Ở nhiều nước trên thế giới, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển của nghề LS. Tại Việt Nam, từ năm 2002, Bộ Tư pháp đã ban hành bản Quy tắc mẫu về quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp LS theo Quyết định số 356b/2002/QĐ-BTP ngày 5/8/2002. Bản Quy tắc đó đã góp phần cùng với Pháp lệnh Tổ chức LS năm 2001 và Luật LS năm 2006 xây dựng giá trị chuẩn mực của nghề LS. Đây cũng là một công cụ quan trọng để các LS tự soi vào các hành vi xử sự khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, qua đó góp phần xây dựng giá trị chuẩn mực của nghề LS.
Ngày 27/2/2011, Hội đồng LS toàn quốc đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐLSTQ thông qua Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam. Đây là Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp LS đầu tiên ở Việt Nam, có kế thừa bản Quy tắc mẫu về đạo đức ứng xử nghề nghiệp LS do Bộ Tư pháp ban hành. Bộ Quy tắc này đã bao quát được hầu hết các quan hệ xã hội mà LS tham gia khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng và tham gia vào các quan hệ xã hội khác. Bộ Quy tắc gồm 27 điều, mỗi điều gồm nhiều quy tắc cụ thể trong các tình huống ứng xử của LS khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Tuy nhiên, trước sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, LS và nghề LS đang phát triển mạnh mẽ đã nảy sinh rất nhiều tình huống mà LS phải ứng xử để vừa đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của khách hàng vừa phù hợp với luật pháp và bảo đảm đạo đức nghề nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu mở rộng cơ cấu và phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý của LS để bao quát được đầy đủ hơn các lĩnh vực và các quan hệ xã hội mà LS tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật nhưng mặt khác ứng xử của LS luôn đặt trên nền tảng của đạo đức nghề nghiệp.
Trong quan hệ với khách hàng, Bộ Quy tắc đã hệ thống hóa các hoạt động của LS từ khi nhận vụ việc của khách hàng, thực hiện vụ việc của khách hàng, từ chối hay thực hiện vụ việc của khách hàng, đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý, giải quyết xung đột về lợi ích, những quy định việc LS không được làm trong quan hệ với khách hàng. Những nội dung đó là thiết thực, cần thiết với LS khi hoạt động hành nghề. Tuy vậy, những nội dung về quy tắc đạo đức trong quan hệ với khách hàng hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề phải được nghiên cứu thấu đáo hơn nữa để một mặt phục vụ khách hàng một cách tốt nhất nhưng quan trọng phải tạo được niềm tin với khách hàng, đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro nghề nghiệp.
Bộ Quy tắc đã nêu nhiều tình huống của LS trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước khác nhưng cần nghiên cứu để cụ thể hóa hơn các quan hệ đó để tạo cơ hội cho LS phối hợp với các cơ quan, mặt khác tránh được hiểu nhầm từ hai phía, đặc biệt từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang đặt ra đối với nghề LS những vấn đề trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng khi LS cung cấp dịch vụ pháp lý qua mạng, trong bối cảnh mới đó thì những quy tắc ứng xử sẽ được quy định như thế nào để theo kịp những đổi thay của thời đại. Do vậy, Bộ Quy tắc mới cần đưa ra các quy tắc mang tính dự báo cho sự phát triển nghề LS trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay cũng như bao quát rộng hơn các tình huống sẽ xảy ra trong thực tế hành nghề LS.
Bộ Quy tắc cũng cần tiếp thu những tinh hoa của quốc tế thông qua các Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS mà các Hiệp hội LS ở các nước phát triển trên thế giới đã ban hành. Một điểm quan trọng đó là tính tương thích giữa Bộ Quy tắc với pháp luật về LS và hệ thống pháp luật nói chung. Trong đó, Bộ Quy tắc bao giờ cũng giữ vai trò nền tảng. Qua đó, nhiều quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS sẽ được thể chế hóa thành pháp luật và pháp luật luôn thống nhất với đạo đức nghề nghiệp LS.