Sân chơi cho bệnh nhi trong bệnh viện (BV) là mô hình rất hữu ích, có ý nghĩa và không khó thực hiện. Tuy nhiên, không phải BV nào cũng có được mô hình này.
Niềm vui của bé, hạnh phúc của mẹ
Chỉ với một màn chiếu, một máy tính, những video phim hoạt hình, phim giáo dục dành cho thiếu nhi và cả những clip do tình nguyện viên nhóm “Chắp cánh ước mơ” (nhóm tình nguyện viên chuyên hỗ trợ các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo, BV Nhi TƯ) thực hiện cũng đủ để tạo thành một rạp chiếu phim thu nhỏ với khán giả chính là những bệnh nhi đang điều trị tại khoa Ung bướu và khoa Huyết học lâm sàng, BV Nhi TƯ và phụ huynh của các em.
Không chỉ trong những dịp lễ, Tết..., các chương trình chiếu phim, ca nhạc, thời trang, vui chơi được tổ chức thường xuyên tại BV, mang đến nụ cười, xoa dịu phần nào nỗi đau cho các bé. Nhiều cán bộ, bác sỹ ở bệnh viện hàng ngày chăm sóc, điều trị cho các em cũng góp mặt bằng những lời sẻ chia, động viên và những tiết mục văn nghệ sôi nổi, đầy ý nghĩa.
Cùng với việc tổ chức các chương trình chiếu phim, nghệ thuật, BV Nhi TƯ cũng vừa khánh thành phòng vui chơi trị liệu cho bệnh nhi. Phòng có diện tích khoảng 100m2, được trang bị điều hoà, tủ sách, tranh ảnh và nhiều đồ chơi. Đây vừa là nơi thư giãn đọc sách, vừa giúp các bệnh nhi có cơ hội làm quen, trò chuyện để các em quên đi những cơn đau, bệnh tật đang hàng ngày đang hành hạ mình...
“Những chương trình như thế có ý nghĩa nhân văn rất cao, bởi việc chữa bệnh không chỉ cần dùng thuốc mà vấn đề tâm lý, thư giãn cho bệnh nhân rất quan trọng, nhất là đối với những bệnh nhi” - TS.Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ chia sẻ.
Đại diện cho gia đình những bệnh nhi được hưởng lợi từ mô hình đầy nhân văn này, bà Phạm Thị Nguyệt (bà nội của bé Nguyễn Thị Hồng Hạnh, 5 tuổi) ở Cự Phú, Tam Đa, Phủ Cừ, Hưng Yên cho hay: Bé bị Hạnh bị ung thư gan và đã điều trị mấy tháng nay ở BV. Cháu thì bị bệnh nan y, mẹ cháu cũng vừa mới mất vì căn bệnh u não. Bố cháu vừa phải chạy tiền trị bệnh cho con, vừa phải lo tang ma cho vợ nên mình bà phải chăm sóc cháu. “Nhiều lúc tôi cũng thấy suy sụp lắm. Nhưng nhìn cháu bản thân đau đớn mà vẫn gắng gượng chơi đùa cùng các bạn, tôi cũng thấy vui lây, bao mệt mỏi tan biến hết. Cám ơn các BS, cám ơn các nhà hảo tâm đã quan tâm và hỗ trợ các bệnh nhi nan y như cháu...”, bà xúc động cho hay.
Ngoài BV Nhi TƯ, BV Thanh Nhàn cũng vừa mới khai trương phòng vui chơi dành cho bệnh nhi. Công trình chỉ rộng hơn 20m2 nhưng cũng đủ để kê nhiều đồ chơi, cầu trượt và một không gian học tập dành cho các bé. Nhìn những khuôn mặt rạng ngời đang say sưa, mải mê với những con thú, quyển truyện tranh, bức vẽ... mới cảm nhận hết được ý nghĩa thiết thực của mô hình này.
