanh nghiệp và người lao động. Nhưng nếu chỉ tổ chức tuyên truyền và giáo dục công nhân, mà thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện thì chỉ sau một thời gian ngắn, việc chạy theo năng suất sẽ lại đưa công nhân đến chỗ vi phạm những điều đã quy định, gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Mặt khác, tình trạng buông lỏng khâu thẩm định phương án "bảo đảm an toàn" trong hồ sơ cấp phép doanh nghiệp khai thác đá cần được khẩn trương chấn chỉnh và bổ sung, hoàn thiện các giải pháp "bảo đảm an toàn" đối với các doanh nghiệp đã cấp phép và đang hoạt động. Doanh nghiệp thực hiện việc tuyển dụng nhân sự theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, yêu cầu người lao động được tuyển phải có nghề, được đào tạo, được hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động ở doanh nghiệp.
Hiện nay, việc xử lý cá nhân, tập thể vi phạm về an toàn lao động mới dừng ở mức “giơ cao đánh khẽ”. Theo Nghị định 47 quy định xử phạt hành chính về vi phạm pháp luật lao động do Chính phủ ban hành năm 2010: Người sử dụng lao động và người lao động sẽ bị phạt 30 triệu đồng nếu có những vi phạm trong sử dụng lao động và trong lao động… Với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, mức phạt này chỉ mang tính chất răn đe, còn đối với các doanh nghiệp lớn xem ra chẳng thấm vào đâu!
Mặt khác, sẽ khó thực hiện hiệu quả nghị định này do không có đủ người giám sát. Hiện, trên địa bàn thành phố có khoảng gần 20 nghìn doanh nghiệp sử dụng lao động cần bảo hộ lao động theo luật, thế nhưng mỗi năm các đơn vị chức năng chỉ kiểm tra được khoảng 300-400 doanh nghiệp. Vì vậy, ngoài các chuyên viên về an toàn lao động và lực lượng thanh tra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nên tăng thẩm quyền cho cán bộ chuyên trách lao động trực thuộc quận, huyện cũng có thể tham gia kiểm tra và xử phạt vi phạm lao động tại địa bàn huyện đó./.
Thanh Thủy