Quản lý nghệ sĩ từ góc nhìn pháp luật

Hình ảnh phản cảm trong đêm nhạc SpaceSpeakers.
Hình ảnh phản cảm trong đêm nhạc SpaceSpeakers.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cũng như mọi công dân trong xã hội, nghệ sĩ khi làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bên cạnh sự điều chỉnh của pháp luật, nghệ sĩ còn phải chịu sự điều chỉnh của các quy tắc ứng xử dành riêng cho nghệ sĩ.

Khi nghệ sĩ thiếu chuẩn mực

Thời gian qua, không ít nghệ sĩ đã làm khán giả thất vọng khi có những hành vi lệch chuẩn, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, thậm chí ngang nhiên vi phạm pháp luật.

Một bộ phận nghệ sĩ khác thì lợi dụng sự nổi tiếng của mình để quảng cáo sai sự thật, mở những trang bán hàng online, nhập hàng lậu, hàng nhái, sản phẩm không rõ nguồn gốc về bán cho khán giả. Như T.T., một cựu người mẫu trong những buổi livestream của mình thường công khai đăng bán những sản phẩm nhái thương hiệu nước ngoài, bất chấp phạm luật.

Có nghệ sĩ thì bị lên án vì lối sống sa đọa, thiếu chuẩn mực, gây tổn thương tình cảm cho những người xung quanh, có hành vi bạo lực với bạn đời, người yêu... Nhiều nghệ sĩ khác thì có những hành vi khiến khán giả ngán ngẩm như ăn mặc phản cảm, nói tục, chửi thề văng mạng. Một nam ca sĩ “nổi tiếng” trên mạng xã hội vì những câu chửi thề rất “điệu nghệ” và liên tục trên trang cá nhân của mình. Nam ca sĩ này, khi đi du lịch nước ngoài thậm chí còn có đoạn clip bình luận thô tục, phản cảm về phụ nữ Việt Nam trước du khách nước ngoài.

Trong lĩnh vực biểu diễn, vì thu hút khán giả, không ít nghệ sĩ sẵn sàng đi quá giới hạn, tham gia hoặc tự thực hiện các chương trình thiếu thuần phong mỹ tục, độc hại.

Có thể kể đến vụ việc nổi cộm quanh show diễn Kosmik Live Concert với 5.000 khán giả tham gia diễn ra hồi cuối năm ngoái. Mặc dù được đánh giá chất lượng âm nhạc không tệ, đầu tư dàn dựng tốt nhưng đêm diễn đã khiến khán giả bức xúc vì có nhiều tiết mục rất phản cảm. Trong một tiết mục, nam ca sĩ Binz xuất hiện trên một chiếc giường cùng người mẫu nữ ăn mặc gợi cảm. Trong khi trình diễn, nam rapper có động tác rưới bia lên phần ngực của cô gái. Ở một tiết mục khác, ca sĩ và vũ công có nhiều màn tương tác làm khán giả liên tưởng đến những hành vi tình dục. Cạnh đó còn có những màn múa cột bốc lửa khiến không khí đêm diễn đi quá đà, như trong một sàn nhảy.

Không chỉ thế, nhiều sản phẩm âm nhạc đưa đến công chúng, không hiểu nghệ sĩ vì nhận thức lệch lạc hay vì cố tình muốn nổi tiếng mà tạo ra những sản phẩm “rác” với phần nội dung thô tục, phi nhân văn, phá bỏ những giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Còn có những hình ảnh thác loạn, phản cảm, hở hang, khơi gợi phần “con” xuất hiện trong nhiều MV âm nhạc, nhiều bộ phim ngắn trên mạng.

Đáng để lên án, một số nghệ sĩ còn có những suy nghĩ, nhận thức hết sức lệch lạc về vật chất. Họ có những phát ngôn ca ngợi giá trị “vạn năng” của đồng tiền, cổ súy lối sống bản năng, ích kỉ, chủ nghĩa vật chất. Họ đua đòi, chạy theo lối sống lãng phí, xa xỉ, thi nhau khoe của, khoe hàng hiệu. Họ tham gia các đường dây mại dâm, gái gọi, trở thành “đồ chơi” cho các đại gia nhiều tiền, lắm của. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ sẵn sàng lao vào những người có gia đình, vi phạm chế độ một vợ, một chồng để thỏa mãn những nhu cầu sống hết sức lệch lạc của bản thân.

Những nghệ sĩ ấy không chỉ đã vi phạm những chuẩn mực đạo đức của xã hội, vi phạm pháp luật mà hành vi của họ rất nguy hại, vì với sức ảnh hưởng của mình, sự sai phạm ngang nhiên của họ khiến một bộ phận trong xã hội có nhận thức lệch lạc, a dua, đua đòi theo lối sống sai lầm, gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Chính vì thế, những hành vi này không chỉ bị lên án, bị xử lý theo pháp luật mà còn cần có những biện pháp mạnh hơn nhằm chế tài, ngăn chặn.

Một tiết mục phản cảm.

Một tiết mục phản cảm.

