Mới đây, tôi tới cửa hàng bán gạo tại chợ ở phố Vũ Chí Thắng (quận Lê Chân) mua 10 cân gạo bắc hương. Vẫn thường xuyên mua hàng tại đây, nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên khi người bán hàng nói giá 13.000 đồng/kg. Trước đó vài ngày, giá 1 kg gạo bắc hương chỉ khoảng 10.500 đồng. Khi tôi thắc mắc, người bán hàng trả lời “Thông cảm, miền Trung đang lụt lội như vậy, giá gạo tăng là phải”.
Không chỉ có gạo mà giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu hằng ngày như sữa, thực phẩm thịt, cá, rau, quả, gas.. cũng nhích lên. Mỗi thứ một chút nhưng rõ ràng đều ảnh hưởng tới chi tiêu tất cả gia đình, tăng thêm một khoản không nhỏ hàng tháng. Trong khi đó, việc giá cả tăng không hẳn do khan hiếm hàng mà có dấu hiệu đầu cơ, tăng giá tùy tiện của người bán khi có những thông tin kiểu như do lũ lụt dịch bệnh gia súc, gia cầm nên khan hiếm hàng, có người lại kêu giá đô la, giá vàng tăng cũng là lý do để giá các mặt hàng khác tăng theo.
Các cơ quan chức năng đều đưa ra các giải pháp, cố gắng trong việc bình ổn giá nhưng dường như chưa đủ. Điều đáng nói là việc kiểm soát giá mới chỉ phần nào tại các siêu thị, công ty, doanh nghiệp, còn tại các chợ, nhiều của hàng, đại lý vẫn bỏ ngỏ, thậm chí vi phạm các quy định về việc niêm yết giá công khai. Nhất là thời điểm cuối năm cũng nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên, càng cần sự kiểm soát chặt chẽ hơn của lực lượng quản lý thị trường.
Nguyễn Thị Kim Dung
(Tổ 15 phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân)