Quân đội Syria ngày 20/7 đã tích cực phản công sau khi lực lượng nổi dậy Syria giành nắm quyền kiểm soát các cửa khẩu với Iraq trong ngày giao tranh đẫm máu nhất của cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc lần thứ 3 phủ quyết một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Syria.
Một cửa khẩu gần Iraq đã bị quân nổi dậy chiếm giữ. Ảnh: BBC |
Quân nổi dậy ngày 19/7 đã mở đợt tấn công tại biên giới phía Đông trong khi quân chính phủ tập trung nguồn lực tại Damascus. Lực lượng chính phủ đã lần đầu tiên dùng đến hỏa lực xe tăng tại thủ đô trong nỗ lực đánh bật quân nổi dậy ra khỏi thành phố, một ngày sau vụ đánh bom giết chết 4 phụ tá hàng đầu của ông Assad.
Ngày 20/7, chính quyền Damascus tuyên bố đã quét hết quân nổi dậy tại một quận trung tâm của thủ đô. Truyền hình quốc gia Syria cùng ngày cho hay, giám đốc cơ quan tình báo Syria Hisham Bekhtyar cũng đã tử vong sáng 20/7 vì những vết thương nặng trong vụ đánh bom hôm 18 vừa qua.
Thông tin về cái chết của ông Bekhtyar được đưa ra trong lúc Syria tổ chức lễ tang cho 3 quan chức an ninh khác cũng thiệt mạng trong vụ đánh bom, gồm có anh rể ông Assad, Bộ trưởng Quốc phòng và một cựu tướng lĩnh quân đội.
Giữa lúc này, Thứ trưởng Nội vụ Iraq cho biết các tay súng của Quân Giải phóng Syria (FSA) đã nắm quyền kiểm soát tất cả các cửa khẩu giữa 2 nước. Ông Adnan al-Assadi cũng nói thêm rằng Baghdad đang xem xét việc đóng cửa biên giới sau các cuộc giao tranh đẫm máu của quân nổi dậy và các lực lượng chính phủ.
“Tất cả các cửa khẩu tại biên giới giữa Iraq và Syria đều đo FSA kiểm soát” – ông al-Assadi nói. Tại một số thời điểm, 2 cửa khẩu gần Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã rơi vào tay quân nổi dậy.
Tổ chức giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, ít nhất 248 người, trong đó có 109 dân thường, 93 binh lính chính phủ, 46 phiến quân, đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ngày 19/7, con số lớn nhất từ khi tình trạng hỗn loạn xảy ra. Sự bùng phát các cuộc giao tranh đã khiến cho hàng ngàn người Syria lũ lượt di tản qua biên giới Syria. Một quan chức ở Beirut cho hay, gần 19.000 người dân Syria đã sang Lebanon trong khi các quan chức Iraq nói rằng hàng ngàn người Iraq di cư đã buộc phải từ Syria về nước.
Quân đội Syria đã cho người dân 48 giờ để rời các khu vực của thủ đô – nơi đang xảy ra các cuộc đụng độ ác liệt giữa lực lượng an ninh và quân nổi dậy – trước khi tháng ăn chay Ramadan bắt đầu từ ngày 20/7.
Nga ngày 20/7 đã lên tiếng bác bỏ những chỉ trích của phương Tây về quyết định phủ quyết của mình tại cuộc bỏ phiếu ngày 19/7. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói rằng bản dự thảo nghị quyết mà Nga và Trung Quốc đã phủ quyết ngày 19/7 “hoàn toàn không thực tế” và kêu gọi các nước phương Tây gia tăng áp lực lên quân nổi dậy Syria để buộc họ ngừng các cuộc giao tranh.
Trong khi đó, một tờ báo hàng đầu của Trung Quốc cáo buộc phương Tây đang tìm kiếm sự bật đèn xanh cho việc can thiệp quân sự vào Syria. “Thẳng thắn mà nói, các nước phương Tây đang cố thúc giục LHQ bỏ phiếu cho nghị quyết trừng phạt để được bật đèn xanh cho hành động can thiệp quân sự của họ” – tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc ngày 20/7 viết.
Ngày 19/7, tại trụ sở LHQ ở New York, Nga và Trung Quốc đã lần thứ 3 trong 9 tháng qua dùng quyền phủ quyết của thành viên thường trực Hội đồng Bảo An (HĐBA) để ngăn cản một nghị quyết về Syria. “Nghị quyết này sẽ mở đường cho việc gây áp lực bằng biện pháp cấm vận và sau đó là can thiệp quân sự từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của Syria” - đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin giải thích về lý do phủ quyết của Nga. Còn Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông nói các nước phương Tây “đã nhầm lẫn, không phân biệt đúng sai” về Syria.
Phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Ả rập (AL) Kofi Annan đã bày tỏ sự thất vọng về việc HĐBA tiếp tục không đạt được thỏa thuận. Mỹ trong khi đó chỉ trích “quyết định rất đáng tiếc” của Trung Quốc và Nga. “Không còn nghi ngờ gì về việc tương lai của Syria sẽ không có ông Bashar al-Assad. Những ngày nắm quyền của ông ta đang được đếm ngược” – Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ Barack Obama – ông Jay Carney cảnh báo.
Washington nói rằng HĐBA đã “hoàn toàn thất bại” về Syria và rằng Mỹ sẽ tìm các cách tiếp cận khác đối với cuộc xung đột tại Syria, trong đó có nhóm Những người bạn của Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông William Hague thì phê phán Nga và Trung Quốc rằng các nước này “quay lưng lại với người dân Syria trong những giờ đen tối nhất của họ”.
Anh và Pakistan đã đề xuất việc kéo dài hoạt động của Phái bộ ủy nhiệm của LHQ tại Syria (UNSMIS) và trong bối cảnh bế tắc của HĐBA thì một cuộc bỏ phiếu về cả 2 vấn đề có thể sẽ được bỏ phiếu ngay trong ngày 20/7, chỉ vài giờ trước khi phái bộ kết thúc nhiệm vụ 90 ngày của mình.
Minh Ngọc (Theo AFP, Reuters)