Hơn 4 tháng, sau ngày phát động cuộc thi tìm hiểu “Quân khu Ba- Lịch sử và những chiến công” thiết thực chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập LLVT Quân khu (31-10-1945- 31-10-2010) có hơn 2 triệu bài dự thi gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Với tinh thần làm việc tích cực, công tâm, trong 8 ngày liên tục, Ban giám khảo chấm điểm đánh giá và lựa chọn được 15 tập thể, 48 cá nhân đoạt giải.
Tưng bừng ngày hội tụ
Hơn 7 giờ sáng, khá đông đại biểu có mặt trước tiền sảnh Hội trường Bộ Tư lệnh Quân khu.
Một cụ ông có dáng người đậm, tóc bạc trắng như cước, gây chú ý của chúng tôi, khi hỏi thăm được biết cụ là Nguyễn Đức Nhiếp, 82 tuổi, hội viên Hội Khoa học lịch sử quận Hải An. Cụ phấn khởi cho biết: “Sung sướng quá đồng chí ạ. Tôi tuy tuổi đã cao nhưng được cái vẫn còn minh mẫn và khoẻ mạnh lắm. Là người con của vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, tôi đã từng tham gia chiến đấu và chứng kiến biết bao chiến công của quân và dân ta. Khi được biết Bộ Tư lệnh Quân khu phát động cuộc thi tìm hiểu, tôi vui lắm vì cuộc thi không giới hạn chỉ cán bộ, chiến sĩ trong LLVT Quân khu, mà cả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia. Với tôi, tham gia cuộc thi vừa là niềm đam mê, vừa là tình cảm, trách nhiệm của một người con vùng châu thổ Sông Hồng. Tôi có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng các câu hỏi do Ban tổ chức đưa ra, tuy nhiên vì tuổi cao, sức yếu nên việc sưu tầm tư liệu phần lớn tôi phải nhờ con cháu giúp đỡ, còn bản thân tôi trực tiếp viết tay được hơn một trăm trang, trả lời đầy đủ nội dung các câu hỏi. So với những bài dự thi của các tác giả đoạt giải cao thì tôi chưa bằng được nhưng đó là tất cả tình cảm, tấm lòng và trách nhiệm của tuổi già này rồi”. Cụ đặt bàn tay trên ngực lấp lánh những huân, huy chương và nở nụ cười mãn nguyện, nhiều đại biểu đứng bên cạnh cũng cười theo như thêm trân trọng, cảm phục tinh thần của cụ. Cũng tại hội nghị, cụ Nguyễn Đức Nhiếp còn bắt nhịp bài hát “Chiến khu Ba”- một sáng tác của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối từ những năm 1950, thời kỳ quân và dân Quân khu Ba kháng chiến chống thực dân Pháp. Cả hội trường vỗ tay, cùng đồng thanh hát theo cụ mà trong từng lời của bài hát, lịch sử và những chiến công của vùng đất Quân khu Ba như được tái hiện về đậm nét.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Thược-Phó chính ủy Quân khu Ba trap thưởng cho các tập thể đoạt giải thưởng cuộc thi "Quân khu 3-Lịch sử và những chiến công". |
Sức lan toả
Trưởng ban giám khảo Cuộc thi tìm hiểu “Quân khu Ba- Lịch sử và những chiến công”, Thượng tá Lê Xuân Sang- Phó trưởng Phòng Tuyên huấn Quân khu cho biết: “Ban tổ chức, Ban giám khảo thực ra không bất ngờ về số lượng người tham gia cuộc thi, nhưng có những cụ già hơn 80 tuổi, những người khiếm thị và các cháu học sinh mới tròn 7 tuổi nhiệt tình tham gia thì quả thực đã tự minh chứng về sức lan toả sâu rộng trong LLVT và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Quân khu. Trong số 260 bài tiêu biểu được các địa phương, đơn vị chấm sơ khảo gửi về, Ban giám khảo chấm điểm và đánh giá, lựa chọn được 15 tập thể, 48 cá nhân vì họ không chỉ hoàn thành các phần trả lời câu hỏi do Ban tổ chức đặt ra mà còn trả lời sâu sắc, sưu tầm tư liệu công phu, có những bài dự thi trên 1.000 trang viết tay trên khổ giấy A2, A3, A4, có trọng lượng từ 7 đến 20 kilôgam. Nội dung không chỉ dừng lại ở 7 câu hỏi lịch sử do Ban tổ chức đưa ra mà được mở rộng, đưa ra các sự kiện có liên quan cả về thời gian, nhân chứng lịch sử, số liệu để chứng minh… Điều này chứng tỏ tác giả không chỉ có tâm huyết, trách nhiệm cao mà còn đọc nhiều, nhớ giỏi, tổng hợp tốt…”.
