Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, xác định công tác GPMB là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn luôn đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác GPMB.
“Trước đây, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là dự án cao tốc được xây dựng nhanh nhất Việt Nam một phần cũng nhờ tỉnh đã làm tốt công tác GPMB. Chúng tôi đang tiếp tục phát huy kinh nghiệm đó trong việc GPMB cho các dự án cao tốc hiện nay”, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nói và cho biết, hiện các đơn vị, địa phương đang nỗ lực trong công tác GPMB, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.
Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài khoảng 60km. (Ảnh: Minh Hữu) |
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm, công tác GPMB luôn tiềm ẩn những khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, hồi giữa năm nay, Lạng Sơn phải thực hiện nhiều thủ tục đề nghị mới được Trung ương bổ sung đủ chỉ tiêu đất giao thông cho dự án. Ngoài ra, Luật Đất đai mới 2024 có hiệu lực từ 1/8 vừa qua nhưng chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn cũng là một cản trở đối với công tác GPMB.
“Tuy nhiên, các địa phương trong tỉnh có cao tốc đi qua, trong đó có cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã rất nỗ lực trong việc thực hiện GPMB và đạt được những kết quả rất tích cực”, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá.
Theo tìm hiểu của Báo Pháp luật Việt Nam, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đi qua 4 huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn là Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP Lạng Sơn, trong đó tuyến đường chủ yếu đi qua hai huyện Chi Lăng và Cao Lộc.
Dự án đang được nhà đầu tư nỗ lực thi công. (Ảnh: Minh Hữu) |
Bà Trần Thanh Nhàn – Bí thư Huyện ủy Chi Lăng, Trưởng Ban chỉ đạo GPMB huyện Chi Lăng chia sẻ thông tin: Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đoạn qua huyện Chi Lăng có chiều dài 16,13km thuộc các xã Nhân Lý, Vân Thủy, Bắc Thủy. Diện tích thực hiện dự án là 170,038ha, trong đó đất làm đường là 157,099ha, đất làm bãi đổ thải là 12,9388ha. Tổng số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dự kiến bị ảnh hưởng là 533, trong đó 524 hộ gia đình, cá nhân và 9 tổ chức.
Để làm tốt công tác GPMB cho dự án, Ban chỉ đạo GPMB huyện đã thành lập riêng một Ban chỉ đạo GPMB cho dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn thành lập 3 Tổ công tác theo địa bàn 3 xã có dự án đi qua. Thành viên trong các Tổ chịu trách nhiệm nắm địa bàn, kịp thời xử lý các ý kiến, kiến nghị phát sinh. Cùng với đó, 3 đồng chí trong Thường trực Huyện ủy được phân công trực tiếp phụ trách hoạt động của 3 Tổ công tác để theo dõi, đôn đốc, đồng hành trong công tác GPMB.
Hàng tuần, hàng tháng Ban Chỉ đạo tiến hành họp kiểm điểm tình hình thực hiện công tác GPMB, kịp thời nắm bắt tiến độ thực hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề ra các chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Nhiều người dân huyện Chi Lăng cho biết, nhờ được tuyên truyền tốt, họ hiểu ý nghĩa của dự án, sẵn sàng phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng nhường đất cho cao tốc. (Ảnh: Minh Hữu) |
Nhờ những cách làm hay và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện, tính đến ngày 29/10/2024, Chi Lăng đã thực hiện công tác kiểm đếm đất đai, cây cối hoa màu, công trình vật kiến trúc trên đất của các hộ gia đình bị ảnh hưởng được 533/533 hộ với diện tích 115,9ha/115,9ha đạt 100%; ban hành 766 Thông báo thu hồi đất với tổng diện tích dự kiến thu hồi là 106,89ha/115,9ha đạt 93%; ban hành 14 Quyết định phê duyệt dự toán phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tạm tính cho 474 trường hợp với số tiền hơn 199 tỷ đồng với tổng diện tích thu hồi là 114,47/115,9ha đạt 98% diện tích thu hồi.
Đặc biệt, huyện Chi Lăng đã thực hiện chi trả 60% tiền bồi thường hỗ trợ tạm tính với tổng số tiền hơn 92 tỷ đồng/diện tích 110,32/115,9ha đạt 96% diện tích cần GPMB. Đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư 148,9ha/157,1ha đạt tỷ lệ 94,7%.
Dù kết quả GPMB đạt được của huyện Chi Lăng là rất tốt, tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện, đến nay UBND huyện vẫn chưa thể ban hành được Quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định, do Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, các quy định của pháp luật có liên quan về cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến ngày 28/10/2024 mới được UBND tỉnh ban hành.
Hiện, UBND huyện Chi Lăng đang thực hiện phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ thực hiện GPMB dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước ngày 31/12/2024.
