Cứ phim hot, lại có bản quay lén
Mới đây, cơ quan công an đã bắt được kẻ quay livestream bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” và phát trực tiếp lên mạng. Nam thanh niên này sinh năm 1998, là admin một fanpage về phim ở Vũng Tàu. Khi phim “Cô Ba Sài Gòn” công chiếu, nam thanh niên đã vào rạp xem và lén lút livestream trên fanpage để các thành viên cùng xem. Có đến 5.000 người đã xem bản quay lén. Trong thời điểm bộ phim phát trên fanpage, do được báo tin, Ngô Thanh Vân, đạo diễn bộ phim đã vào bình luận trong fanpage này gần như là “năn nỉ”: Em làm vậy là em giết phim Việt rồi. Thế nhưng, hành vi vi phạm vẫn không chấm dứt.
Thời gian trước, “Tấm Cám - chuyện chưa kể”, một bộ phim đình đám của đạo diễn Ngô Thanh Vân cũng bị livestream khi đang công chiếu ở rạp. Thủ phạm quay lén là một cô gái trẻ, mục đích livestream là phát lên trang cá nhân của mình nhằm... câu like. Ê kíp của bộ phim đã nhanh chóng phát hiện ra và yêu cầu cô gái ngưng hành vi vi phạm này.
Trong năm 2017, bộ phim “Xóm trọ 3D” của đạo diễn Hồng Vân cũng một phen lao đao khi vừa công chiếu được 5 ngày đã bị livestream tung lên mạng xã hội. Một bộ phim khác của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, “Em là bà nội của anh”, từng là “hiện tượng phòng vé” cũng bị quay lén, sau đó bản quay lén được phát trái phép lên kênh youtube. Bản phim này sau đó đã bị gỡ bỏ vì vi phạm bản quyền.
Việc các bộ phim điện ảnh đang chiếu rạp bị quay lén, xuất hiện bản quay trên mạng đã là một thực trạng khá phổ biến tại Việt Nam, và không chỉ riêng với phim Việt. Có thể nói, có đến 90% phim chiếu rạp có bản quay lén trên mạng trong và sau khi công chiếu. Bằng chứng là người xem có thể dễ dàng lên các website về phim để săn tìm. Những bộ phim còn quá mới hoặc đang trong thời gian công chiếu hầu hết sẽ có bản “xấu”, nghĩa là bản quay lén. Còn phim chiếu một thời gian dài sẽ có bản full HD.
Với những bộ phim đã công chiếu kết thúc, các nhà làm phim thường “cho qua” để tránh phiền phức. Nhưng với các phim đang công chiếu, việc đưa bản quay lén lên mạng thực sự là một “cơn ác mộng” với những nhà làm phim, nhà phát hành vì nó khiến con đường thu hồi vốn thông qua bán vé của họ gian nan bội phần. Hơn một lần, đạo diễn Ngô Thanh Vân đã khóc khi bày tỏ sự bất lực trước những kẻ quay lén này.
Xử lý chưa đủ mạnh hay nền tảng ý thức quá kém?
Năm 2016, khi phát hiện được kẻ quay lén và livestream phim “Tấm Cám” lên mạng xã hội, ê kíp của Ngô Thanh Vân đã báo công an và tiến hành lập biên bản đối với hành vi này. Sau đó, Ngô Thanh Vân cũng thông báo cô sẽ không “làm đến cùng”, truy tố trước pháp luật mà chỉ xử lý vi phạm hành chính nhằm răn đe người vi phạm, cũng như cảnh báo những người có thói quen thực hiện hành vi phát tán phim lên mạng. Tuy nhiên, sự nhân nhượng và cách xử lý có tình của nữ đạo diễn dường như đã không đủ sức đánh động một bộ phận khán giả xấu xí. Đến bộ phim mới, hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn. Được biết, từ sự động viên và nhất trí của đồng nghiệp cũng là nạn nhân của những kẻ quay lén, lần này Ngô Thanh Vân quyết định “mạnh tay” để đủ sức răn đe những hành vi nói trên. Nếu bị xử lý trước pháp luật, thanh niên này có thể phải đứng trước chế tài xử phạt lên đến 1 tỉ đồng, quy đổi từ tổn thất thực tế của phòng vé, hoặc mức án tù.
Thực tế, tại tất cả các rạp chiếu phim đều có quy định cụ thể, không cho phép quay phim, chụp ảnh khi đang xem phim, và nhân viên rạp cũng thường xuyên xuất hiện nhắc nhở, thế nhưng những kẻ vô ý thức vẫn luôn tìm được kẽ hở để thực hiện hành vi của mình. Điều quan trọng là thậm chí, nhiều người thực hiện hành vi mà không biết mình đang vi phạm pháp luật. Cạnh đó là sự cổ vũ của một bộ phận cư dân mạng rất vô ý thức. Trong đoạn livestream “Cô Ba Sài Gòn” phát trên mạng, có vô số lời tán dương, cổ vũ dành cho người đăng clip. Trong nhiều trang phim khác, nhiều bộ phim đình đám chưa xuất hiện, có không ít các bình luận thắc mắc kiểu như: đăng bản quay lén trước xem tạm đi, admin đâu rồi, sao chậm có phim vậy... Những hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật đã được cổ vũ nhiệt liệt bởi một đám đông vô ý thức là như thế.
Có thể thấy, ý thức về tuân thủ pháp luật, ý thức về đạo đức của một bộ phận các bạn trẻ hiện nay là rất kém, điều này khiến họ có thể ngang nhiên thực hiện hành vi vi phạm mà không chút áy náy, thậm chí còn thấy “oai phong”. Thủ phạm livestream “Cô Ba Sài Gòn”, khi Ngô Thanh Vân vào đề nghị hạ xuống thì phớt lờ, nhưng khi bị phát hiện, biết mình vi phạm pháp luật, lại nhắn tin nài nỉ Ngô Thanh Vân bỉ qua, phân bua đây chỉ là hành động “lỡ dại”, “cho vui”, “thiếu suy nghĩ”.
Có lẽ, đã đến lúc các nhà làm phim chấm dứt sự nhân nhượng, cho qua để quyết tâm mạnh tay với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu như trên. Chỉ có xử phạt thật nặng, đúng người, đáng tội thì mới may ra đủ sức răn đe, khiến giới trẻ có ý thức hơn trong thưởng thức nghệ thuật, tạo được một hành lang an toàn cho những người bỏ tâm huyết vì nghệ thuật.