Rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường đang là vấn đề bức xúc ở khu vực nông thôn. Nhưng trách nhiệm thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở nơi này thuộc về ngành nào, cơ chế, kinh phí hoạt động ra sao vẫn chưa được xác định rõ.
Nhiều mà vẫn thiếu
Trong cùng một huyện, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đồng thời tồn tại nhiều cách thức. Đây là thực tế ở huyện An Lão. Địa phương này có 17 xã, thị trấn, nhưng có xã 100% số hộ dân tự thu gom, xử lý rác, 6 xã tổ chức thu gom, xử lý rác và bố trí bãi chôn lấp rác thải; khu vực thị trấn An Lão do Hạt quản lý đường bộ phụ trách thu gom, xử lý rác. Ngay trong mô hình thu gom rác cũng có nhiều cách thức quản lý khác nhau. Trong 6 xã có tổ chức thu gom, xử lý rác, nơi do Hội Phụ nữ tổ chức lực lượng, trang bị vật chất thành lập tổ thu gom như các xã Quang Trung, Thái Sơn; nơi do xã đứng ra thành lập như An Thọ, nơi do từng thôn tự tổ chức như các thôn Khúc Giản, Tiên Hội của xã An Tiến. Nhiều mô hình nhưng chỉ lượng nhỏ rác thải được thu gom. Nhiều gia đình không biết đổ rác ở đâu, vứt đầy trên đường, ao, hồ, sông ngòi, mương máng. Tại các điểm giáp ranh giữa các xã An Thắng-Trường Sơn, An Thắng- An Tiến, Quốc Tuấn-Quang Trung, Trường Tho-Bát Trang, một số điểm thuộc tuyến đường 354, đường 360,...xuất hiện các điểm tập kết rác tự phát với khối lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường.
Ngay trong mỗi mô hình hoạt động cũng có nhiều hạn chế, không có cơ chế, quy định hoạt động cụ thể. Nơi nào có điều kiện thì làm, không có thì...thôi. Kinh phí phục vụ công tác này đều do xã hội hoá và ngân sách các xã tự lo. Đây là lý do chưa phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình. Chủ tịch UBND xã An Thái Mai Hồng Thái cho biết: Rất mong thành lập đội thu gom rác thải trên địa bàn xã, nhưng sau 3-4 lần di chuyển vị trí tập kết rác thải, người dân vẫn kiến nghị vì gây ô nhiễm môi trường, xã đành thôi. Hiện 100% số rác sinh hoạt do hộ dân tự thu gom, xử lý. Chủ tịch UBND xã An Thọ Phạm Văn Lục cho biết: Địa phương xây dựng mô hình thu gom, xử lý rác thải, bố trí bãi chôn lấp tập trung. Các tổ, đội thu gom do xã thành lập, đầu tư mua sắm trang thiết bị ban đầu và thu phí 10.000 đồng/hộ/tháng. Số thu này chỉ đủ để trả lương cho người làm việc thu gom rác. Còn kinh phí xử lý rác thải ở bãi rác tập trung xã lo, bình quân mỗi năm vài chục đến 100 triệu đồng, trong khi nguồn thu của xã hạn chế. Huyện An Lão có 6 đơn vị tổ chức thực hiện mô hình thu gom và bố trí bãi chôn lấp rác thải. Hầu hết bãi chôn rác không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Đối chiếu quy định về các bãi, khu chôn lấp rác thải rắn, 6 bãi chôn lấp rác thải của các xã ở An Lão đều không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Chỉ riêng về diện tích tối thiểu là 10 ha trở lên, nhưng hiện chỉ có 1 bãi chôn lấp của xã An Thọ diện tích hơn 10.000m2, còn lại đều 2500 m2, 1000 m2, có bãi chỉ 900 m2,…Trong khi đó, việc xử lý rác thải ở các bãi hiện rất sơ sài, đốt và lấp đất là phổ biến. Từ thực tế việc quản lý, xử lý rác thải ở huyện An Lão cho thấy, công tác này đang đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng có giải pháp tích cực để “cứu” môi trường ở khu vực nông thôn, ngoại thành.
Không rõ cơ chế, trách nhiệm
Thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn nhưng hầu hết áp dụng cho khu vực đô thị và khu công nghiệp. Nghị định 59/2007/NĐ-CP quy định về các hoạt động quản lý chất thải rắn có thể áp dụng đối với khu vực nông thôn, nhưng lại thiếu sự phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng ngành, cấp. Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2000 là văn bản pháp quy quan trọng nhất đối với vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn, song lại chưa đề cập đến quản lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt và vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt bất cập trong phân công trách nhiệm giữa các cấp trong công tác quản lý chất thải.
Trong khi đó, một số văn bản đã ban hành rất khó áp dụng đối với khu vực nông thôn. Thông tư liên tịch của Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Xây dựng hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn. Các tiêu chuẩn quy định trong thông tư rất khó áp dụng cho các bãi chôn lấp chất thải rắn quy mô nhỏ cho cấp xã. Đặc biệt đối với các vùng đồng bằng khó có thể tìm được địa điểm chôn lấp đáp ứng các yêu cầu trong thông tư. Thông tư số 13/2007/BXD hướng dẫn thực hiện nghị định 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải chủ yếu hướng dẫn quy hoạch quản lý chất thải rắn nguy hại, quản lý chất thải rắn liên vùng, liên đô thị. Trong khi khu vực nông thôn chủ yếu là quản lý chất thải rắn theo xã, thị trấn, thậm chí theo cụm dân cư thôn xóm, gia đình. Thiếu cơ chế hoạt động, việc bố trí kinh phí phục vụ công tác này hạn chế, chủ yếu do ngân sách các xã, huyện và người dân đóng góp.
Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, rác thải nông thôn ngày càng tăng. Tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực này, đang diễn ra nghiêm trọng. Do những đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tập quán sinh sống, việc thu gom, xử lý rác thải nông thôn cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hướng dẫn cụ thể, phân công rõ trách nhiệm giữa các cấp và cộng đồng dân cư; đồng thời có cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia xử lý môi trường, thu gom chất thải, rác thải nông thôn./.