Huyện Chi Lăng phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước ngày 31/12/2024. (Ảnh: Minh Hữu) |
Tại huyện Cao Lộc, chia sẻ thông tin với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Trí Thức - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cao Lộc cho biết, công tác GPMB của dự án tại huyện Cao Lộc đang được đẩy nhanh. Theo báo cáo của huyện này, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng qua Cao Lộc có tổng chiều dài 27,2 km, diện tích thu hồi là 286,24 ha, trên 1.800 hộ bị ảnh hưởng.
Tính đến hết ngày 28/10, Cao Lộc đã tiến hành thống kê kiểm đếm được 1.926 lượt hộ gia đình với tổng diện tích là 259,54 ha/262,29 ha (diện tích đất cần thu hồi), đạt 98,95%. Hiện nay còn một số hộ ảnh hưởng nhà ở đang tiến hành thống kê, kiểm đếm.
Phương án bồi thường, hỗ trợ đã phê duyệt được hơn 120 tỷ đồng, trong đó đã chi trả được hơn 105 tỷ đồng (tuyến chính hơn 73 tỷ đồng, tuyến nhánh gần 32 tỷ đồng). Đã tiến hành bàn giao mặt bằng được 118,77 ha với chiều dài tuyến là 11,85 km/27,7 km đạt 42,78% và đảm bảo thi công 6 vị trí cầu.
Công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật cũng đang được Cao Lộc khẩn trương thực hiện. Cụ thể, qua rà soát, có các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng dự án gồm: Di chuyển 332 vị trí đường điện, 32 vị trí đường viễn thông của 9 nhà mạng. Ngoài ra, dự án còn phải di dời 2 vị trí đường dây thông tin đường sắt và đường cấp nước sạch chiều dài 665m.
“Chúng tôi đang phối hợp với Sở Công thương, Điện Lực Lạng Sơn, các đơn vị viễn thông có liên quan để thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật”, lãnh đạo UBND huyện Cao Lộc cho biết.
Dự án có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng vốn Trung ương, 2.000 tỷ đồng vốn địa phương), vốn nhà đầu tư là 5.529 tỷ đồng. (Ảnh: Minh Hữu). |
Theo báo cáo của UBND huyện Cao Lộc, việc thực hiện dự án đang vướng một số khó khăn. Cụ thể, một số hộ gia đình, cá nhân chưa hợp tác nhận tiền và bàn giao mặt bằng với lý do thắc mắc đơn giá bồi thường thấp; không đồng ý nhận tạm ứng kinh phí bồi thường 80%, đề nghị được bồi thường 100% giá trị. Một số hộ dân xây dựng nhà, vật kiến trúc trái phép trên đất nông nghiệp sau thời điểm 01/7/2014 theo quy định không được bồi thường, đề nghị được bồi thường 100% giá trị và đề nghị bố trí tái định cư nên công tác tuyên truyền vận động còn gặp khó khăn.
Bản đồ địa chính đo đạc từ năm 1998 đến nay có nhiều biến động về ranh giới, hiện trạng sử dụng đất, loại đất, chủ sử dụng đất. Công tác cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính không đầy đủ, kịp thời, nhiều hộ dân khi thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… nhưng không làm các thủ tục với cơ quan chức năng, dẫn tới khó khăn cho việc xác minh, quy chủ sử dụng đất để lập hồ sơ thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Nhiều hộ gia đình trên địa bàn các xã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất theo các đợt tập thể, được cấp GCN đất rừng sản xuất. Tuy nhiên trên thực tế các hộ dân lại trồng cây lâu năm, cây ăn quả trên đất từ trước thời điểm cấp GCN. Các hộ gia đình có ý kiến thắc mắc đề nghị được bồi thường loại đất trồng cây lâu năm theo đúng hiện trạng sử dụng đất (chênh lệch bồi thường giữa đất rừng sản xuất và đất trồng cây lâu năm)....
Tập đoàn Đèo Cả - doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực hạ tầng giao thông là đơn vị đứng đầu liên danh thực hiện dự án. (Ảnh: Minh Hữu) |
Theo đại diện nhà đầu tư - Tập đoàn Đèo Cả, địa phương đã bàn giao được một số mặt bằng nhưng nhìn chung vẫn còn tình trạng xen kẹt. Nhà đầu tư mong muốn địa phương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trong công tác GPMB, đồng hành cùng nhà đầu tư sớm đưa dự án về đích.
Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài 60km (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km, đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17km). Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), loại hợp đồng BOT, do UBND tỉnh Lạng Sơn làm Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng ngân sách Trung ương, 2.000 tỷ đồng ngân sách địa phương), vốn nhà đầu tư thu xếp là 5.529 tỷ đồng.
Tập đoàn Đèo Cả - một doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực hạ tầng giao thông là đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án này.