Theo rà soát, đề xuất địa điểm quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2050 của Sở Xây dựng, Hải Phòng có 38 CCN, không kể CCN và Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Mỗi CCN được quy hoạch diện tích từ 12 đến 500 ha. Tuy nhiên cho đến nay, cơ chế quản lý các CCN chưa rõ ràng, hiệu quả, không cao.
Vướng về quy hoạch
Theo Giám đốc Sở Công Thương Đỗ Quang Thịnh, do có nhiều CCN hình thành từ trước vào một khu vực nhất định nên công tác quy hoạch đối với các CCN này rất khó khăn, không thể xác định mặt bằng cụ thể. Ngay cả các CCN thành lập sau này cũng có nhiều vướng mắc. Các cụm được quy hoạch với diện tích lớn (có 13 cụm có diện tích 200- 500 ha), theo quy định mới cũng không còn phù hợp. Hiện Chính phủ quy định diện tích mỗi CCN 50-75 ha. Hiện tại, thành phố mới có 4 CCN có quyết định thành lập, được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đến 1/500 và có chủ đầu tư. Đó là các CCN Vĩnh Niệm, An Lão, Tân Liên, Quán Trữ. Các CCN này được đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí gần 103 tỷ đồng. Các cụm An Lão, Vĩnh Niệm, Quán Trữ thu hút 52 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và “lấp đầy” diện tích. CCN Tân Liên có diện tích 138,9 ha, cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 với diện tích 67,6 ha, đang triển khai giai đoạn 2. CCN này thu hút 10 doanh nghiệp, trong đó 3 doanh nghiệp đang hoạt động, 7 doanh nghiệp đang xây dựng nhà xưởng, diện tích cho thuê đạt 67%.
Các CCN Sở Dầu, Tiên Cường được quy hoạch nhưng không thực hiện trong đó CCN Tiên Cường của Tập đoàn Vinashin. Một số CCN mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa có chủ đầu tư là CCN Quang Phục, Ngũ Phúc, Tân Trào. Việc đầu tư các CCN hiện gặp khó khăn do kinh phí nhà nước có hạn, ít doanh nghiệp nhận đầu tư hạ tầng. Hiện quy hoạch chi tiết các CCN đều được đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố.
Chưa có ban quản lý
Trong 4 CCN trên, chỉ có 2 CCN Vĩnh Niệm và Tân Liên có ban quản lý. Trong đó, CCN Vĩnh Niệm thời gian đầu không có cơ quan chuyên quản, sau được giao cho quận Lê Chân và nay lại chuyển về Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư hạ tầng. CCN Quán Trữ thành lập từ năm 2001 đến nay chưa có ban quản lý, hệ thống giao thông, đường thoát nước chưa hoàn thiện, không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. CCN An Lão trước kia được giao cho một doanh nghiệp làm chủ đầu tư, sau khi “lấp đầy” chưa có ban quản lý. 3 CCN khác có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đang triển khai trên diện tích 534,7 ha với kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng. Đó là các CCN Gia Minh, Tiên Lãng, An Thọ- Chiến Thắng (An Lão).
Các CCN được hình thành tự phát do lịch sử để lại tại các thị tứ, làng nghề và một số khu dân cư không được quy hoạch từ đầu, hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, không xây dựng nhà máy xử lý nước thải và tất cả đều không có ban quản lý. Các CCN hiện nay đang gây ra những tác hại về môi trường, làm ô nhiễm không khí, nguồn nước…
Đưa vào nền nếp
Để có cơ sở quản lý về mọi mặt hoạt động đối với các CCN cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư, Giám đốc Sở Công Thương Đỗ Quang Thịnh cho rằng, các CCN đều cần có ban quản lý. Mô hình nên thành lập theo hướng để các công ty phát triển hạ tầng làm ban quản lý sau khi CCN đi vào hoạt động. Trước mắt để khuyến khích phát triển hạ tầng CCN, các ban quản lý có thể là đơn vị sự nghiệp có thu. Thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các CCN theo quy định tại Quyết định số 105/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý các CCN. Thành phố sớm ra quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các CCN đến năm 2025 để có sơ sở triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các CCN trên địa bàn, làm căn cứ triển khai công tác quản lý nhà nước; ra quyết định thành lập đối với CCN đang hoạt động, có đủ điều kiện nhưng chưa có quyết định thành lập. Đối với những khu vực chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển CCN, kiên quyết không chấp thuận đầu tư. Việc đầu tư xây dựng quy hoạch chi tiết nên theo hướng, ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng quy hoạch 1/2000, doanh nghiệp đầu tư xây dựng quy hoạch 1/500 để bớt gánh nặng cho ngân sách. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng mặt bằng.
Đối với các CCN do “lịch sử để lại”, nếu cụm nào có điều kiện, thành phố tạo điều kiện về quỹ đất cho xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. CCN không có điều kiện, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo đảm môi trường. Công tác quản lý môi trường các CCN phải bảo đảm chất lượng, thường xuyên theo đúng quy định về thời hạn quan trắc…
Mai Hương