Hạn cuối 31/12/2020
Sau nhiều văn bản chỉ đạo, mới đây, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Chỉ thị 39/CT-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ ETC. Theo đó, Chỉ thị nêu rõ, việc triển khai hệ thống thu phí ETC được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ bắt buộc nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí; văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông; tiết kiệm chi phí xã hội.
Do vậy, Bộ GTVT phải tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án thu phí ETC bảo đảm tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông, đồng bộ, an toàn, bảo mật theo đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT quyết định tạm dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu ETC theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Công an và các lực lượng chức năng xử lý nghiêm với lái xe cố tình vi phạm pháp luật, gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí. Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà cung cấp dịch vụ thu phí; chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai gắn thẻ thu phí điện tử không dừng (thẻ đầu cuối) khi kiểm định ôtô.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản thu phí của chủ phương tiện giao thông, bảo đảm liên thông, thuận lợi, an toàn.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu các trạm thu phí BOT đã lắp đặt hệ thống ETC phải vận hành ngay việc thu phí ETC. Các trạm thu phí chưa lắp đặt hệ thống ETC thì chậm nhất đến ngày 3/12/2020 phải chuyển sang thu phí ETC. Căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, Bộ GTVT xem xét, quyết định việc duy trì mỗi trạm thu phí có 1 làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức ETC và hình thức một dừng) trên mỗi chiều lưu thông; tạm dừng việc thu phí đối với các trạm chưa thực hiện việc thu phí ETC nếu do lỗi của nhà đầu tư.
Làm gì để nhiều xe dán thẻ ETC?
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác Công – tư (Bộ GTVT), dự án ETC giai đoạn 1 với 44 trạm thu phí. Nếu không tính 3 dự án đường cao tốc của VEC chưa xác định được nguồn vốn và Thủ tướng chưa áp thời hạn hoàn thành thì coi như dự án ETC giai đoạn 1 đã xong với 40 trạm thu phí sử dụng ETC. Dự án ETC giai đoạn 2 gồm 33 trạm, đang được các đơn vị nỗ lực triển khai, phấn đầu hoàn thành trước 31/12/2020.
Theo ông Huy, việc dán thẻ đã được thực hiện 3 năm nay, nhưng vì có ít người đến dán nên Công ty TNHH thu phí tự động VETC phải dừng bố trí người thực hiện công việc này với nhiều trung tâm. Ông Huy thừa nhận hiện chưa có chế tài với chủ xe không chịu dán thẻ.
Theo ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (VIDIFI), đơn vị này đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống ETC và cho vào hoạt động hơn 2 tháng nay. Tuy nhiên, số lượng chủ xe sử dụng làn ETC là rất hạn chế.
Theo lãnh đạo VIDIFI, chủ trương ETC của Chính phủ là đúng đắn, minh bạch hóa doanh thu, chống tiêu cực; việc quản trị cũng thuận tiện hơn, giảm được nhân lực, tiền lương, lại không phải dùng tiền mặt. Tuy nhiên, để dự án thành công, ngoài sự đồng thuận của các nhà đầu tư, Bộ GTVT nên chọn hình thức thanh toán tiện dụng để người dân dễ sử dụng như dùng ví điện tử. Với cách này, số dư trong ví vừa sinh lãi, đi qua các trạm BOT vẫn trừ được tiền.
Ngoài ra nên có hình thức khuyến mại, khuyến khích, giảm giá để khuyến khích tài xế sử dụng ETC. Sau khi thực hiện những giải pháp trên mà tài xế vẫn không chịu dán thẻ ETC thì Bộ GTVT nên xây dựng thêm các chế tài đủ mạnh để xử lý như xử phạt, cấm xe lưu thông…
Hệ thống ETC tại các trạm BOT do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được chia làm 2 dự án. Dự án giai đoạn 1 có 44 trạm, gồm 26 trạm trên QL1 và QL14 và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Giai đoạn 2 của dự án có tổng số 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên QL1 và QL14 và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án do Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam với Tập đoàn Viettel là thành viên đứng đầu thực hiện.