Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thủy cho biết, trong năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh giải ngân 100 triệu đồng hỗ trợ 10 mô hình sinh kế tại xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) và vận động hỗ trợ 9 mô hình nuôi lợn, gà, ngan cho 9 hộ dân tại xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu). Ngoài ra, hội cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền về chủ trương, chính sách bảo vệ vùng biên giới gắn với việc thực hiện xây dựng gia đình "5 không, 5 có và 3 sạch" : (Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; Có ngôi nhà an toàn, có việc làm ổn định có thu nhập, có tinh thần học hỏi cầu tiến bộ, có sức khỏe, có nếp sống văn hóa; Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), tại các xã giáp biên thuộc các địa phương: Hải Hà, Bình Liêu, Móng Cái.
Ngoài hội phụ nữ, nhiều chương trình, dự án cũng được các đơn vị triển khai, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS vùng biên giới. Trong đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị kinh tế quốc phòng ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, thông qua chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, BĐBP tỉnh đang nhận đỡ đầu 87 cháu với mức hỗ trợ mỗi cháu là 500.000 đồng/tháng. Tính từ tháng 8/2016 đến nay, chương trình đã hỗ trợ trên 3 tỷ đồng, tiếp sức cho học sinh người DTTS vùng biên giới vững tin tới trường.
Đại diện Đồn Biên phòng Quảng Đức (huyện Hải Hà) trao tặng hỗ trợ xây "Mái ấm biên cương" cho gia đình chị Phoòng Tài Múi. (Ảnh đơn vị cung cấp). |
BĐBP tỉnh cũng trực tiếp thực hiện và phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tham gia xây dựng, sửa chữa 6 phòng học, 151 "Nhà đại đoàn kết", 75 ngôi nhà trong chương trình "Xây tặng nhà cho hộ nghèo nơi biên giới", “Xây tặng nhà cho gia đình chính sách", “Mái ấm biên cương” với tổng trị giá khoảng 7,4 tỷ đồng.
Hơn 1 năm sống trong ngôi nhà được xây dựng từ sự hỗ trợ của chương trình “Mái ấm biên cương”, gia đình chị Phoòng Tài Múi và anh Phùn Quay Thành (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà) vẫn nguyên vẹn niềm vui khi được sống trong ngôi nhà khang trang, kiên cố - điều mà những năm trước anh chị dù có cố gắng dành dụm vẫn không thể thực hiện được. Chị Múi chia sẻ: Được sự giúp đỡ của BĐBP và các nhà hảo tâm, gia đình tôi đã có căn nhà mới khang trang. Yên tâm khi đã có chỗ ở ổn định, vợ chồng tôi sẽ nỗ lực làm ăn, nuôi dạy con cái để từng bước ổn định đời sống.
Để tạo điều kiện cho đồng bào DTTS vùng biên giới phát triển kinh tế, bằng nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã phối hợp triển khai các tín dụng ưu đãi tại địa bàn 9 xã vùng đồng bào DTTS biên giới với tổng doanh số trên 53 tỷ đồng cho 714 lượt khách hàng vay. Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu bức thiết về vốn phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo bền vững, thúc đẩy KT-XH địa phương.
Ngoài ra, tại các khu vực biên giới có đồng bào DTTS sinh sống, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ gần 700 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 46 dự án hạ tầng thiết yếu tại các xã biên giới như trường học, đường giao thông, nước sạch nông thôn... Cùng với đó, hạ tầng viễn thông cho các xã, thôn biên giới cũng được nâng cấp, hiện 100% thôn, bản vùng biên đã được phủ sóng điện thoại, mạng Internet 3G, 4G. 9/9 xã biên giới có nhà văn hóa đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới. Hằng năm, Sở VH-TT cũng tổ chức gần 100 buổi chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân vùng DTTS, miền núi, biên giới.
Việc quan tâm, chăm lo, hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS khu vực biên giới không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền ở Quảng Ninh, mà còn góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng tại địa phương.