“Quỹ hoàn lương” của một tử tù sắp "chạm tay tử thần"

 Trong số hơn 5.000 phạm nhân được Chủ tịch nước ký lệnh đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9/2009, có một phạm nhân mà một thời đã gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông cả nước. Đó là Liên Khui Thìn, từng bị kết án tử hình, giờ ông quyết tâm làm lại cuộc đời, và hơn hết ông đã cùng với bạn bè lập ra Quỹ Hoàn lương để giúp đỡ những người từng một thời lầm lỡ.

Trong số hơn 5.000 phạm nhân được Chủ tịch nước ký lệnh đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9/2009, có một phạm nhân mà một thời đã gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông cả nước. Đó là Liên Khui Thìn, từng bị kết án tử hình, giờ ông quyết tâm làm lại cuộc đời, và hơn hết ông đã cùng với bạn bè lập ra Quỹ Hoàn lương để giúp đỡ những người từng một thời lầm lỡ.

1. Nhiều người đều coi ông Liên Khui Thìn là một nhân vật đặc biệt, và từng là một phạm nhân đặc biệt. Không hiểu ông đã lấy đâu ra nghị lực và niềm tin để có thể sống và cải tạo tốt để được hưởng ân xá, về làm lại cuộc đời. Điều đó cho đến nay vẫn là một bí ẩn, vì bản thân ông cũng khó giải thích được. Cách đây hơn chục năm, ông Liên Khui Thìn - nguyên Tổng Giám đốc Epco bị đưa ra ánh sáng vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả người đàn ông có tuổi Nhâm Thìn này bị tuyên án tử hình cùng với Tăng Minh Phụng (đã thi hành án tử). 

Ông Liên Khui Thìn
Ông Liên Khui Thìn

Nhiều người cho rằng, suốt thời gian ở biệt giam trong khu tử tù của khám Chí Hòa, Liên Khui Thìn phải có một thần kinh thép để hy vọng, chờ đợi. Ông thực sự đã đón nhận khoảng thời gian này một cách chủ động và lạc quan. Tại Tòa án, ông Thìn bị tuyên tử hình cùng Minh Phụng. Tuyên xong, cả hai được đưa luôn về khu tử tù Chí Hòa. Minh Phụng nằm cách ông Thìn ba căn, hai người đều có nộp đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước và nằm hy vọng. Thời gian đó, hàng ngày cả hai vẫn đợi cái chết đến với mình. Không ai nói cho họ biết ngày sẽ bị bắn.

Rạng sáng 11/7/2003, Liên Khui Thìn nghe tiếng mở khóa lách cách bên buồng của Minh Phụng. Ông đoán Minh Phụng bị dẫn đi bắn. Ông nghe ngóng, bình tĩnh đón nhận thời khắc của mình. Ông đợi, đợi mãi không thấy cán bộ quản giáo quay lại mở buồng mình... Lại khắc khoải chờ đợi. Đến ngày 8/9/2003, cán bộ quản giáo vào... mở cửa buồng của Thìn. Phạm nhân Thìn nhớ lại: “Họ không nói gì và tháo cùm, dẫn tôi tới một buồng giam khác. Lúc này, tôi đoán đơn xin ân xá của tôi được chấp thuận. Hồi sau, tôi mới biết mình thoát chết... Một cảm giác vui sướng tột cùng. Khó tả lắm!”.

2. Sau ngày thoát án tử hình, tâm trạng của Liên Khui Thìn thay đổi hẳn, tâm lý ổn định, theo đó là sự bình phục về sức khỏe. Liên Khui Thìn vào trại giam Xuân Lộc từ 9/11/2003 và được bố trí vào việc coi cá, trông rừng. Ông Thìn kể, làm việc nhẹ nhưng trách nhiệm nặng, coi sao cho cá không chết, rừng không cháy. Tại nhà giam lúc này, ông đang ấp ủ ý tưởng và sẽ đề xuất với trại về một mô hình trung tâm dạy nghề. Ông sẽ đem những kiến thức, hiểu biết của mình để dạy lại cho anh em những nghề phù hợp với cuộc sống như làm điện cơ, con giống, nông nghiệp. Qua đó, khi ra đời, họ dễ hòa nhập với cộng đồng.

Nghĩ là làm, giữa năm 2004 Liên Khui Thìn trình lên Ban giám thị Trại Xuân Lộc bản dự án “Xử lý nguồn nước”. Chỉ trong 2 ngày, dự án đã được Ban giám thị Trại Xuân Lộc và Cục Quản lý trại giam (Bộ Công an) phê duyệt. Khi biết dự án của mình được chấp thuận, ông hiểu rằng bất cứ việc gì, nếu phù hợp với lợi ích cộng đồng sẽ nhận được ủng hộ. Bằng sự hỗ trợ về vật chất của bạn bè ngoài đời, Liên Khui Thìn cùng các phạm nhân dựng cột điện, kéo điện 3 pha, khoan giếng, xây bể lắng, lọc, và kết quả là cả nghìn con người ở Trại giam Xuân Lộc đã được dùng nước sạch.

Một điều nữa mà ông nhận thấy là mỗi khi ở trại có phạm nhân ốm đau, phải chuyển đi bệnh viện thì  cán bộ quản giáo cũng phải đi theo để quản lý. Với những phạm nhân có mức án nặng, hoặc có quá trình cải tạo chưa tốt, theo quy định thì vẫn phải còng ngay trên giường bệnh nên điều này đã tạo ra những ảnh hưởng tâm lý với gia đình phạm nhân lúc vào thăm nuôi, chăm sóc, chưa kể phạm nhân còn phải chịu sự e dè của những người bệnh khác cùng nằm chung phòng.

