Quốc hội Mỹ trong tuần này liên tiếp tổ chức những phiên họp để phân tích chính sách bành trướng của Trung Quốc cũng như mối đe dọa an ninh từ Bắc Kinh.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Ileana Ros-Lehtinen. |
Ức hiếp láng giềng
Tại phiên điều trần có chủ đề “Trung Quốc – cường quốc mới nổi ở biển Đông” của Ủy ban đối ngoại Hạ viện ngày 12/9, các nghị sỹ Mỹ đã đưa ra các chỉ trích nhằm thẳng vào Bắc Kinh. Chủ tịch Ủy ban – Dân biểu Ileana Ros-Lehtinen, tại phiên điều trần tố cáo Trung Quốc là “kẻ bắt nạt các nước láng giềng trên biển”.
“Trong khi thế giới chuyển trọng tâm chú ý tới các cuộc khủng hoảng khác, trong đó có chương trình hạt nhân của Iran và sự suy giảm của đồng tiền chung châu Âu euro thì Trung Quốc đã khiến cho tình hình càng trở nên rắc rối hơn với việc ức hiếp những nước láng giềng có chung đường biển với mình”, bà Ros-Lehtinen nói.
Nghị sỹ đảng Cộng hòa nói rằng Trung Quốc ngày càng hiếu chiến. “Hết lần này đến lần khác, Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sự tham chiến và hiếu chiến. Thậm chí cả các quan chức Trung Quốc, báo chí và các blogger đều đang kích động tâm lý chống Nhật để tạo cảm giác đã xảy ra những cuộc bạo động chống Nhật ở các thành phố của Trung Quốc”, bà Ros-Lehtinen nhận định.
Theo bà Ros-Lehtinen, Trung Quốc nuôi tham vọng làm bá chủ ở châu Á nên muốn kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng để từ đó có thể phong tỏa giao thương và các tàu chở dầu.
Trong bối cảnh như vậy, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện đã kêu gọi Mỹ ủng hộ bên những đồng minh của họ.
“Tôi muốn nói với những kẻ bắt nạt ở Bắc Kinh rằng nước Mỹ sẽ sát cánh bên những bạn và đồng minh ở Philippines và Nhật Bản. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục giữ hòa bình tại vùng biển Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông, như chúng ta đã làm kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2”, bà Ros-Lehtinen nói.
Theo nghị sỹ này, trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách khôi phục nền kinh tế thì mối quan hệ thương mại với các nền kinh tế năng động ở Đông và Đông Nam Á là vô cùng quan trọng. “Chúng ta không nên để các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác làm cho xao nhãng những lợi ích quốc gia chiến lược ở Biển Nam Trung Hoa và Tây Thái Bình Dương”, bà kêu gọi.
Hạ nghị sỹ Howard Berman của Đảng Dân chủ khẳng định, không nước nào có lợi khi tạo thêm căng thẳng và leo thang tranh chấp tại biển Đông.
“Ngoại trưởng Hillary Clinton và các quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần nói rõ với Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc chiếm quyền bá chủ trong khu vực. Chúng ta phải tiếp tục gây sức ép để Trung Quốc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình”, nghị sỹ Berman nhấn mạnh.
“Các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước có quan ngại về sự bành trướng của Trung Quốc phải dành một tỷ lệ GDP thích đáng cho việc phòng vệ trên biển”, ông Sherman kêu gọi.
Đe dọa an ninh Mỹ
Quốc hội Mỹ ngày 13/9 (giờ địa phương) cũng tiến hành thẩm vấn giám đốc điều hành của 2 công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc có liên quan hàng loạt cáo buộc về nguy cơ gián điệp nhằm vào hạ tầng viễn thông Mỹ.
Theo đó, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đang điều tra Tập đoàn công nghệ Huawei – công ty do một cựu kỹ sư quân đội Trung Quốc sáng lập và hiện là nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn thứ 2 thế giới - và ZTE - một doanh nghiệp nhà nước và là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ 4 thế giới - về nghi vấn tham gia vào hoạt động gián điệp của chính phủ Trung Quốc.
Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã yêu cầu các công ty trên cung cấp thông tin về cơ cấu quyền sở hữu và các mối liên hệ với chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc, để từ đó xác định liệu họ có thực sự hoạt động như các công ty tư nhân hay không.
Ủy ban này cũng yêu cầu Huawei và ZTE cung cấp chi tiết về các cuộc gặp gỡ cũng như các khoản tín dụng mà họ đã nhận từ các định chế tài chính nhà nước trong vòng 5 năm qua. Các chuyên gia tình báo Mỹ nghi ngờ các công ty trên có các “cổng hậu điện tử” (electronic backdoors) đối với các thiết bị viễn thông bán cho Mỹ và các nước khác.
Các cổng hậu điện tử này được cho là có thể cho phép chính phủ Trung Quốc, thông qua Huawei và ZTE, tiếp cận được những thông tin đi qua các mạng viễn thông hay thậm chí phá hoại hoạt động của các thiết bị điện tử. Với khả năng này, Trung Quốc sẽ có thể phá hoại hoạt động của các hệ thống vũ khí thiết yếu và các trang web điều khiển nhạy cảm cũng như các nhà thầu quốc phòng của Mỹ, vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ trước khi xảy ra một cuộc xung đột quân sự.
Trong phiên điều trần ngày 13/9, các nhà làm luật Mỹ cũng có thể đưa thẩm vấn đại diện tập đoàn ZTE về cáo buộc đã bán thiết bị máy tính cho Iran, vi phạm lệnh cấm của Mỹ. Tập đoàn này cũng đang bị FBI điều tra về các cáo buộc cản trở cuộc điều tra của Bộ Thương mại.
Minh Ngọc (tổng hợp)