Đánh giá tầm quan trọng của Luật Quản lý ngoại thương, ông Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội, ĐB QH tỉnh Bình Thuận nói: "Dự án Luật Quản lý ngoại thương là dự án luật quan trọng, nó tiếp tục hòan thiện hệ thống pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Nhất là trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, tôi rất ủng hộ sự cần thiết."
Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn rất nhiều điều khiến ông băn khoăn: "Rõ ràng, đây là một đạo luật khó. Bởi vấn đề chúng ta xử lý quy định pháp luật về ngoại thương của Việt Nam với nhiều nước. Đặc biệt, khi chúng ta đã là thành viên của WTO. Điều đầu tiên chúng ta phải tuân thủ các quy định quốc tế đối với thành viên của WTO. Nhiều hiệp định thương mại rất quan trọng."
Ông cho rằng có rất nhiều quy định còn chưa ổn ở luật này, đó là vấn đề quản lý Nhà nước về ngoại thương. "Dự án luật chỉ quy định rõ vai trò của Bộ Công thương và các bộ, ngành ở Trung ương. Vai trò của các địa phương, nhất là các địa phương ở biên giới liên quan đến câu chuyện biên mậu còn chưa được đề cập. Ngay cả các tỉnh trong đất liền, thương nhân, thương lái vào Việt Nam, thu gom, dùng các biện pháp phi thương mại, cạnh tranh không lành mạnh để thúc đẩy thu gọm hàng hóa thì giải quyết như thế nào, vấn đề vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý thương mại như thế nào… thì rõ ràng dự án luật chưa được mở rộng.
Hay vấn đề khác như nội luật hóa quy định khi Việt Nam tham gia thương mại quốc tế. Rõ ràng là chúng ta chưa có những bước tiến cụ thể trong Luật." - ĐB nói.
Dẫn kết quả của một cuộc khảo sát, Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội cho biết: Một cuộc khảo sát 500 doanh nghiệp ở VN vào tháng 12 năm 2015 cho thấy mức hiểu biết của DN còn hạn chế. Có hơn 86% doanh nghiệp được hỏi, thì hơn 60 % doanh nghiệp không biết gì về WTO.
Do đó, điều đặt ra là chúng ta phải có những quy định cụ thể hơn trong Dự án luật này. Thứ nhất là để nâng cao sự hiểu biết của doanh nghiệp về WTO. Thứ 2 là cách thức để thi hành các cam kết của chúng ta. Bởi vì thực tế là các cam kết của Việt Nam không được áp dụng trực tiếp vào Pháp luật của VN mà phải nội luật hóa.
"Nếu chúng ta cứ nội luật hóa một cách chung chung mà không đầy đủ so với các pháp lệnh mà chúng ta đã có thì còn thiếu vắng những quy định rất nền tảng, cơ bản." - ông nhấn mạnh.
Theo ĐB, cần làm cẩn trọng hơn, chi tiết hơn, phải có những quy định như thế để tránh các thủ tục hành chính, tránh tình trạng không rõ ràng, mập mờ, tránh cơ chế xin cho.
"Bởi một lần cấp phép, nhập khẩu, xuất khẩu , cho phép tạm nhập tái xuất… nếu quy trình thủ tục không rõ ràng thì nó sẽ gây nhầm lẫn, tạo cơ chế xin cho, phù thuộc vào sự tùy tiện của cơ quan quản lý."