Theo bác sĩ Đặng Văn Chính, Giám đốc BV Thanh Nhàn, phòng vui chơi này có sự giúp đỡ không nhỏ của các đoàn viên thanh niên quận Hai Bà Trưng, Công ty Nesslé và tập thể cán bộ, công nhân viên BV Thanh Nhàn. Đây thực sự là một việc làm rất thiết thực và ý nghĩa. “Điều quan trọng nhất mà phòng vui chơi này mang lại, đó chính là một không gian riêng dành cho các bệnh nhi đang được điều trị ở đây. Tại đây, các em có thể chơi các trò xếp hình, đọc truyện, vẽ tranh, tập làm bác sĩ, học tập...”, ông Chính hồ hởi cho hay.
Chị Nguyễn Thùy Trang (quận Hai Bà trưng) đang chăm sóc con tại BV cho biết, con mình hễ đến cổng bệnh viện là đòi về, khi nằm đây điều trị, bé suốt ngày ủ rũ, khóc nhè nhưng khi được đến phòng vui chơi thì thay đổi hẳn. Thấy con vui đùa cùng các bạn, bố mẹ cũng vui lây. “Mẹ ơi, xem con vẽ tranh có đẹp không”, “Con tô màu này có hợp không”, “Sách này hay lắm mẹ ạ”, nghe những đứa bé hớn hở khi vui chơi ở đây, những ông bố, bà mẹ nheo mắt cười theo, dẫu trong lòng, họ đang phải đối mặt với ngàn vạn âu lo, đớn đau và thất vọng...
Hãy mở rộng vòng tay
Những góc vui chơi, những chương trình văn hóa nghệ thuật dành cho bệnh nhi ở các BV đã giúp các em tìm lại được nụ cười. Quan trọng hơn, là cho các em một cảm giác không đơn độc trên con đường chiến đấu với bệnh tật. Có được niềm hạnh phúc này là nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ rất lớn của các nhà hảo tâm cũng như ban giám đốc các BV. Nhưng hiện tại, có rất ít cơ sở y tế có được mô hình này.
Thực tế, tại các BV đã xây dựng được các khu vui chơi như thế, hoạt động nhân đạo, từ thiện (quyên góp quà, đồ chơi... ủng hộ trẻ bị bệnh tật hiểm nghèo) cũng chỉ được dấy lên vào các ngày lễ của các em như: Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6); rằm Trung Thu; Tết cổ truyền của dân tộc... Có cơ sở y tế cũng có góc riêng cho các em nhưng đồ chơi bị thì bị hỏng hóc; cầu trượt han rỉ, gẫy nát không sử dụng được... Có BV, sân chơi cho trẻ bị tận dụng làm sân chứa dụng cụ làm vệ sinh, phơi đồ của người nhà bệnh nhân...
Bên cạnh sự quan tâm của các lãnh đạo BV, để mang đến niềm vui cho những bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ và động viên của nhiều nhà hảo tâm, cộng đồng và xã hội. Tôi đã từng biết đến những cá nhân đầy lòng trắc ẩn (điển hình là chị Nguyễn Phan Quế Mai - cán bộ tư vấn của chương trình “xóa đói giảm nghèo” của một tổ chức phi Chính phủ). Chỉ trong một lần tình cờ đến thăm các bệnh nhi đang điều trị tại BV K cơ sở Tam Hiệp, chứng kiến những cảnh ngộ đáng thương của các bệnh nhi đang điều trị tại đây, chị đã quyết định thành lập một đội ngũ tình nguyện viên để chăm sóc và giúp đỡ cho các em. Và mô hình “sân chơi trong BV” đã ra đời...
Những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhi nan y tại các khoa, phòng của BV K Tam Hiệp; BV Nhi TƯ... cũng là việc làm thường xuyên của nhóm trưởng Mai và các thành viên nhóm “Chắp cánh ước mơ”, nhưng những hành động nghĩa hiệp ấy trong xã hội có được bao nhiêu. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn cộng đồng, xã hội hãy quan tâm hơn đến những số phận đáng thương này. Điều này sẽ không quá khó khăn nếu chúng ta đồng sức, đồng lòng và chung tay thực hiện.
Trà Long