Ở thời điểm hết sức nhạy cảm khi cuộc bầu cử Tổng thống cận kề, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang đối mặt với những chọn lựa hết sức khó khăn trong việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, mà trước tiên là việc xử lý các tình tiết liên quan đến một Luật sư khiếm thị người Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo hai nước tại SED. Ảnh: Chinadaily |
Luật sư khiếm thị Trung Quốc xin tị nạn tại Mỹ
Luật sư khiếm thị người Trung Quốc Trần Quang Thành hôm qua (3/5) đã chính thức bày tỏ nguyện vọng được tị nạn tại Mỹ. Theo Hãng tin Reuters, ông Trần nói ông đang lo sợ cho an toàn của bản thân và gia đình nếu tiếp tục ở lại Trung Quốc theo đúng kế hoạch đã được vạch ra. Giới chức Mỹ cho hay, theo thỏa thuận nói trên, ông Trần và gia đình sẽ định cư an toàn tại một nơi khác ở Trung Quốc và ông này được tiếp tục theo đuổi việc học hành. Thỏa thuận này đã khiến ông Trần đồng ý rời khỏi Đại sứ quán Mỹ hôm 2/5 sau khi lưu lại đó 6 ngày và hiện đang ở tại một bệnh viện ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trong một cuộc điện thoại từ bệnh viện hôm qua, Trần cho biết đã thay đổi ý định sau khi nói chuyện với vợ. “Tôi cảm thấy không an toàn. Quyền và sự an toàn của tôi không được đảm bảo nếu ở đây” – ông Trần nói và cho hay, gia đình cũng ủng hộ quyết định muốn đến Mỹ của ông.
Yêu cầu tị nạn của ông Trần đã đẩy mối quan hệ Mỹ - Trung vào tình thế căng thẳng ở một thời điểm tương đối nhạy cảm: Tổng thống Barack Obama có thể sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề từ các đối thủ liên quan đến cách thức xử lý vấn đề của ông Trần trong quá trình vận động cho cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11 tới và Trung Quốc thì cũng đang cố gắng để quá trình thay đổi guồng máy lãnh đạo vào cuối năm nay, vốn đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bê bối của ông Bạc Hy Lai – cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, diễn ra suôn sẻ. Một quan chức Mỹ cho biết Washington đang xác định mong muốn của ông Trần và sẽ tiếp tục bàn bạc về số phận của Luật sư khiếm thị này với chính quyền Trung Quốc.
Giới chức Mỹ ngày 2/5 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt sẽ thăm Mỹ vào ngày 7/5 tới, nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ quân sự và các tiếp xúc với phía Trung Quốc. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Lương sẽ gặp gỡ người đồng cấp chủ nhà Leon Panetta và đi thăm một vài căn cứ quân sự Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta dự kiến cũng sẽ sớm có chuyến thăm Bắc Kinh. |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi đó từ chối bình luận về đề nghị rời khỏi đất nước của ông Trần và nhắc lại lời chỉ trích rằng cách thức giải quyết vấn đề của Mỹ là “không thể chấp nhận được”, đồng thời yêu cầu Mỹ xin lỗi về cách thức giải quyết vụ việc. Trong bài phát biểu khai mạc các cuộc đối thoại Mỹ - Trung, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã không đả động đến trường hợp của ông Trần nhưng nhấn mạnh rằng 2 nước cần phải tin tưởng lẫn nhau. “Trung Quốc và Mỹ không thể có cùng cách nhìn trong mọi vấn đề, nhưng cả 2 bên cần phải biết cách tôn trọng lẫn nhau” – ông Hồ Cẩm Đào nói.
Việc ông Trần thay đổi ý định của mình không chỉ đẩy tương lai của bản thân ông vào tình thế mong manh mà còn dấy lên những quan ngại về mối quan hệ Mỹ - Trung. Cách thức giải quyết vụ việc này sẽ là một bài toán khó đối với ông Obama – người đã bị ứng viên Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa Mitt Romney chỉ trích là quá mềm mỏng đối với Trung Quốc và có thể sẽ phải hứng chịu nhiều chỉ trích hơn qua trường hợp của ông Trần.
Philippines đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí hạng nặng
Cũng liên quan đến mối quan hệ Mỹ - Trung, Ngoại trưởng Philippines ngày 2/5 cho biết Manila đã đề nghị Mỹ cung cấp các tàu tuần tra, máy bay và các hệ thống radar cho lực lượng vũ trang của nước này trong lúc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang leo thang. Theo Ngoại trưởng Rosario, các loại vũ khí quân sự hạng nặng trên sẽ giúp Manila đạt được “khả năng phòng thủ tin cậy tối thiểu” – cụm từ mà ông đã sử dụng trong cuộc đàm phán với các quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington trong khuôn khổ phiên họp cấp cao chung đầu tiên về an ninh.
“Mỹ cần một đồng minh mạnh hơn trong khu vực – nước sẽ có thể gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo đảm ổn định khu vực. Do đó, việc đầu tư vào năng lực quân sự và quốc phòng Philippines nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ” – ông Rosario khẳng định khi đề cập đến cuộc tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông trong bài nói chuyện tại Quỹ Heritage.
Trong bối cảnh này, phía Mỹ tuyên bố sẽ giúp Philippines xây dựng lực lượng tuần tra biển nhưng khẳng định sẽ không đứng về bên nào trong việc giải quyết bế tắc tại Biển Đông. Mỹ cũng nhắc lại sự ủng hộ cho một giải pháp ngoại giao trong việc giải quyết tranh chấp về lãnh thổ giữa các bên.
Minh Ngọc (Theo Reuters, AFP)