Đành là hàng loạt quốc lộ từ Bắc vào Nam xuống cấp ngay sau khi đưa vào sử dụng, nhưng đừng vội trách tội các nhà thầu, đơn vị giám sát thi công hay ban quản lý dự án, vì nguyên nhân chính là do… ông trời
Sống trâu nổi gồ ghề trên nhiều tuyến quốc lộ. (Ảnh minh họa) |
Đường mới khai thác cũng hỏng
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xảy ra khá phổ biến trên phạm vi cả nước, từ quốc lộ 3, quốc lộ 5, quốc lộ 1A đoạn qua Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đến quốc lộ 7, quốc lộ 8 và đại lộ Đông Tây. Việc hằn lún vệt bánh xe xảy ra cả với những dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng 6 - 8 năm hay những dự án vừa mới đưa vào khai thác, sử dụng; các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn Ngân sách Nhà nước hay vốn vay ODA.
Đặc biệt, thời gian gần đây liên tiếp cá dự án, gói thầu mới đưa vào khai thác, sử dụng đã vội xuất hiện tình trạng lún sụt, hằn vết bánh xe, như tại quốc lộ 3 từ Km54+560 đến Km62+450 (thuộc gói thầu số 1, 2 - dự án tăng cường an toàn giao thông các quốc lộ phía Bắc Việt Nam), phạm vi ảnh hưởng khoảng 1.900m, vệt lún có chiều sâu từ 10mm đến 25mm.
Theo ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), tình trạng lún vệt bánh xe bắt đầu xuất hiện từ năm 2009. Tuy nhiên tình trạng này xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 5, tháng 6 vừa qua, sau đợt nắng nóng kéo dài tại khu vực miền Trung. Qua rà soát, kiểm tra thực trạng này trên quốc lộ 1 và một số tuyến đường khác cho thấy đoạn từ Thanh Hoá đến Huế có 70km trên tổng số 620km bị lún theo vệt bánh xe. Đoạn từ Đà Nẵng đến Khánh Hoà có 90km trên tổng số 953km. Trên một số tuyến đường đèo, các hằn lún cao 10 - 15cm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường bê tông nhựa là “do quá trình biến đổi khí hậu, sự xuất hiện những hiện tượng thời tiết cực đoan nắng nóng bất thường, nhiệt độ cao, kéo dài như ở khu vực miền Trung. Do mặt đường bê tông nhựa làm việc trong điều kiện nhiệt độ trên bề mặt biến thiên khá lớn theo mùa (từ 2oC vào mùa đông và 70oC vào mùa hè), kết hợp với các nguyên nhân khác dẫn đến vệt hằn bánh xe trên hệ thống mạng lưới đường quốc lộ của Việt Nam ngày càng gia tăng”.
Cũng vì lý do thiên nhiên, báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định một số vị trí có nền đường không tốt, có nước ngầm hoạt động, thoát nước mặt không tốt; lưu lượng lớn xe vượt tải trọng… làm xuất hiện hư hỏng mặt đường.
“Vấn đề lớn”
Trong khi đơn vị quản lý đường bộ “đổ bệnh” cho thời tiết và điều kiện tự nhiên gây ra những hiện tượng nói trên, thì các chuyên gia chuyên môn lại có cái nhìn khác. Một chuyên gia xây dựng cho hay, không loại trừ các con đường mới được nâng cấp vẫn bị hư hỏng là do kết cấu, công tác giám sát còn lỏng lẻo. Cũng theo chuyên gia này, vật liệu để làm lớp nền thượng có tiêu chuẩn rất ngặt nghèo, nhưng ở miền Bắc, vật liệu đất đồi đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn bề mặt lại rất hiếm. Hơn nữa, nếu xử lý đất này theo đúng tiêu chuẩn thì giá thành rất cao. Chính vì vậy, một vài nơi sử dụng kết cấu lớp bề mặt không đảm bảo chất lượng.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay hiện tượng mặt đường có vết xe hằn lún là do lớp nhựa phủ mặt không đạt yêu cầu. “Để tìm rõ nguyên nhân gây ra tình trạng lún nền đường, Viện KH-CN giao thông vận tải phải lấy nhựa đó đi để có kết quả chính xác và đề ra những giải pháp khắc phục sao cho hiệu quả”, ông Liêm đề xuất.
Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Ngọc Đông nói rằng cũng “đây là vấn đề lớn đối với Bộ”. Theo ông Đông, từ đầu năm, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp như xây dựng tiêu chí, đánh giá các chủ thể như chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu... Cùng với đó, những đơn vị thi công không đạt chất lượng năm trước sẽ không được tham gia làm các năm tiếp theo.
Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ GTVT cho biết vụ này đã tiến hành lấy một số mẫu ở những đoạn hư hỏng để nghiên cứu, kết quả cho thấy có những chỗ chỉ ra thiết kế về mẫu chưa đạt, nhưng cũng có những vị trí độ chặt khi lu lèn chưa đạt yêu cầu.
Việt Hưng