Vì vậy, Liên Khui Thìn viết tiếp một dự án, trong đó ông đề xuất xây một bệnh xá của trại, nằm sát cạnh Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa (Đồng Nai). Vẫn bằng sự hỗ trợ vật chất của bạn bè ngoài đời, Bệnh xá Trại giam Xuân Lộc hình thành rồi mỗi khi có phạm nhân ốm đau, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa chỉ cần bước sang vài bước, là đã có thể thăm khám, điều trị

3. Liên Khui Thìn sinh năm 1953, trú quán tại Quận 3, TP.HCM, năm 1974, tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư khoa hóa thực phẩm. Ngày ấy, trên cương vị là Tổng Giám đốc Công ty Epco, Liên Khui Thìn đã chèo lái đưa con thuyền Epco vượt qua bao khó khăn, xây dựng thương hiệu Epco trở thành một trong những thương hiệu mạnh trong làng doanh nghiệp nước ta. Nhưng ở đời có ai biết được chữ ngờ.

Do hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nóng vội trong đầu tư và kinh doanh, “tham bát, bỏ mâm”, con thuyền Epco từ chỗ là một doanh nghiệp mạnh dần dần lún sâu vào những món nợ lớn. Liên Khui Thìn nhớ lại: “Chính từ sức ép bản thân này, tôi ôm đồm nhiều thứ, dẫn tới làm vượt thời gian, vượt không gian cho phép, xây dựng những đề án ngoài các quy trình do Nhà nước ban hành”. Và cái gì đến đã đến. Thời gian trong tù, Liên Khui Thìn nhìn nhận: “Nhà nước điều hành công dân bằng pháp luật. Nhà nước không cần những công dân mang một đống tiền về nhưng làm sai pháp luật”.

Nhớ lại khoảng thời gian... chờ chết, Liên Khui Thìn kể: “Tôi không rên la, oán hận. Tôi dùng thời gian đó để đọc sách báo, trau dồi thêm ngoại ngữ. Tôi lên kế hoạch chi tiết để học văn phạm sơ cấp, trung cấp, đọc văn học nước ngoài bằng tiếng Anh. Buổi sáng, 5h tôi bắt đầu dậy, ngồi thiền, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Đúng 7h bắt đầu đọc sách. Bởi tôi biết, sách là một kho tàng vô cùng giá trị”.

4. Biết tin được đưa vào diện đặc xá 2/9/2009, Liên Khui Thìn mừng rớt nước mắt. Sau ngày Tòa tuyên án, ông đâu có nghĩ đến một ngày mừng vui đến thế. Có lẽ vì vậy mà Liên Khui Thìn cho rằng quyết định đặc xá của Chủ tịch nước không chỉ là niềm vui mà đó còn là tờ giấy khai sinh ra ông lần thứ hai, cho ông một cơ hội để làm lại cuộc đời. Ông đã đau xót và ân hận về những việc làm vi phạm pháp luật của mình.

Khi ra khỏi trại giam, ông tự hứa với chính mình, với tổ tiên, ông bà là sẽ làm lại cuộc đời. Sau khi được đặc xá, ông tự nhủ sẽ trở lại Trại giam Xuân Lộc, nơi ông từng sống và cải tạo hơn 6 năm để đề xuất với Ban giám thị và lãnh đạo Cục V26 thành lập và triển khai “Quỹ hoàn lương” để khai thác những tiềm năng hiện đang tiềm ẩn trên đất trại, giải quyết việc làm và hỗ trợ đào tạo nghề cho những phạm nhân sau khi ra trại trở về với cuộc sống cộng đồng.

Những ngày đầu tiên sau khi được đặc xá, Liên Khui Thìn gặp gỡ một số bạn bè, người quen - trong đó có Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc Công an TP. HCM, để bàn về việc thành lập một tổ chức xã hội từ thiện, mang tên “Quỹ hoàn lương”.

Quỹ nhằm mục đích giúp cho những người sau khi mãn hạn tù có điều kiện hòa nhập cộng đồng bằng cách sắp xếp cho họ học nghề đúng với khả năng và bố trí cho họ công ăn việc làm. “Quỹ hoàn lương” không xin ngân sách Nhà nước, không xin tài trợ của chính quyền địa phương mà chủ yếu là vận động lòng hảo tâm của các cá nhân, doanh nghiệp.

Ngày 28/8/2010, “Quỹ Hoàn lương” TP. HCM đã chính thức ra mắt nhằm mục đích tạo điều kiện cho những người mãn hạn tù trở về nhanh chóng tái hòa nhập với xã hội, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng đất nước. Ban đầu, vốn Quỹ là khoảng 600 triệu đồng, do những người sáng lập là luật sư Trần Văn Tạo, cùng các ông Liên Khui Thìn, Lê Thanh Bình, Lê Minh Hải, Nguyễn Văn Liêm tự nguyện đóng góp.

Sau lễ ra mắt, “Quỹ Hoàn lương” sẽ xúc tiến các hoạt động như đẩy mạnh chương trình tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu và tìm việc làm cho những người mãn hạn tù, triển khai các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp lý, y tế, học tập và các hoạt động thông tin cổ động để cộng đồng hiểu hơn và ủng hộ người mãn hạn tù hòa nhập.

Giờ thì Liên Khui Thìn lại tất bật với công việc mới, với các dự định để giúp được nhiều người hơn. Ông mong muốn “Quỹ hoàn lương” thực sự là một mái nhà lớn đủ sức che chở cho những người có hoàn cảnh như ông sớm trở lại cuộc sống bình thường bằng chính nghị lực của bản thân.

Bắc Hà

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.