Từ cuối năm 2017, dự án “khoác áo hoa cho bốt điện” thực hiện thí điểm trên hai ngã tư phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo. Sau đó, dự án mở rộng, làm đẹp cho 70 bốt điện ở tuyến phố Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền. Nhiều quận nội thành Hà Nội cũng triển khai mô hình ý nghĩa này.
Tuy nhiên, sau vài tháng dự án đi vào thực hiện, không ít "bốt điện nở hoa" bị bôi bẩn bởi quảng cáo, rao vặt chèn lên.
Dọc phố Nguyễn Phong Sắc, Trần Đăng Ninh, Xuân Thủy, Cầu Giấy, nhiều bốt điện được trang trí họa phẩm sinh động, từ hoa cho đến các thông điệp về giao thông, nếp sống văn hóa nơi đô thị... Nhưng không ít bức vẽ này bị dán đè quảng cáo về sản phẩm, nhà hàng, tìm người, bơm vá xe, thông hút bồn cầu…
Bà Hoa, một người bán trá đà lâu năm trên phố Trần Đăng Ninh bức xúc: "Lúc người ta dán quảng cáo đủ các thứ, lúc thì tuyển nhân viên, tìm việc làm... Họ không dán ban ngày mà toàn ban đêm. Bên điện lực có tới xé bỏ đi, nhưng vài hôm sau lại có rao vặt khác đè lên".
Một thành viên trong dự án cũng phản ánh đã có tình trạng xịt sơn lên các bức tranh mà họ kỳ công vẽ. "Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều công sức, ý tưởng, đó là sản phẩm của sự nỗ lực tập thể nên rất đau lòng khi nhìn thấy tranh mình vẽ bị bôi bẩn”, anh này chia sẻ.
Một bức tranh trên bốt điện đã bị "bức tử" bởi quảng cáo vặt trên phố Trần Đăng Ninh |
Ông Hùng, một người làm nghề mua xe máy cũ trên phố Trần Đăng Ninh, không giấu được tiếc nuối khi các bức tranh bị "bôi bẩn". Theo ông, việc vẽ tranh lên bốt điện đã biến các bốt điện thô kệch vốn bị dán quảng cáo dày đặc, nhem nhuốc thành không gian tươi vui, lạ mắt. Nếu không có giải pháp kịp thời thì chẳng bao lâu, bốt điện lại... hoàn hình thành bốt điện rao vặt.
"Muốn hạn chế tình trạng dán quảng cáo rao vặt lên bốt điện đã vẽ thì cơ quan chức năng cứ gọi theo số điện thoại quảng cáo đó phạt thật nặng. Làm nghiêm thì ai cũng sợ”, ông Hùng đề xuất.
Bí thư Đoàn Thanh niên phường Mai Dịch Trương Thị Minh Tâm cho biết, cơ quan chức năng thực hiện chỉnh trang các bốt điện không chỉ hướng tới mục tiêu là đẹp mà còn gửi gắm vào đó các thông điệp trong quy tắc ứng xử nơi công cộng. Trước khi triển khai chỉnh trang các bốt điện, phường đã có trao đổi với ngành điện lực để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong quá trình thực hiện, Đoàn Thanh niên phường vận động các đoàn viên đóng góp sức lực và tiết kiệm tối đa chi phí. Người vẽ tranh lên các bốt điện đều là giáo viên tại các trường học trên địa bàn. Sau khi hoàn thiện quá trình vẽ, tranh được phủ sơn bóng để đảm bảo độ bền.
Bà Tâm cũng bày tỏ bức xúc khi nhận thông tin nhiều bốt điện sau khi được trang trí đã bị dán quảng cáo và cho biết sẽ điều lực lượng đoàn viên gỡ bỏ cũng như giám sát, nhắc nhở người dân không vi phạm.
Tranh vừa vẽ xong, quảng cáo lại xuất hiện chèn lên trên phó Nguyễn Phong Sắc |
Hanoi Art Space, đơn vị triển khai dự án cho biết, thành viên đơn vị vẽ tranh theo chủ đề 12 mùa hoa Hà Nội nhằm góp phần làm đẹp thành phố, kinh phí thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Theo họa sĩ Đỗ Mạnh, thành viên dự án, trước khi đặt bút, các họa sĩ phải đến khảo sát vị trí để lựa chọn nội dung, màu sắc phù hợp với không gian xung quanh. Họa sĩ phải làm sạch bề mặt tủ điện để đảm bảo độ bám, bền màu. Sau khi vẽ xong, tủ điện sẽ được phủ một lớp sơn chống bụi bẩn và ảnh hưởng của thời tiết. Trung bình màu vẽ có độ bền khoảng 2 năm.
Trong quá trình vẽ, họa sĩ sẽ "né" biển cảnh báo nguy hiểm về điện để bốt điện sau khi vẽ dù sặc sỡ thu hút sự chú ý hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho mọi người, nhất là trẻ em.
Dự kiến, dự án không chỉ triển khai với tủ điện/bốt điện mà có thể thực hiện trên thùng rác, nhà vệ sinh…, để cảnh quan để Hà Nội sinh động, xanh và sạch đẹp hơn.
Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (trường Tiểu học Dịch Vọng B) Nguyễn Văn Quyết cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy, Quận đoàn và UBND phường Dịch Vọng, Đoàn Thanh niên phường đã ra quân bóc quảng cáo rao vặt trái phép trên các bốt điện, chỉnh trang lại hình vẽ bắt mắt.
Đoàn Thanh niên phường đã thực hiện được trên gần 100 bốt điện ở 5 tuyến phố gồm Khúc Thừa Dụ, Tô Hiệu, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Khánh Toàn và trục đường Cầu Giấy.
"Việc người dân dán quảng cáo rao vặt là rất khó phát hiện vì họ dán vào đêm tối. Chỉ mong là ý thức người dân tốt hơn để chung tay xây dựng thủ đô văn minh", ông Quyết nói.