[links()]Người ta có câu “nắng mưa là bệnh của Trời” để nói lên tính khó đoán biết của thời tiết. Nhưng không vì thế mà trách nhiệm pháp lý đối với những người làm công tác khí tượng thủy văn được giảm nhẹ nếu như họ đưa ra những dự báo sai về đường đi, cấp độ của từng cơn bão, đợt gió mùa. Bởi, đi sau những sự sai sót tưởng như rất dễ thông cảm đó là thiệt hại khôn lường về người và của.
Hình minh họa |
"Dự báo bao giờ cũng có sai số"?
Đó là lời khẳng định của ông Bùi Văn Đức - Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia - ngay sau khi có sự phản hồi của người dân về sự khác nhau giữa bản tin thời tiết và nhiệt độ ngoài trời trong đợt rét đậm kéo dài 15 ngày tại miền Bắc đầu năm 2013.
Trong đợt rét đậm này, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thống nhất với Đài Truyền hình Việt Nam về việc thông báo nhiệt độ ngoài trời khu vực Hà Nội trong Bản tin dự báo thời tiết lúc 6h15 của chương trình Chào buổi sáng mỗi ngày.
Theo đó, phụ huynh học sinh cần theo dõi thông tin về nhiệt độ ngoài trời của khu vực Hà Nội được phát tại bản tin này để làm căn cứ cho con nghỉ học khi cần thiết.
Tuy nhiên, trong những ngày rét đậm, rét hại đó, nhiều phụ huynh học sinh đã phải rất vất vả bởi nhiều ngày bản tin VTV thông báo nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C, nhưng một số trường lại đo được nhiệt độ trên 10 độ C khiến phụ huynh vô cùng khó xử khi quyết định cho con đi học hay ở nhà.
Lý giải về sự chênh lệch này ông Bùi Văn Đức cho rằng theo quy luật biến thiên của nhiệt độ không khí trong ngày, nếu không có không khí lạnh bổ sung vào ban ngày, từ sau mặt trời mọc nhiệt độ sẽ tăng dần. Vào những ngày đầy mây, âm u, nhiệt độ không khí lúc sau trưa (sau 12h) có thể cao hơn nhiệt độ không khí lúc 6h từ 1 đến 3 độ C.
Vì vậy, mọi người cảm thấy trời ấm hơn so với VTV thông báo lúc 6h15 là lẽ đương nhiên. Để ra quyết định cho học sinh nghỉ học tránh rét theo các ngưỡng nhiệt độ quy định, Nhà nước cần quy định rõ là căn cứ vào số liệu nhiệt độ không khí thực đo vào một thời gian cụ thể, hay căn cứ vào thông tin dự báo nhiệt độ không khí trong ngày. Còn nếu căn cứ vào thông tin dự báo phải chấp nhận rủi ro ở một mức độ nào đó. Bởi vì, dự báo bao giờ cũng có sai số. Nhưng ông Bùi Văn Đức cũng công nhận nếu việc dự báo không chính xác sẽ có ảnh hưởng, tác động xấu tới người dân.
Lời khẳng định của ông Bùi Văn Đức khiến người ta nhớ đến những sai sót về dự báo thời tiết đã dẫn tới những hiệu quả nghiêm trọng trong cơn bão Chanchu năm 2006, cơ bão Sơn Tinh năm 2012 và gần đây nhất là cơn bão số 8, bão đã tan trước khi vào đất liền và di chuyển đến bờ sớm hơn dự báo hơn... 1 ngày khiến các địa phương khu vực Trung Trung Bộ bị “lố” trong công tác chuẩn bị, ứng phó với bão, mọi sinh hoạt đời sống bị đảo lộn. Điều đáng nói là đây cũng là cơn bão mà chỉ có Việt Nam dự báo, không đặt tên quốc tế.
Lằng nhằng như đường đi của một cơn bão
Câu hỏi này đã hơn một lần được đặt ra khi dư luận đi tìm câu trả lời trách nhiệm cho những thiệt hại về người và của do dự báo thời tiết sai. Được biết, trong năm 2010, ngành khí tượng thủy văn đã rà soát, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực khí tượng thủy văn nhằm đưa hoạt động của ngành đi vào nền nếp, xây dựng, ban hành và trình ban hành các thông tư quy định về quy trình dự báo lũ, quy trình dự báo áp thấp nhiệt đới, bão và quyết định quy định mức nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước.
Rồi ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ; Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn giai đoạn 2010 – 2012 và ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 22.6.2010 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Đặc biệt, ngày 5/7 vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Luật Phòng, chống thiên tai (có hiệu lực từ ngày 1/5/2014) quy định rõ về việc phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trong đó quy trách nhiệm để xử lý đối với các cơ quan dự báo, cảnh báo sai.
Như vậy, có thể nói khung pháp lý đã tương đối đầy đủ nhưng dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi rằng quy trình quy trách nhiệm của việc dự báo thời tiết sai do lỗi chủ quan của con người sẽ được tiến hành như thế nào cho sát, cho chuẩn?.
Bởi, ngay tại buổi họp báo công bố luật ở Văn phòng chủ tịch nước, khi báo giới hỏi về việc cứ sau mỗi cơn bão đi qua, dư luận lại lên tiếng về nhiều dấu hiệu cho thấy dự báo thời tiết không chính xác nhưng không có "địa chỉ" chịu trách nhiệm. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho biết việc dự báo thiên tai hết sức khó khăn. Các nước cũng thường xuyên dự báo sai về thiên tai nhưng độ sai số của Việt Nam lớn và nhiều hơn.
"Thế giới có thể cập nhật diễn biến thiên tai từng giờ nhưng chúng ta phải sau vài giờ mới cập nhật được. Việc này đòi hỏi phải đầu tư thêm nhiều thiết bị, máy móc hiện đại cho cơ quan khí tượng, thủy văn thì mới dự báo chính xác” - đại diện Bộ NN-PTNT khẳng định.
Cũng theo lời của cơ quan có trách nhiệm, căn cứ theo Luật Phòng, chống thiên tai sẽ có những hình thức kỷ luật thích đáng nếu xác định được cơ quan dự báo vô trách nhiệm. Thế nhưng, muốn xác định trách nhiệm của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn thì Bộ Tài nguyên - Môi trường phải thành lập đoàn đánh giá, tổng hợp và công khai việc giải quyết kết quả.
Không nói cũng hiểu trong công tác quản lý Nhà nước đây là một quy trình tương đối rườm rà, y hệt như đường đi của một cơn bão vậy, nếu không muốn nói bản thân Luật Phòng, chống thiên tai cũng chưa có quy định cụ thể gì về việc như thế nào là dự báo sai, dự báo thiếu chính xác… Chả trách mà những hậu cơn bão Chanchu năm 2006, mọi việc chỉ dừng lại ở việc xử lý kỷ luật nội bộ, thay vì phải rõ ràng như dư luận mong đợi.
Hồng Minh