Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 98,30 ha, bao gồm khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và vùng đệm, nằm trên địa bàn xã Sài Sơn, xã Phượng Cách, xã Yên Sơn và thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, gìn giữ lâu dài các giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, địa chất, địa mạo của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; phát huy và khai thác có hiệu quả các giá trị của di tích, hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nguồn thu cho địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nguồn lực để bảo tồn di tích.
Đồng thời, xác định ranh giới bảo vệ, làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư bảo tồn, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Làm cơ sở pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thu hút nguồn lực đầu tư và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định về quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích và các giải pháp quản lý, bảo vệ di tích theo quy hoạch.
Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội là Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt; điểm tham quan du lịch hấp dẫn của thành phố Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng.
Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch; các chỉ tiêu, dự báo phát triển của khu vực; nội dung và định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích…
Chùa Thầy, hay Thiên Phúc Tự, tựa mình vào núi Phật Tích và gắn liền với huyền thoại về Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Nơi này không chỉ là quần thể di tích nổi tiếng mà còn là tập hợp nhiều điểm tham quan hấp dẫn như quán Tam Xã, đình Thuỵ Khuê, hang Cắc Cớ và vườn trúc Lữ Gia.
Toàn cảnh Chùa Thầy từ trên cao (Ảnh: mia.vn) |
Từ ngày 31/12/2014, di tích chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá có tài nguyên du lịch văn hóa và tự nhiên, được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Theo các tài liệu ghi lại, ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ (gọi là Hương Hải am), xây dựng từ trước thời Lý. Đến khi Lý Nhân Tông (1072-1127) lên ngôi Vua đã cho xây dựng lại. Quần thể di tích và danh thắng chùa Thầy nổi tiếng với nhiều điểm tham quan, nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất nằm ở 3 tòa của chùa Thầy với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII.
Chùa Thầy là nơi gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có những đóng góp to lớn cho nhân dân, là ông tổ của bộ môn múa rối nước. Ông đã tu hành ở đây rồi hóa thánh tại một hang đá trên núi Thầy có tên gọi là hang Thánh Hóa.
Trải qua 7 lần trùng tu lớn, đến nay chùa Thầy vẫn giữ được không gian cổ kính và kiến trúc độc đáo ở Xứ Đoài.
Lối kiến trúc cổ kính, giản đơn của các ngôi chùa ở đây (Ảnh: mia.vn) |
Không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước, chùa Thầy còn là địa chỉ đỏ cách mạng của cả nước. Đây cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây (cũ), cũng là địa danh được nhiều lần đón Bác Hồ về ở và làm việc trước khi Người lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Chùa Thầy như một bức tranh thủy mặc, đưa du khách lạc vào thế giới tiên cảnh.
Chùa được xây dựng trên đất hình rồng, với hồ Long Trì phía trước giống như hàm của rồng. Thủy đình cổ kính giữa hồ như viên ngọc trong miệng rồng, thường là nơi diễn ra múa rối nước vào các dịp lễ hội. Hai cây cầu Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều như 2 râu rồng, tăng thêm vẻ huyền bí cho không gian.
Khám phá Chùa Thầy không chỉ dừng lại ở ba toà nhà chính. Du khách có thể theo con đường mòn lên núi để thăm chùa Cao và các hang động với nhiều giai thoại huyền bí.
Mùa sau Tết Nguyên đán là thời điểm lý tưởng để du xuân và trẩy hội tại Chùa Thầy. Tháng 3 đánh dấu mùa hoa gạo, tạo nên bức tranh đỏ rực, còn khoảng tháng 9 và 10 lại mang đến không khí mát mẻ của mùa thu.
Phong cảnh nên thơ của chùa vào mùa hoa gạo tháng 3 (Ảnh: VinWonders) |
Gắn liền với ngôi chùa là lễ hội truyền thống từ ngày 5.3 - 7.3 âm lịch hàng năm, được xem là hội vui nhất trong các lễ hội miền Bắc. Lễ hội hàng năm thường diễn trò múa rối nước để tưởng nhớ về Thiền sư Từ Đạo Hạnh - người có công lớn trong việc khởi dựng chùa và là thủy tổ của trò múa rối nước độc đáo.
Tháng 4/2023, tại khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội), Sở Du lịch Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND huyện Quốc Oai đã tổ chức Chương trình Hành trình du lịch văn hóa lịch sử và công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy, Quốc Oai - Hà Nội 2023.
Đây là hoạt động nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống của quần thể di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy, kết nối và khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử của Thủ đô, tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nội là điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn.
Lễ hội chùa Thầy (Ảnh: VinWonders) |