Chế tài cho sai phạm của nghệ sĩ

Sau những hành vi sai trái, không ít nghệ sĩ đã nhận những xử phạt từ cơ quan chức năng. Thế nhưng, hầu hết đều là những mức phạt không đủ sức để răn đe hay ngăn chặn. Như câu chuyện quảng cáo sai sự thật của nghệ sĩ, các nghệ sĩ vi phạm đã nhận mức xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các chế tài này dường như còn quá nhẹ so với những lợi ích lớn mà nghệ sĩ nhận được sau mỗi hợp đồng quảng cáo, thế nên, sau một thời gian “ẩn mình” để dư luận dịu xuống, người ta vẫn thấy nhiều nghệ sĩ vẫn nhận lời quảng cáo cho những sản phẩm nguồn gốc không rõ ràng, những sàn cờ bạc lậu. Làm sao để ngăn chặn triệt để hành vi gây hại cho người tiêu dùng từ những quảng cáo sai phạm của nghệ sĩ là câu hỏi cấp thiết đặt ra cho cơ quan quản lý.

Tại phiên thảo luận góp ý về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, tình trạng một số nghệ sĩ Việt Nam quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật đã được báo chí lên án nhưng chế tài đối với các vấn đề này vẫn chưa được xây dựng đầy đủ.

Vị đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lần này cần quy định hành vi chuyển tải các quảng cáo sai sự thật là một trong các hành vi cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quảng cáo, cho phép quảng cáo đối với các sản phẩm này đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Cạnh đó, đối với những hành vi phạm luật rõ ràng như hành hung người khác, vi phạm chế độ một vợ, một chồng, bán hàng giả, hàng lậu, tung tin giả gây hoang mang dư luận, vi phạm sở hữu trí tuệ... thì có thể chế tài theo quy định pháp luật, nhưng các hành vi thuộc phạm trù đạo đức như ăn mặc, phát ngôn phản cảm, lối sống trụy lạc không lành mạnh... thì khó lòng để xử lý rốt ráo.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả, có nội dung nêu rõ nghệ sĩ cần ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật với công chúng, khán giả. Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức. Đây chính là bộ khung, đặt ra tiêu chuẩn để nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật điều chỉnh hành vi ứng xử sao cho chuẩn mực.

Tuy nhiên, dù Bộ Quy tắc đã ban hành hơn 2 năm, nhưng nhiều nghệ sĩ dường như vẫn có thái độ “lờn”, bất chấp các quy tắc để hành xử theo bản năng hay làm theo lợi ích cá nhân, xem thường khán giả. Chính vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay là cần những chế tài nào đủ nghiêm hơn nữa để xử lý các sai phạm của nghệ sĩ, hạn chế những hệ quả xấu do hành xử lệch lạc của họ đến cộng đồng.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng Phòng thông tin điện tử, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý những cá nhân hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật.

Theo đề nghị, ngoài Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành sẽ có thêm những đề xuất cấm sóng, cấm diễn, cấm mạng... đối với nghệ sĩ vi phạm đạo đức, pháp luật.

Ý kiến này đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của công chúng. Hy vọng rằng, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ áp dụng thêm những quy định chặt chẽ nhằm giúp nghệ sĩ đi vào khuôn phép, ý thức rõ hơn những trách nhiệm và sứ mệnh của bản thân. Đồng thời, xử phạt hợp lý, răn đe làm gương những nghệ sĩ vì danh vọng, vì lợi ích vật chất hay cái tôi cá nhân mà đi quá giới hạn, gây ra những hệ quả không hay cho xã hội, cho cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục

Để phụ nữ tự tin khẳng định mình: Cần thay đổi các định kiến từ xã hội

Để phụ nữ tự tin khẳng định mình: Cần thay đổi các định kiến từ xã hội

(PLVN) -  Bà Tống Khánh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực Phụ nữ (CEPEW), khẳng định: “ Định kiến xã hội vẫn là rào cản lớn nhất đối với phụ nữ trong việc khẳng định vị trí của mình… Để phụ nữ tự tin khẳng định bản thân, cần thay đổi các định kiến từ xã hội”. Bà nhấn mạnh rằng việc tạo ra môi trường an toàn và tích cực, cùng với nâng cao nhận thức về quyền lợi và năng lực của phụ nữ, sẽ giúp họ phát huy tiềm năng và đóng góp tích cực cho xã hội .

Đọc thêm

Chưa khẳng định có hay không 18.000 lít dầu DO trên tàu hàng chìm ở biển Quảng Nam

Chưa khẳng định có hay không 18.000 lít dầu DO trên tàu hàng chìm ở biển Quảng Nam
(PLVN) - Theo các thuyền viên tàu hàng An Bình Phát 68, khi tàu gặp nạn, chìm ở vùng biển Quảng Nam thì trên tàu có 18.000 lít dầu DO. Tuy nhiên, Đại tá Trần Tiến Hiền cho hay, việc 18.000 lít dầu DO trên tàu hàng An Bình Phát 68 là thuyền trưởng khai báo như vậy, chứ không thể khẳng định được là có đúng hay không.

Lạng Sơn nỗ lực giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Lạng Sơn nỗ lực giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
(PLVN) - Dự án đường bộ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nằm trong danh sách các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Xác định rõ tầm quan trọng của dự án, địa phương có dự án đi qua đang nỗ lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á sẽ tổ chức tại Quảng Ninh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh (hàng trước, thứ ba từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Lễ công bố Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024.
(PLVN) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân (CAND) và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an đăng cai, Hiệp hội Thể thao CAND Việt Nam và Liên đoàn Taekwondo Cảnh sát thế giới sẽ phối hợp tổ chức Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024.

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt
(PLVN) - Sau nhiều năm giữ nguyên giá, UBND Thành phố Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 01/11/2024. Với những tuyến có cự ly từ 40km trở lên, giá vé sẽ tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.