Được Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức tại Lào Cai cuối tuần qua, tham dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBND Giàng Seo Phử; Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, 30 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.
Thay đổi bộ mặt vùng dân tộc và miền núi
Báo cáo đánh giá công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kỳ 2011-2015 của UBDT tại hội nghị cho biết, hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 được xây dựng khá đồng bộ, bao phủ tất cả các lĩnh vực, địa bàn dân tộc và miền núi, được thể chế bằng các nghị định, nghị quyết của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ với 154 chính sách, thể hiện ở 243 văn bản, bao gồm cả nghị định, quyết định sửa đổi.
Kinh phí để thực hiện các chính sách dân tộc được đa dạng hóa từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách nhà nước là chủ yếu; ngoài ra còn nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và ngân sách địa phương.
Trong 5 năm qua, ngân sách nhà nước đã bố trí đầu tư 135.800 tỉ đồng (chiếm 12,8% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp nông thôn) để thực hiện các chính sách ở vùng dân tộc và miền núi. Riêng kinh phí bố trí thực hiện các chương trình, chính sách do UBDT trực tiếp quản lý là 27.144 tỉ đồng, chiếm 2,55% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Việc xây dựng chính sách, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực được công khai, minh bạch và phân cấp cho địa phương tổ chức thực hiện; đã chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng, từ cho không sang cho vay, khắc phục dần tình trạng trông chờ, ỷ lại.
Hệ thống chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình 135 giai đoạn 3 thực hiện trên địa bàn 2.331 xã, 3.059 thôn, ở 415 xã biên giới và 190 xã ATK, đã đầu tư gần 20.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện sinh hoạt, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ nông thôn), góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Đến hết năm 2015, có 80 xã đặc biệt khó khăn của 23 tỉnh và 366 thôn bản của 30 tỉnh hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế trong công tác dân tộc, đó là một số chính sách chưa phù hợp với đặc thù vùng dân tộc và miền núi cũng như yêu cầu của thực tiễn; chính sách ban hành trước và sau thiếu sự kết nối về nội dung; chính sách thường có mục tiêu lớn, thời gian thực hiện ngắn, gắn với nhiệm kỳ nên hiệu quả chưa cao. Mỗi chương trình, chính sách có cơ chế quản lý, thanh quyết toán riêng nên khó lồng ghép; thiếu cơ chế khuyến khích những địa phương, đơn vị thực hiện tốt chính sách dân tộc; sử dụng nguồn vốn đầu tư và vốn sự nghiệp chưa linh hoạt; chưa phát huy được nội lực của người dân.
Bố trí vốn cho các chính sách chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên, thiếu chủ động về kinh phí, chưa bảo đảm cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt. Đối với những chính sách do UBDT quản lý, nguồn vốn bố trí thường chỉ đáp ứng khoảng 40-60% kế hoạch. Việc huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương, từ cộng đồng còn ít.
Phân công chủ trì, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số chính sách còn chồng chéo, trùng lắp về địa bàn và đối tượng. Một số văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện chính sách chưa kịp thời hoặc chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Xây dựng chính sách dân tộc phù hợp, hiệu quả
Chỉ rõ những khó khăn trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, ông Cao Đức Phát cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển tam nông là để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, khuyến khích phát triển nông nghiệp, lựa chọn, hướng dẫn đồng bào chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Cao Huy đề nghị Nhà nước bố trí nguồn vốn kịp thời, có thêm nhiều chính sách, đặc biệt là cho vay vốn với bà con ở xã, phường, thị trấn khu vực 1 vì hiện nay ở nhiều vùng đời sống bà con hết sức khó khăn nhưng lại ít được thụ hưởng các chính sách ưu tiên của Nhà nước gây tâm lý so bì.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Kim Ngọc Thái đề nghị Trung ương quan tâm hơn, đặc biệt là ưu tiên nguồn vốn đến các vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản trong điều kiện xâm nhập mặn như hiện nay.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những thành tích trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc 5 năm qua. Chỉ rõ những bất cập, hạn chế, Phó Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác dân tộc để xây dựng chính sách dân tộc sáng tạo, phù hợp, hiệu quả; rà soát lại chính sách dân tộc, tránh trùng lặp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách mới bảo đảm hiệu quả, thiết thực trong những năm tới; tăng cường nguồn lực, bố trí tập trung, không dàn trải, công khai, minh bạch, chống tiêu cực trong việc thực hiện chính sách dân tộc; quy định cụ thể trách nhiệm với người đứng đầu trong công tác dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền vận động với bà con dân tộc thiểu số để bà con đoàn kết, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống; tăng cường hợp tác khu vực biên giới; tiếp tục xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương tới địa phương...