Đừng để mọi thứ đi quá xa, mất đi ở nhau lòng tôn trọng, sự tin tưởng, sẻ chia và đoàn kết, để rồi sứt mẻ cả tình thương yêu, rạn nứt hôn nhân chỉ vì mong cầu quá nhiều cho bản thân mình.
Không “thủ thân” thì thiệt thân?
Mới đây, trên một nhóm kín trên mạng xã hội, bài đăng của một người chồng đã tạo ra đề tài trang luận sôi nổi. Theo đó, anh T.A. (ngụ tại TP HCM) chia sẻ nỗi bức xúc của mình khi phát hiện vợ âm thầm giấu mình để tạo “quỹ riêng”. Anh T.A. kể, hai vợ chồng anh đều đi làm, do anh làm trưởng phòng kĩ thuật nên mức lương cao gấp đôi vợ. Từ khi cưới, hai vợ chồng thống nhất là có bao nhiêu tiền chị vợ sẽ là người quản lý, chi dùng, dành dụm. Anh luôn tuân thủ điều này, tháng nào cũng đưa hầu hết số thu nhập mình có cho vợ, chỉ giữ lại một ít đủ xài. Ấy thế mà mới đây, anh T.A tình cờ phát hiện vợ mình “chat” với chị gái thể hiện vợ anh đã ầm thầm lập quỹ riêng. Số tiền này chị đã mua một mảnh đất nhỏ ở ngoại ô và để chị gái đứng tên. Trong câu chuyện, người vợ luôn khẳng định nên “thủ thân” để lỡ hai vợ chồng có chuyện gì thì còn có đường lui.
Kể lại câu chuyện, anh T.A. cho biết đang rất hụt hẫng, băn khoăn với câu hỏi, chẳng lẽ cách sống “thủ thế” đối với người đầu ấp tay gối như thế là phổ biến trong hôn nhân hay sao?
Chị N.T.T.H ( trú tại TP HCM, nhân viên kinh doanh) cho biết, từ hơn 5 năm nay, chị đã luôn triển khai kế hoạch riêng về tài chính cho bản thân mình mà không cho chồng biết. Tiền lương của chị khá cao cùng với một số khoản thưởng nhưng chị chỉ công khai một phần bỏ vào quỹ gia đình để cùng chi trả chuyện sinh hoạt trong nhà, nuôi con và để chồng đầu tư tăng thu nhập. Số còn lại chị mở tài khoản đứng tên mẹ ruột. Những năm qua, chị cũng triển khai đầu tư các mảng như chứng khoán, bất động sản và số tiền tăng lên đáng kể nhưng chồng chị không biết đến khoản tiền này.
Hầu hết chị em phụ nữ, khi được hỏi đều đồng tình rằng phụ nữ nên có “quỹ riêng” của mình. Khác với quỹ riêng của cánh đàn ông thường được biết đến như khoản tiền để thoải mái ăn nhậu, chi tiêu cùng bạn bè, “quỹ riêng” của phụ nữ thường phức tạp hơn, bao gồm những số tiền lớn hơn và có những kế hoạch rõ ràng để sử dụng số tiền ấy.
Hết lòng cùng nhau
Xã hội càng phát triển, sự bình quyền càng cao thì dường như mối quan tâm dành cho việc “quỹ riêng” của những người vợ ngày càng nhiều. Trên các chuyên mục hỏi đáp về luật, tư vấn về hôn nhân trên báo lẫn trang mạng, mạng xã hội, lập “quỹ riêng” để “thủ thân” hoặc tách bạch tài sản cá nhân và tài sản gia đình là câu hỏi được khá nhiều người vợ đặt ra. Nhiều trường hợp, kết hôn với nhau rồi, nhưng bằng tiền dành dụm riêng hoặc gia đình bên ngoại cho, người vợ mua những thứ có giá trị rồi thuyết phục chồng cùng ra công chứng, kí tên xác nhận đó là tài sản riêng của vợ.
Lý do của những hành động “thủ thân” ấy, được cánh phụ nữ giải thích là bởi e ngại “lòng người”, bởi không tin được sự chung thủy của cánh đàn ông và sự vĩnh cửu của hôn nhân. Bởi, những năm qua, người ta đã chứng kiến quá nhiều cuộc hôn nhân đẹp như mơ bỗng nhiên tan vỡ và sự mong manh của hôn nhân giờ đây đang hiển hiện khá rõ ràng.
Trong những cuộc chia ly, phụ nữ thường là những người tổn thương và thiệt thòi nhiều, đồng thời lo lắng cho tương lai của mình và con. Thế nên, việc “thủ thân” chính là một khoản bảo hiểm rủi ro để họ có tựa vào, khi bất trắc.
Nhưng đó là ở góc nhìn của phụ nữ. Còn đàn ông, nghĩ gì khi biết người vợ đầu ấp tay gối lại cất giấu một bí mật tài chính riêng, sâu trong tiềm thức lại luôn “thủ thế”, thiếu đi sự tin tưởng với mình?
Anh Trần Toàn Lâm, giảng viên một trường đại học ở TP HCM chia sẻ: “Khi đọc những dòng chia sẻ của chị em về vấn đề “quỹ riêng” và “thủ thân”, tôi hoàn toàn bất ngờ, vì số chị em phụ nữ nghĩ như thế quá đông. Tôi cũng chột dạ nghĩ, không biết vợ mình có như thế không? Vợ chồng tôi sống với nhau 10 năm, luôn tin tưởng nhau, luôn công khai tài chính và cùng hoạch định cho tương lai. Nếu thực sự vợ có suy nghĩ và hành động như thế, có bí mật giấu mình, tôi nghĩ mình sẽ rất thất vọng, không phải vấn đề về tiền, mà là niềm tin. Ở bên nhau mà luôn nghĩ đến chuyện tan vỡ, chẳng phải buồn lắm sao? Vả lại, trong mọi cuộc ly hôn, tài sản được chia công bằng, còn về tổn thương tâm lý, đàn ông chúng tôi cũng đau, cũng khổ chứ đâu chỉ riêng phụ nữ?”.
Trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH,TT&DL ban hành có phần nói về văn hóa ứng xử của gia đình Việt Nam hiện nay, theo đó, sự tồn tại và phát triển của gia đình cho đến ngày nay chính là do các mối quan hệ, ứng xử và tương tác giữa các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội. Một gia đình thuận hòa, hạnh phúc, các thành viên luôn yêu thương, quan tâm, tôn trọng và chia sẻ cũng như “hy sinh” vì nhau, không ngại thiệt thòi, không suy bì hơn thua.
Đồng thời, Bộ tiêu chí cũng đã đưa ra 6 nguyên tắc ứng xử cơ bản trong gia đình nhằm giúp các thành viên trong gia đình điều chỉnh được những hành vi của mình và giúp mọi người biết cách tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau: Tình yêu thương, sự bình đẳng, sự tôn trọng, sự chia sẻ, phá bỏ cái tôi và sự đoàn kết.
Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.