Trước đó, tình trạng gỗ lớn trong vùng rừng tự nhiên rộng hàng trăm hecta ở Hóa Sơn – khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng bị lâm tặc khai thác, đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của chủ rừng, kiểm lâm, biên phòng cũng như chính quyền địa phương.
Ngay sau đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm điểm, kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan và tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt khu vực rừng này.
Thực hiện chỉ đạo, Cty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình đã tiến hành kiểm điểm, kỷ luật đối với các cá nhân, đơn vị liên quan; Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình và Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (đơn vị thuộc Ban quản lý VQG này) cũng tiến hành họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân không làm tốt nhiệm vụ, để xảy ra nạn lâm tặc phá rừng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng có văn bản đồng ý việc lập chốt liên ngành (có barie) đặt trên con đường độc đạo nối từ xã Hóa Sơn ra
đường Hồ Chí Minh để thuận lợi cho việc kiểm soát, kiểm tra lâm sản. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã ban hành ngay quyết định về việc thành lập tổ công tác thực hiện nhiệm vụ chốt chặn, truy quét lâm tặc, kiểm tra kiểm soát lâm sản tại địa bàn xã Hóa Sơn. Đồng thời đề xuất lực lượng Chi nhánh Lâm trường Minh Hóa (đơn vị thuộc Cty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình), Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, Đồn Biên phòng Cà Xèng, Công an huyện Minh Hóa tham gia thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm tra liên ngành này.
Chốt kiểm tra liên ngành có quy chế hoạt động rõ ràng giữa các lực lượng. Theo ghi nhận của phóng viên Báo PLVN, sau khi chốt kiểm soát đi vào hoạt động, các hành vi vi phạm lâm luật, khai thác, vận chuyển lâm sản đã giảm đi rõ rệt, khi mà trước đây tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản diễn ra phức tạp ở Hóa Sơn, nhiều người dân địa phương đã bỏ hoang đất sản xuất để vào rừng khai thác lâm sản. Nhưng đến nay, ý thức người dân đã thay đổi, họ trở lại với những mảnh đất mà trước đó họ bỏ hoang để trồng trọt.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, chốt kiểm soát liên ngành đã cùng phối hợp xử lý 9 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 5 vụ vi phạm hành chính, tạm giữ 1 xe ô tô, 4 chiếc xe máy, 1,6m3 gỗ lậu các loại từ nhóm II đến nhóm VI. Theo đó, tình trạng chống đối, hành hung người thi hành lâm luật ở Hóa Sơn trước đây đã không còn tái diễn.
Riêng lực lượng Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn – Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân giao nộp được 26 khẩu súng tự chế; vận động gia đình ông Đinh Ngọc Toàn (ở thôn Thuận Hóa) tự nguyện giao nộp 1 cá thể khỉ vàng cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý VQG này cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên.
Ông Trần Mạnh Luật - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cho biết: “Từ đầu năm đến nay, công tác quản lý bảo vệ rừng ở Hóa Sơn đã được triển khai thường xuyên, kịp thời và hiệu quả. Chốt kiểm soát liên ngành đi vào hoạt động đã cắt đứt được đường dây khai thác, mua bán và vận chuyển gỗ lậu. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng khác thường xuyên thực hiện kiểm tra, kiểm soát không chỉ ở Hóa Sơn mà còn mở rộng ra các địa bàn giáp ranh như: Trung Hóa, Thượng Hóa, Trọng Hóa, Hóa Tiến… để tạo ra được một vành đai bảo vệ rừng ổn định cho cả khu vực rừng này”.
Ông Lê Thanh Tịnh - Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng phấn khởi cho biết: “Rừng Hóa Sơn là một trong những vùng đệm quan trọng của vùng lõi VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Nỗ lực của các lực lượng liên ngành đã “xóa sổ” được điểm nóng gỗ lậu này và tránh được nguy cơ “lâm tặc” sẽ tràn vào vùng lõi VQG – nơi có diện tích rừng nguyên sinh rất rộng lớn, nhưng lực lượng lại mỏng và đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ”.
Kiểm lâm Quảng Bình bị tấn công
Chiều 13/7, kiểm lâm viên Nguyễn Văn Phổ của Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa, trực thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đi tuần tra qua nhà ông Trần Xuân Phúc (ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) thì bị ông Phúc và Trần Xuân Hoàng, Trần Xuân Huy (cùng trú xã Thượng Hóa) dùng xe máy chặn lại. Ông Phúc đã đấm mạnh vào anh Phổ, sau đó những người còn lại cùng lao vào hành hung anh Phổ. Riêng đối tượng Hoàng đã dùng đá đập thẳng vào mặt làm anh Phổ bị thương khá nặng. Anh Phổ đã bỏ chạy nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục đuổi theo hành hung. Trước sự việc trên, Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã có văn bản đề nghị Công an huyện Minh Hóa điều tra, xử lý.
Theo Hạt Kiểm lâm VQG này, tình trạng tấn công, đe dọa lực lượng kiểm lâm đã xuất hiện trở lại vào thời gian gần đây. Ngày 23/5, cũng tại Thượng Hóa, một tổ công tác của kiểm lâm đang làm nhiệm vụ tại Chốt kiểm tra lâm sản Pà Nùn thì phát hiện 1 đối tượng điều khiển xe máy có dấu hiệu khả nghi. Kiểm lâm ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra, nhưng đối tượng bỏ chạy và khi tiếp cận, đối tượng đã dùng dao rạch vào tay kiểm lâm viên Trần Văn Giáp.
Ngày 7/7, Hạt Kiểm lâm Phong Nha – Kẻ Bàng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch và Công an xã Sơn Trạch tiến hành làm việc với một số hộ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) để vận động người dân không tàng trữ, mua bán, khai thác, chế biến gỗ hương giáng trái phép. Khi lực lượng công tác đến tại nhà nghỉ Phong Nha BackPacker Hostel và phát hiện có 5 gốc và 2 khúc gỗ hương giáng lậu trưng bày ở phòng khách. Lực lượng kiểm lâm yêu cầu chủ nhà nghỉ phối hợp để xử lý, nhưng nhiều người dân xung quanh đã kéo đến chửi bới và tẩu tán toàn bộ tang vật. Không dừng lại ở đó, chủ nhà nghỉ này là bà Nguyễn Thị Lý đã đóng cửa lại cho mọi người hành hung lực lượng kiểm lâm, rất may tổ công tác đã kịp thoát ra ngoài.