Bởi theo ông Paiboon Komchaya, trong số 6.000 quan chức bị tình nghi có liên quan tới vụ bê bối thất thoát 142 tỷ baht (hơn 4 tỷ USD) từ chương trình trợ giá gạo thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, có 2.000 quan chức cấp cao (2 bộ trưởng) và 4.000 quan chức cấp triển khai chính sách.
Làm rõ trách nhiệm
Phát biểu sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Tư pháp Paiboon Komchaya cho biết, danh sách này đã được chuyển đến Phủ Thủ tướng, các Bộ Nông nghiệp, Thương mại, Tài chính và Nội vụ.
Và cơ quan chức năng đang làm rõ vai trò của từng người trong vụ thất thoát kể trên để xác định mức bồi thường cho từng cá nhân, nếu có. Ông Paiboon Komchaya còn cho biết, Bộ Nội vụ đang lập danh sách các lãnh đạo doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc này.
Tuyên bố của Đại tướng Paiboon Komchaya diễn ra sau khi Ủy ban hành chính của chính phủ quyết định tịch thu nhiều tài sản và phạt với số tiền lên tới 35,7 tỷ baht (1 tỷ USD) đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra vì làm thất thoát tiền trong kế hoạch trợ giá gạo cho nông dân.
Và bà Yingluck Shinawatra đang thông qua luật sư để chống lại quyết định kể trên. Bà Yingluck Shinawatra từng kiện Tổng chưởng lý Trakul Winitnaiyaphak và 3 công tố viên vì cho rằng, họ đã lạm dụng quyền lực trong việc xử lý vụ việc của bà.
Trong khi vụ kiện của nữ cựu Thủ tướng còn chưa kết thúc thì Ủy ban Chính sách lúa gạo lại công bố (7-11) chương trình cho vay mới để dự trữ gạo tẻ và gạo thơm nhằm trợ giúp nông dân, nên thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Bởi theo chương trình này, nông dân trồng lúa sẽ được nhận 10.500 baht (khoảng 299 USD) cho mỗi tấn gạo tẻ và 11.300 baht (khoảng 322,67 USD) cho mỗi tấn gạo thơm. Và chính trường Thái Lan lại “dậy sóng” vì giá gạo.
Vì quyết định của Ủy ban Chính sách lúa gạo diễn ra sau khi bà Yingluck Shinawatra mở gian hàng bán gạo tại trung tâm mua sắm Fashion Island ở thủ đô Bangkok (5-11) để giúp đỡ nông dân miền Đông Bắc đang gặp khó khăn vì giá gạo sụt giảm.
Theo hãng Reuters, nữ cựu Thủ tướng đang đi khắp Thái Lan để thu mua gạo của những nông dân gặp khó khăn và người ta không loại trừ khả năng đây là động thái nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri đối với đảng Pheu Thai, khi cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong năm 2017.
Chính phủ đang đối mặt với nhiều sức ép sau khi giá gạo xuống thấp khiến nhiều nông dân bị thiệt hại. Và để đối phó với vấn nạn này, chính quyền đã thông qua khoản trợ cấp trị giá ít nhất 1,3 tỉ USD cho nông dân nếu họ đồng ý tích trữ sản lượng thu hoạch trong vài tháng, chờ giá gạo thế giới hồi phục.
Cựu Thủ tướng bức xúc
Vì chính quyền đang tiến hành chính sách giống như từng thực hiện khi nắm quyền, nhưng lại phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 1 tỉ USD và bản án 10 năm tù, nên bà Yingluck Shinawatra thực sự bức xúc.
Gần 1 tháng trước (25-10), Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định, sắc lệnh yêu cầu bà Yingluck Shinawatra bồi thường 1 tỷ USD vì những thất thoát do chương trình trợ giá gạo là đúng luật.
Đồng thời khẳng định, ông không phán xét chương trình trợ giá gạo đúng hay sai về mặt chính sách, nhưng do gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, nên những quan chức chủ trì phải bồi thường. Và cho đây không phải là “hành động trấn áp”. Chính vì những động thái kể trên nên cuộc chiến pháp lý của bà Yingluck Shinawatra sẽ còn tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông.
Gần 5 tháng trước (25-6), Ủy ban Hội thẩm pháp lý dân sự Thái Lan đã đề xuất mức phạt 1 tỷ USD (cao gấp 66 lần so với số tài sản 578 triệu baht mà bà Yingluck Shinawatra kê khai hồi tháng 6-2015), tương đương với 20% số tiền Thái Lan bị thiệt hại vì chương trình thu mua gạo được thực hiện trong 2 năm 2012-2013.
Những người ủng hộ bà Yingluck Shinawatra cho rằng, việc khởi tố và tịch thu tài sản của nữ cựu Thủ tướng là một phần trong kế hoạch triệt tiêu ảnh hưởng của gia đình nhà Shinawatra.