Năm 2010 là năm thứ năm Chương trình chống lao Quốc gia thực hiện kế hoạch 5 năm ( Giai đoạn 2006- 2010). Những năm qua công tác phòng chống lao ở Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng kích lệ. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác phòng chống lao vẫn còn gặp không ít những khó khăn.
Chương trình chống lao của tỉnh thời gian qua luôn được sự quan tâm của UBND tỉnh, sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế cũng như sự ủng hộ, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, sự cố gắng nỗ lực khắc phục những khó khăn của cán bộ, nhân viên Bệnh viên lao và phổi Quảng Ninh và đội ngũ cán bộ tại các cơ sở huyện, thị xã phường trực tiếp tham gia công tác chống lao vì vậy chương trình chống lao đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2009 tổng số tiêu bản đờm được xét nghiệm trong toàn tỉnh 27.295, đạt 175% so với KH, tổng số bệnh nhân lao được phát hiện và thu nhận 1.240 (đạt 124% kế hoạch) trong đó có 670 bệnh nhân lao phổi AFB dương tính và 570 AFB âm tính và lao ngoài phổi.
Có thể nói công tác phòng chống lao tại tuyến huyện cũng như tuyến Y tế cở sở trong những năm qua mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song với nỗ lực của cán bộ phòng chống lao tuyến cơ sở đã đem lại những hiệu quả nhất định. Chị Nguyễn Thị Hồng Cẩm - tổ trưởng tổ chống lao thị xã Cẩm Phả cho biết; Cẩm Phả là một trong những địa phương đã triển khai tốt chương trình chống lao Quốc gia, Trung tâm Y tế thị xã Cẩm Phả đã xây dựng kế hoạch phòng chống lao từ thị xã cho đến xã phường, thường xuyên tổ chức tuyên truyền công tác phòng chống bệnh lao đến tận các khu dân cư với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền cho nhân dân. Mặt khác trung tâm cũng đã đầu tư trang thiết bị, phòng xét nghiệm nâng cao kỹ thuật xét nghiệm để chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân lao..v.v
Nhận thức được tầm quan trọng của tuyến Y tế cơ sở là gần dân, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đã từng bước đổi mới và áp dụng những biện pháp mới trong công tác phòng chống, giám sát và phát hiện sớm bệnh lao tại cộng đồng, 100% các xã, phường, thị trấn đã duy trì các hoạt động phòng chống lao hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống Lao trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn như: Đội ngũ cán bộ phòng chống Lao còn thiếu cả về chất lượng lẫn số lượng. Kinh phí cho công tác phòng chống Lao còn hạn hẹp, Sự gia tăng của đại dịch HIV/AIDS làm cho bệnh nhân Lao lại càng thêm trầm trọng vì 50% số bệnh nhân HIV sẽ trở thành bệnh Lao nếu nhiễm vi trùng Lao. Sự xuất hiện và gia tăng của chủng vi khuẩn Lao kháng thuốc. Mặt khác, đa số bệnh nhân Lao đều là người nghèo, có thu nhập thấp, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng. Một điểm khó khăn trong công tác phòng chống Lao nữa là công tác này chưa được xã hội hóa cao, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể còn hạn chế. Người mắc bệnh Lao vẫn còn chịu nhiều định kiến và mặc cảm của xã hội, thời gian điều trị dài nên gây trở ngại cho bệnh nhân về đời sống...
Để công tác phòng chống lao của tỉnh đạt hiệu quả tốt cần phải có sự tham gia tích của của các ban, ngành, đoàn thể, sự đổi mới tư duy của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội chứ không phải chỉ riêng ngành Y tế, có như vậy mới thúc đẩy công tác phòng chống lao nói riêng và công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân nói chung của tỉnh Quảng Ninh.
Minh Khương
Trung tâm TT-GDSK