Tại các gian trưng bày bài dự thi của các tỉnh, thành phố, các đơn vị trong LLVT Quân khu, dễ dàng nhận thấy những bài thi có tính sáng tạo độc đáo về ý tưởng như bài được làm bằng tre của ông Phạm Đức Mạnh- cán bộ liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên. Hay như bài viết bằng chữ thư pháp, in chìm hình ảnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của 9 tỉnh, thành phố trên 9 tấm gỗ với kích thước lớn của đại tá Nguyễn Đình Tiết- Chỉ huy trưởng Bộ CHQS thành phố Hải Phòng… Đây là những chất liệu có độ bền cao, được tạo hình nghệ thuật, có thể trưng bày ở Bảo tàng, nhà truyền thống, phòng Hồ Chí Minh…
Trân trọng những sáng tạo độc đáo và sự đầu tư kinh phí của các tác giả, các đại biểu hôm nay cũng được tận mắt chứng kiến sự công phu trong tìm tòi sưu tầm tư liệu và miệt mài bỏ công sức viết tay đến hàng nghìn trang giấy khổ A3 như bài thi của đại uý Nguyễn Văn Hải- Trợ lý dân vận Bộ CHQS tỉnh Hải Dương ( giải đặc biệt); bài thi của thiếu tá Hoàng Hải Phong thuộc Ban Chính trị, Công ty 319 (đạt giải nhất). Nhưng thật trân trọng và cảm phục trước những bài dự thi của các tác giả là những người “đặc biệt” như ông Nguyễn Xuân Hoà- thương binh hạng 1/4 thuộc Hội Người mù tỉnh Ninh Bình và ông Trịnh Cao Khải ở Hội Người mù tỉnh Nam Định. Dẫu đôi mắt của các ông không còn nhìn thấy một tia sáng, cơ thể mang đầy chứng tích của chiến tranh nhưng các ông đã có bài dự thi trình bày bằng chữ nổi, có bản dịch kèm theo và được địa phương chứng nhận. Còn với em Trịnh Thị Yến Chi- dân tộc Mường, học sinh lớp 2A, Trường tiểu học Hạ Bì, Kim Bôi (Hoà Bình) miệt mài viết tay gần một trăm trang, nét chữ nắn nót còn, trình bày sạch sẽ, đúng,đủ nội dung các câu hỏi của cuộc thi, sưu tầm trang trí tranh ảnh minh hoạ phù hợp. Tiếc thay trong ngày tổng kết trao giải, em Yến Chi không thể đi được vì em bị sốt phải nhập viện trên Hà Nội từ mấy hôm trước. Các cán bộ của Bộ CHQS tỉnh Hoà Bình cho biết, đã nhận phần thưởng của Ban tổ chức cuộc thi giúp em và chuyển đến tận tay em tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngay buổi chiều hôm đó để kịp động viên em .
Thật trân trọng về tình cảm và trách nhiệm của những người đã tham gia cuộc thi và tạo cho cuộc thi sức lan toả sâu rộng, hiệu quả. Với ý nghĩa đó, sau cuộc thi này, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức cuộc thi quyết định đưa các bài dự thi đoạt giải về trưng bày tại Bảo tàng Quân khu. Đó là những hiện vật sống động nói lên sự thành công của cuộc thi và chính tên tuổi của các tác giả đoạt giải sẽ là những tấm gương sáng về trách nhiệm chính trị, tâm huyết, trí tuệ để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tiếp tục học tập noi theo../.